“Làm” Hạnh Dung - đã nghe bao nhiêu bí mật chuyện đời?

18/05/2020 - 05:34

PNO - Nếu cuộc sống không còn đau khổ, con người ai cũng… “biết hết rồi” thì… quá mừng. Hạnh Dung mơ ước một tương lai mình sẽ chỉ còn là người loan báo hạnh phúc và tin vui của các gia đình.

 

1. Còn gì là bí mật?

Ôi, bao nhiêu câu chuyện thôi thúc người tứ xứ không giãi bày được với ai - tự tìm đến kể cho chị nghe, chị đem… đăng lên báo cho hết thiên hạ đọc rồi, mà gọi là bí mật ư?

Thật ra, Hạnh Dung luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ sự riêng tư, bí mật cá nhân (những người trong cuộc sẽ kiểm tra được điều này dù chỉ trong im lặng không phải “điều tra” gì). Bởi những lá thư, những chuyện đau lòng hay có thể gây thiệt hại, người trong cuộc yêu cầu thì đều được giữ kín. “Đời Hạnh Dung” chưa bị ai phật ý chê trách hay khiếu nại bao giờ.

Khi còn trẻ đi tu nghiệp hay học nghề báo chí - truyền thông từ trong nước, Hạnh Dung được dạy nhiều kỹ năng, trong đó có mấy nguyên tắc luôn tự dặn mình tuân thủ triệt để riêng trong mục này:

Nguyên tắc hạn chế tối thiểu làm thiệt hại (minimize harm) và dành cho những người yếu thế có cơ hội.
Nguyên tắc: kiểm tra - kiểm tra - kiểm tra - là kỷ luật trong nghề báo. Đồng nghiệp hay nhắc phải kiểm tra qua nguồn độc lập (double check).

Để Hạnh Dung nói sơ qua chuyện này. Không làm thiệt hại - ở đây là giữ bí mật riêng tư nếu họ cần để bảo vệ hạnh phúc gia đình hoặc cá nhân - là nguyên tắc phải tuân thủ dù có nhiều chuyện nếu đăng rõ thì “hay ơi là hay”. Nhưng đành tiếc hùi hụi cất kỹ trong hồ sơ lưu.

Với những bạn đọc gửi thư đến, có thể họ đã tự bảo mật bằng cách đổi tên thật và địa chỉ, họ chỉ cần đọc phần trả lời trên báo. Nhưng Hạnh Dung còn một khối lượng công việc lớn, đó là tiếp các bạn đọc tại tòa soạn, trong căn phòng riêng tư - nơi mọi người đến trình bày những chuyện gay cấn đủ loại như ta biết: hôn nhân, tranh chấp kiện tụng dân sự, những đau buồn đẫm nước mắt muốn có người lắng nghe và cho lời tham vấn, yêu cầu giữ kín.

Có khá nhiều lần trong đời, Hạnh Dung ngồi nghe kể chuyện gia đình; qua các suy nghĩ, cách nói năng, ánh mắt của người đối diện - biết rằng họ có mắc chứng tâm thần thể nhẹ. Có thể các chấn thương tâm lý do căng thẳng đau khổ kéo dài trong mâu thuẫn gia đình. Đôi khi vẫn phải kiên nhẫn, với tình thương, trao đổi nhẹ nhàng và họ vui vẻ ra về với nỗi lòng vơi bớt - chỉ cần ai đó lắng nghe đối xử với họ như người bình thường trân trọng là họ có thể… bớt bệnh.

Thế còn double check? Điều tra gì ư? Nếu liên quan luật pháp, tòa soạn có các chuyên gia luật cộng tác, phải xin ý kiến họ. Nếu là vụ bạo hành hoặc cần điều tra lớn, đã có tòa soạn chỉ đạo các phóng viên. Nếu cần giúp cấp thiết, đã có mối liên hệ với các cấp hội và chính quyền địa phương hoặc các tổ chức xã hội. Hạnh Dung có nhiều hỗ trợ, không đơn độc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2. Điều gì đã không còn là bí mật?

Trên các bài báo mục Hạnh Dung, các bí mật tâm lý đã không còn là… bí mật. Nếu có “bí mật” là khi Hạnh Dung giúp bạn đọc tự tìm ra, tự khám phá, các góc nhìn, gợi mở ý thức về tình thương và lẽ phải - điều đúng trong “biển thông tin”, “biển kiến thức” để tự tìm ra điều phù hợp cho gia đình mình, cách tiếp cận vấn đề, góc nhìn nhân văn…

Bởi vì, ngày nay khoa học phát triển, nhiều bí mật đã không còn là bí mật nữa.

Chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình nhiều đến nỗi người ta bảo đó là “chuyện muôn thuở” và xã hội gần như… “bội thực các lời khuyên”. Kinh doanh làm ăn đầu tư khởi nghiệp cũng còn đầy các kiến thức 3 điều tránh 7 điều cần 9 điều rèn luyện… 

Hôn nhân gia đình cũng được truyền thông, các chuyên gia nghiên cứu kỹ và chi tiết, khai thác đủ cung bậc như: “9 kiểu vợ - chồng dễ bỏ nhau nhất”, “Cặp đôi nào thuộc các nhóm dưới đây sẽ hạnh phúc”, “Những type vợ - chồng càng sống càng cô đơn”, “10 điều phụ nữ hay nói dối đàn ông”, “7 điều làm nên hạnh phúc”, “Các mẫu người vợ tốt”… Chuyện muôn thuở nhưng nó vẫn phải có cách nhìn và giải quyết phù hợp thời đại nên nó luôn luôn… thời đại.

Đó là do các chuyện tưởng riêng tư nhất cũng đã biến thành vấn đề xã hội, được đưa ra làm bài học cuộc sống bổ ích cho nhiều người và có nhiều cách hữu hiệu để giải quyết nó.

3. Hạnh Dung ra sao trong thời công nghệ?

Ra sao? Câu hỏi này được đặt ra với mọi ngành nghề, công việc.

Sẽ còn… rất ít người hỏi Hạnh Dung? Nếu cuộc sống không còn đau khổ, con người ai cũng… “biết hết rồi” thì… quá mừng. Hạnh Dung mơ ước một tương lai mình sẽ chỉ còn là người loan báo hạnh phúc và tin vui của các gia đình.

Nhưng thời đại công nghệ mở ra những khả năng có vẻ hoành tráng vô tận, tưởng con robot sắp làm hết mọi việc, con người chỉ việc… đi chơi thụ hưởng hạnh phúc, thì đùng cái, loài người lại đang đối mặt với sự kinh hoàng do vi-rút Corona bé tí gây ra.

Công nghệ giúp con người nhiều công cụ để hiểu biết, có thể “tự làm nhà báo công dân, tự sản xuất ra tin tức” nhưng chuyện gì cũng phải xem hai mặt.

Đầy những tin giả mà không hiểu biết sẽ nghe theo và “chết người” kiểu: “Uống thuốc này vào không cần đẻ, 15 phút em bé tự ra”, “Uống vào lột xác thành hot girl, chồng cũng không nhận ra”… Các chuyên gia cảnh báo “big data lên ngôi - quyền riêng tư thất thủ, những phạm trù nhân văn bị ảnh hưởng”…

“Khách mới” của Hạnh Dung sẽ là ai? Theo nghiên cứu thì đây:

* “Thế hệ baby boomers” (sau đại chiến 2) lớn lên những năm 60 - được đánh giá là thế hệ được giáo dục tốt nhất, những người đọc lý tưởng - đang bước vào tuổi già thưa vắng dần?

* Hay là thế hệ thiên niên kỷ 8X, 9X (millennials) chỉn chu, ích kỷ, chi tiêu sạch không để dành, ghét chỉ trích?

* Là lớp sinh 1980-2000 (Avocado) nõn nà tự kiêu?

* Là thế hệ Z (sinh sau năm 2000) thành thạo bẩm sinh với “bấm bấm” và mạng xã hội?

Dù họ là ai, các vấn đề tình yêu - gia đình… vẫn còn đó. Người ta nghiên cứu nói rằng, nhiều mâu thuẫn và căn bệnh đạo đức hiện nay do “con người đang rời xa nhau quá” (chắc là nói cảnh gia đình ta, ngay ngồi trước ti vi mà mỗi người ngồi cạnh nhau vẫn… chúi vào cái điện thoại thông minh) và tình yêu lẫn “trí khôn gia đình” không còn nhiều tác dụng. Người trẻ “đi tìm trên mạng” hơn là nghe lời khuyên kinh nghiệm của cha mẹ.

Báo chí truyền thông cũng không còn chỉ đưa đến tin tức, mà là đưa thêm giá trị vào tin tức. “Cuộc đua bây giờ không chỉ còn là tốc độ, mà người chiến thắng là ai giúp tôi hiểu rõ và đúng nhất điều đang xảy ra”. Vì “thế giới đã thành quán rượu lớn đầy những kẻ đưa tin tay ngang”.

Và vậy là, các chuyên gia tâm lý, các bệnh học tâm thần, các phát triển triết lý đạo đức, văn hóa, các mục gần gũi trên truyền thông như Hạnh Dung chắc không bao giờ được… nhàn để đi chơi.

Ngược lại, Hạnh Dung cũng “rèn luyện, mở rộng hiểu biết văn minh và tình yêu con người” để có thể được tin cậy chọn làm người “hầu chuyện” như đã từng chung thủy mấy chục năm.

Hạnh Dung

 

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn Báo Phụ Nữ TPHCM, từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • 18-05-2020 15:47:06

    Mục hot của báo Phụ Nữ bao năm

  • Nga 18-05-2020 13:59:09

    Rất ngưỡng mộ cô/chị Hạnh Dung. Không biết Hạnh Dung bao nhiêu tuổi nhưng từng lời khuyên, từng câu chữ rất sâu sắc, ý nghĩa, không hề sáo rỗng. Đôi lần muốn viết thư Hạnh Dung mà nghĩ lại thôi. Đọc những lời khuyên của Hạnh Dung ở những trường hợp khác cũng học hỏi được rất nhiều điều.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI