Làn sóng lây nhiễm thứ hai đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới

02/07/2020 - 06:00

PNO - Khi các quốc gia trên thế giới nới lỏng những biện pháp phòng dịch COVID-19, một số khu vực chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mới, đặt ra câu hỏi về việc liệu đại dịch có bước vào đợt bùng phát thứ hai hay không.

Nhiều chính phủ đang thận trọng xem xét sự gia tăng số trường hợp mới, ở những khu vực hoặc quốc gia từng tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch. Bởi sự gia tăng các trường hợp dương tính khi nới lỏng hạn chế giãn cách xã hội không nhất thiết có nghĩa là bắt đầu một đợt lây nhiễm mới, đặc biệt nếu số ca tăng tổng thể trên toàn quốc gia không thay đổi nhiều.

Mỹ

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn thứ nhất.
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn thứ nhất

Tại Mỹ, nơi các trường hợp nhiễm mới chững lại ở mức khoảng 20.000 ca mỗi ngày trong vài tuần, con số lại tăng vọt vào cuối tháng Sáu, vượt qua tốc độ lây lan cao nhất hồi đầu tháng Tư. Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - tuyên bố vào ngày 30/6 rằng nước này có thể đối mặt 100.000 ca dương tính COVID-19 mới hàng ngày, trừ phi hành động quyết liệt hơn để đẩy lùi dịch bệnh.

Fauci nói rằng ông không thể dự đoán số người chết vì đại dịch, nhưng đảm bảo điều đó “sẽ rất đáng lo ngại”. Mỹ đại diện cho 4% dân số thế giới, nhưng chiếm 25% tổng số trường hợp nhiễm và tử vong do COVID-19. Tính đến 30/6, Mỹ ghi nhận hơn 2,5 triệu trường hợp dương tính, một số tiểu bang chứng kiến ​​sự gia tăng kỷ lục.

Hôm 29/6, thống đốc bang Arizona ra lệnh cho các quán bar, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và công viên nước phải đóng cửa trong một tháng, chỉ vài tuần sau khi mở cửa trở lại. Texas, Florida và California đều chứng kiến sự gia tăng lây nhiễm, đã đẩy lùi các nỗ lực tái mở cửa. Oregon và Kansas yêu cầu mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Israel

 Hôm 28/6, Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein cho biết: "Chúng ta đang đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ hai của COVID-19. Chúng ta phải đưa ra các hạn chế mới, có thể bao gồm yêu cầu kiểm soát các cuộc họp, lễ cưới và nơi thờ cúng".

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel ngày 29/6, 218 trường hợp mới được xác nhận trong vòng 24 giờ. Hôm 25/6, nước này báo cáo 668 trường hợp mới trong 24 giờ, con số cao nhất kể từ ngày 3/4 khi 819 ca dương tính mới được chẩn đoán.

Châu Âu

Cuối tháng 6, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu - Hans Kluge - cho biết, 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tại đây đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp dương tính mới trong hai tuần qua khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, 11 trong số đó có mức tăng đáng kể.

Nhân viên y tế đến kiểm tra một chung cư dành cho công nhân tại Đức hôm 22/6.
Nhân viên y tế đến kiểm tra một chung cư dành cho công nhân tại Đức hôm 22/6

Đức đang lo lắng theo dõi sự trỗi dậy của COVID-19 tại khu vực Gütersloh thuộc vùng trung tâm công nghiệp phía tây của nước này, lệnh phong tỏa tại địa phương ảnh hưởng hơn nửa triệu người dự kiến sẽ được gia hạn.

Trong khi đó ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, 19 trong số 24 vùng đô thị hiện vẫn đang trong tình trạng phong tỏa. Khoảng 700.000 người không được rời khỏi nhà ngoại trừ để mua đồ dùng thiết yếu, gặp bác sĩ hoặc đi làm. Người vi phạm có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5.000 euro. Các cửa hàng và quán cà phê phải đóng cửa trước 20 giờ. Bồ Đào Nha từng thành công trong công tác chống dịch COVID-19, nhưng đang gặp khó khăn đối với những ca lây nhiễm mới.

Tại Anh, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết chính phủ sẽ xem xét "giải pháp địa phương" cho Leicester, một thành phố với dân số khoảng 330.000 người. Khoảng 650 người tại đây có kết quả dương tính COVID-19 trong nửa đầu tháng Sáu, chiếm 1/4 các trường hợp của thành phố cho đến nay.

Hàn Quốc

Số ca mắc virus mới ở Hàn Quốc tăng cao trở lại vào 1/7 khi các ca nhiễm tiếp tục xuất hiện ở nhiều khu vực bên ngoài thủ đô Seoul. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận thêm 51 trường hợp trong 24 giờ qua, trong đó có 36 trường hợp nhiễm tại địa phương, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.850 người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Ganglip cho biết: "Lây nhiễm cụm tại các cơ sở quy mô lớn đã giảm bớt, nhưng các trường hợp gia tăng chủ yếu liên quan đến các địa điểm, các cuộc tụ họp quy mô nhỏ".

Nhật Bản

Sự gia tăng về số lượng ca nhiễm mới ở Tokyo đang gây ra lo ngại trong nội bộ các quan chức y tế. 58 trường hợp mới được báo cáo tại thủ đô vào ngày 29/6, sau mức tăng 60 của hôm trước và nâng mức trung bình hàng tuần lên 51,8.

Dù số ca lây nhiễm liên tục tăng, Tokyo vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh và chưa có kế hoạch giãn cách xã hội.
Dù số ca lây nhiễm liên tục tăng, Tokyo vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh và chưa có kế hoạch giãn cách xã hội

Các trường hợp mới bao gồm một cụm liên quan đến câu lạc bộ tiếp viên ở thành phố Utsunomiya, phía bắc Tokyo, với 8 trường hợp bắt nguồn từ một khách hàng đến câu lạc bộ hồi đầu tháng Sáu.

Mặc cho sự gia tăng không ngừng các ca nhiễm, chính phủ Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch tái ban hành tình trạng khẩn cấp, được dỡ bỏ cho Tokyo vào ngày 25/5, hoặc áp đặt lệnh cấm đi lại qua biên giới tỉnh.

Singapore

Singapore kiểm soát tình hình tốt trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng lại đang gặp khó khăn do các ổ bùng phát tại những khu ký túc xá cho người lao động nhập cư. Singapore ghi nhận 246 trường hợp mới vào ngày 30/6, đưa tổng số ca nhiễm lên 43.907.

Bộ Y tế cho biết con số bao gồm 6 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng - ba người thường trú và ba người có thẻ làm việc. Dù vậy theo theo Tổng cục Du lịch Singapore, các doanh nghiệp liên kết du lịch, bao gồm 13 điểm tham quan nổi tiếng, có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/7.

Trung Quốc

Nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh
Nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh

Trung Quốc đã khôi phục lệnh phong tỏa chặt chẽ tại nhiều khu vực gần Bắc Kinh vào ngày 28/6, ảnh hưởng đến khoảng 400.000 người, sau khi một ổ dịch mới xuất hiện. Các hạn chế cũng được triển khai tại quận Anxin ở tỉnh Hà Bắc gần thủ đô.

Bệnh nhân COVID-19 tại địa phương đầu tiên của Bắc Kinh, người đàn ông 56 tuổi tên He, đã được xuất viện vào sáng 29/6. Bệnh nhân thứ hai hồi phục tên Liu xuất viện vào ngày 30/6.

Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 hiện đang được điều trị tại bệnh viện ở quận Triều Dương của thủ đô. Tính đến 29/6, bệnh viện tiếp nhận 325 bệnh nhân COVID-19 mới kể từ ngày 11/6. Tuổi trung bình của những bệnh nhân này là 42, người già nhất là 86 và người trẻ nhất chỉ mới một tuổi.

Làn sóng thứ hai là mối đe dọa đáng quan tâm

Hiện tượng làn sóng lây nhiễm thứ hai liên quan mật thiết với những đại dịch cúm trong quá khứ. Đại dịch cúm năm 1918, lây nhiễm 500 triệu người và giết chết 50 triệu người trên toàn thế giới, nổi tiếng với đợt thứ hai nguy hiểm hơn vào mùa thu, vài tháng sau đợt đầu tiên. Làn sóng thứ ba xảy ra ở một số quốc gia vào năm 1919.

Khả năng miễn dịch phát triển trong một tỷ lệ nhỏ dân số khiến virus cúm phát triển và tiếp tục lây nhiễm cho người. Với mức độ miễn dịch thấp hiện nay, ước tính 60-70% dân số cần phải được tiêm phòng hoặc tiếp xúc với căn bệnh này để ngăn chặn sự lây lan của nó.

Vì vậy thay vào đó, Hannah Clapham - nhà dịch tễ học và trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng khi dân số vẫn mẫn cảm với COVID-19, hành vi của người dân và phản ứng của chính phủ là yếu tố quyết định chính cho những gì xảy ra tiếp theo.

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI