Làm thiện nguyện liên quan đến sức khỏe: Nguy hiểm nếu không đúng cách

31/05/2023 - 05:56

PNO - Làm việc thiện nguyện cho cộng đồng luôn là điều tốt. Tuy nhiên các nhà chuyên môn lưu ý, với việc thiện nguyện liên quan đến sức khỏe, nếu làm không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tâm tốt nhưng cách làm chưa đúng

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một hoạt động mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm chia sẻ và hỗ trợ cho trẻ em thiếu sữa mẹ. Đó là hoạt động quyên góp và tặng sữa mẹ ở một thành phố thuộc khu vực Tây Nguyên. 

Bệnh viện Lê Văn Thịnh không nhận thuốc từ thiện tài trợ từ các công ty dược. Trước khi phát thuốc miễn phí, người dân đều được bác sĩ thăm khám - ẢNH: T.A.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh không nhận thuốc từ thiện tài trợ từ các công ty dược. Trước khi phát thuốc miễn phí, người dân đều được bác sĩ thăm khám - Ảnh: T.A.

Trong vai bà mẹ có nhu cầu hiến tặng sữa, chúng tôi đã liên hệ với số điện thoại đường dây nóng điều phối hoạt động này. Tiếp điện thoại là một nam giới. Anh hỏi địa chỉ nhà tôi, có bị mắc bệnh truyền nhiễm gì không. Khi nhận được câu trả lời “tôi khỏe mạnh, vẫn đang cho con bú” thì nam thanh niên này nói chỉ cần tự đông lạnh sữa mẹ, đựng trong thùng xốp rồi mang tới quán cà phê trên đường H.T.M. Tại đó, nhân viên của quán sẽ hướng dẫn bỏ sữa vào tủ đông. Bà mẹ nào cần sữa cứ tới tủ đông đó lấy về cho con dùng. Tất cả việc cho và nhận đều là miễn phí. Tuy nhiên, một số bà mẹ quá khó khăn có thể đem sữa mẹ tới để đổi lấy bỉm về cho con. Số bỉm đổi cho các mẹ do các nhà hảo tâm tài trợ... 

Đây là cách làm rất có tâm, xuất phát từ tình trạng nhiều trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ do người mẹ gặp các vấn đề sức khỏe khác sau sinh, không có đủ sữa cho con. Dù vậy, việc cho tặng sữa mẹ có rất nhiều vấn đề phải cẩn trọng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - lưu ý: Một số bệnh lý có thể lây truyền qua sữa mẹ như HIV, viêm gan siêu vi B và C, giang mai, cytomegalo virus…

Người nhiễm các bệnh này có thể không có triệu chứng mà chỉ phát hiện được khi thử máu. Xét nghiệm âm tính lúc bà mẹ sinh không có nghĩa là không bị mắc bệnh sau sinh. Việc chia sẻ sữa mẹ tự phát có thể bị lây các bệnh này do bản thân người cho sữa không biết mình đang mắc bệnh. Sữa là môi trường dinh dưỡng thích hợp cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở nên nếu không đảm bảo vệ sinh trong khi vắt sữa, trữ sữa và vận chuyển sữa thì sữa có thể bị nhiễm khuẩn, dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. 

Quy trình của hoạt động từ thiện liên quan sức khỏe

Ngoài câu chuyện trên, chúng tôi cũng ghi nhận được khá nhiều hình thức thiện nguyện tự phát liên quan lĩnh vực sức khỏe. Chẳng hạn, chị N.T.M.K. - thành viên của một hội yêu xe mô tô - tâm sự rằng, mỗi lần tổ chức các chuyến đi phượt, nhóm của chị đều kết hợp trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ai có gì góp nấy, như một thành viên trong nhóm có chuỗi kinh doanh cửa hàng mắt kính góp 100 cái kính lão. Người làm công ty dược thì tặng thuốc, thực phẩm chức năng bổ mắt, bổ khớp… Mỗi phần quà được chia sẵn từng bịch để trao cho bà con nghèo. 

Tất cả sản phẩm đem tặng người dân nghèo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đều được kiểm soát và tuân thủ theo Thông tư 30 của Bộ Y tế - ẢNH: T. A.
Tất cả sản phẩm đem tặng người dân nghèo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đều được kiểm soát và tuân thủ theo Thông tư 30 của Bộ Y tế - Ảnh: T. A.

Theo thạc sĩ Trần Quang Châu - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh - nếu tặng quà mà liên quan thuốc men, vật phẩm y tế thì cần người tổ chức, tư vấn, thẩm định là bác sĩ có chuyên môn. Kính nếu đeo sai độ chẳng những không giúp nhìn rõ hơn mà còn ảnh hưởng thị lực, làm vấn đề sẵn có của mắt thêm nặng. Nếu đơn giản là ra tiệm kính mua kính lão đem tặng cho người dân nghèo sẽ là phản khoa học. Do đó, các hoạt động thiện nguyện như quyên góp và tặng sữa mẹ hay các nhóm tự vận động mua thuốc bổ khớp, thực phẩm chức năng, kính có độ tặng cho bà con vùng xa là không nên. 

Ông cũng cho biết việc tổ chức hoạt động từ thiện liên quan tới sức khỏe không hề đơn giản, nếu làm sai còn gây hại. Khi cứu trợ thuốc men, vật tư y tế, sản phẩm tác động tới sức khỏe cần có sự kiểm soát, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Bộ Y tế đã có Thông tư 30 để hướng dẫn về điều này.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trước khi tổ chức một chuyến khám bệnh, tặng quà từ thiện, bệnh viện cần nhận được thư ngỏ của địa phương nơi dự kiến làm từ thiện. Trong đó, địa phương thống kê có bao nhiêu hộ nghèo cần hỗ trợ nhu yếu phẩm, bao nhiêu bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tầm soát những bệnh gì…?  

Tiếp đến, bệnh viện sẽ gửi email bản scan và cả bản giấy theo đường bưu điện cho sở y tế của địa phương đó về kế hoạch từ thiện của đoàn, xin phép phê duyệt. Nếu sở đồng ý thì sẽ ra văn bản phê duyệt, đồng thời có văn bản gửi cho chính quyền địa phương để giám sát, hỗ trợ đoàn. Sau khi khám và tặng quà xong, đoàn từ thiện phải làm báo cáo bằng văn bản gửi sở y tế địa phương về mô hình bệnh tật của bà con, nhằm giúp ngành y tế có hướng xử trí tiếp theo. 

Ông Trần Quang Châu nhấn mạnh: bệnh viện không nhận thuốc tài trợ từ các công ty dược cho chuyến thiện nguyện. Nếu các công ty dược muốn tài trợ thì bằng tiền mặt, sau đó bệnh viện tự lên kế hoạch mua sắm thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật của người dân. Việc sử dụng thuốc tài trợ hay các sản phẩm liên quan tới sức khỏe không phù hợp là rất nguy hiểm. Mỗi người mỗi cơ địa, mỗi bệnh. Không có dược phẩm nào phù hợp cho tất cả. Bên cạnh đó, thuốc được phát phải thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép, được phép lưu hành tại Việt Nam. Trước khi nhận thuốc, người dân bắt buộc phải được bác sĩ thăm khám, chẩn bệnh... 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI