Ký ức về “người hùng” chống SARS của Việt Nam

09/01/2021 - 06:23

PNO - Trong cuộc chiến chống SARS cách đây 18 năm, GS Lê Đăng Hà là người đã góp công lớn trong việc khống chế dịch sau 45 ngày chiến đấu.

GS Lê Đăng Hà là người hùng trong cuộc chiến chống SARS cách đây 18 năm tại Việt Nam
GS Lê Đăng Hà - người hùng trong cuộc chiến chống SARS cách đây 18 năm

Ngành y của Việt Nam vừa trải qua mất mát lớn khi GS Lê Đăng Hà - chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành Truyền nhiễm, người hùng trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh SARS - đã qua đời.

“Cơn ác mộng” từ loại “virus lạ”

Ngày 26/2/2003, ông Johnny Chen - doanh nhân người Mỹ gốc Hoa - sau khi từ Hồng Kông tới Việt Nam đã xuất hiện triệu chứng sốt cao, ho khan và đau cơ. Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Việt - Pháp với những triệu chứng của bệnh viêm phổi không điển hình, nghi do một loại virus lạ gây ra. Bác sĩ Carlo Urbani - chuyên viên y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân Chen và báo cáo cho WHO về trường hợp đặc biệt này. Không lâu sau, cả bệnh nhân Chen và vị bác sĩ này đều tử vong.

SARS trở thành cơn ác mộng của Việt Nam khi tính tới ngày 8/3/2003, tại Bệnh viện Việt - Pháp đã có 39 cán bộ y tế bị viêm đường hô hấp cấp và 5 người tử vong. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, WHO đã phải đưa cảnh báo cho toàn thế giới về căn bệnh viêm đường hô hấp cấp mang tên SARS - căn bệnh có tốc độ lây lan rất mạnh và nhanh, tỉ lệ tử vong cao.

Ngày 27/3/2003 WHO chính thức thông báo tác nhân gây SARS là do Coronavirus mới, thuộc họ Coronaviridae nhưng đã biến đổi gen so với Coronavirus cổ điển hay gặp trước đây. Tính đến tháng 5/2003, SARS đã xuất hiện ở 29 quốc gia trên thế giới với số ca nhiễm lên tới hơn 7.000 người.

Còn với ngành y tế Việt Nam, trong đó có GS Lê Đăng Hà - chuyên gia hàng đầu của ngành truyền nhiễm, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia, khi phát hiện SARS, tất cả đều hoàn toàn mơ hồ. Căn bệnh này chưa từng ghi nhận trong y văn, nhưng hơn ai hết họ hình dung được mức độ nguy hiểm mà SARS mang đến…

45 ngày đêm chiến đấu và những sáng tạo của người "tổng chỉ huy"

Được Bộ Y tế giao trọng trách điều trị, dự phòng SARS cho Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia, GS Lê Đăng Hà trong vai trò là “tổng chỉ huy” đã không nề hà mà trực tiếp lao vào cuộc chiến. Ông cùng các cán bộ của Viện tìm tòi mọi phương thức, lối đi để đẩy lùi dịch bệnh.

Về phác đồ điều trị, GS Hà yêu cầu các bệnh nhân phải chụp phổi hàng ngày để có thể điều chỉnh, ứng biến cho phù hợp. Thực tế, các bệnh nhân tiến triển bệnh rất nhanh. Có người khi nhập viện phổi chưa tổn thương nhiều nhưng chỉ sau vài hôm, kết quả chụp X-quang cho thấy đã trắng xóa, nếu kéo dài sẽ dẫn tới tử vong.

GS Lê Đăng Hà (bên phải) xem phim chụp Xquang của bệnh nhân mắc SARS
GS Lê Đăng Hà (bên phải) xem phim chụp X-quang của bệnh nhân mắc SARS

GS Hà đã cùng các cán bộ, nhân viên của Viện nghiên cứu cách đối phó với diễn biến bất ngờ của bệnh. Thay vì mở khí quản hay cho ống xông trực tiếp vào miệng vì có thể dễ bị nhiễm trùng, êkip đã lựa chọn cách cho bệnh nhân thở hoàn toàn bằng máy. Phương pháp này có nhược điểm là bệnh nhân có thể làm chệch máy thở, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn lựa chọn và khắc phục bằng cách túc trực bên bệnh nhân 24/24 giờ đồng hồ. Các bệnh nhân nhiễm SARS được điều trị bằng kháng sinh liều cao, truyền huyết thanh và các loại thuốc bổ để có thể hồi phục thể trạng.

Nhận thấy mức độ lây lan khủng khiếp của virus Corona, GS Hà đã yêu cầu người nhà của bệnh nhân tuyệt đối không tổ chức thăm nom, nhân viên y tế cũng không trở về nhà sau giờ làm. Toàn bộ khu vực điều trị trở thành một “pháo đài kín” để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra ngoài xã hội một cách tối đa.

Đặc biệt, thông qua việc nghiên cứu nguồn lây của các ca nhiễm tại Việt Nam và thế giới, GS Hà phát hiện, không chỉ tiếp xúc trực tiếp mà virus Corona gây ra bệnh SARS còn có khả năng tồn tại ở các trang thiết bị, dụng cụ y tế ở bệnh viện. Đây là bài toán khó bởi nếu không xử lý được vấn đề này, bệnh sẽ tiếp tục lây lan và kéo dài.

Để làm sạch không khí thì phải có máy thông khí áp lực tâm với chi phí đắt đỏ, vị “khắc tinh” của SARS đã sáng tạo ra một phương pháp đặc biệt. Ông cho tắt hết điều hòa, đóng cửa chính nhưng mở tung các cửa sổ phòng điều trị bệnh nhân SARS cho nắng tràn vào phòng. Đồng thời, quạt thông gió, quạt máy được sử dụng tối đa để thổi virus SARS ra ngoài nắng.

Sau 45 ngày chiến đấu, nhờ vào biện pháp tưởng chừng như vô cùng đơn giản này, SARS đã chính thức được chặn đứng tại Việt Nam, không ghi nhận thêm ca lây nhiễm nào.

Khắc tinh của SARS

Ngày 28/4/2003, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo trên toàn cầu Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được dịch SARS.

Sinh thời, chia sẻ với báo giới, GS Hà kể lại trong quá trình ông trao đổi kinh nghiệm phòng dịch với bạn bè quốc tế, nhiều người bày tỏ sự khâm phục và thú vị khi Việt Nam nghĩ ra phương pháp “thô sơ mà hiệu quả” đến vậy.

Với những đóng góp lớn lao của mình, GS Lê Đăng Hà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng sau khi chiến thắng dịch SARS.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tới thăm và chúc mừng GS Lê Đăng Hà nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2020.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Bộ Y tế tới thăm và chúc mừng GS Lê Đăng Hà nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020

Nhìn lại cuộc chiến mà GS Hà cùng “đồng đội” của mình đã trải qua, có thể thấy, những kinh nghiệm quý báu này đã tiếp tục được Việt Nam vận dụng thành công trong công cuộc đối phó với đại dịch COVID-19. GS Lê Đăng Hà ra đi, để lại sự tiếc nuối, nhưng những cống hiến của ông cổ vũ ngành y tiếp tục thực hiện trọng trách, tạo ra đột phá trong công cuộc chống lại bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe người dân.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI