Ký ức tuổi thơ là ký ức bánh kẹo

20/04/2024 - 06:54

PNO - Bánh còng, bánh cam, bánh bao chỉ, bánh tiêu, bánh bò… là những thứ bánh gắn chặt trong ký ức của chị em tôi về tuổi thơ.

Chiếc bánh còng luôn in đậm trong ký ức tuổi thơ của tác giả
Chiếc bánh còng luôn in đậm trong ký ức tuổi thơ của tác giả

Sáng thức dậy cùng cái nắng vàng của Sài Gòn nóng bức, tôi bước chân xuống nhà dưới, gặp chị đi chợ về. Chị nói: “Chị mua cho mấy cái bánh còng ăn sáng đó”. Tôi nhướng mày ngạc nhiên, định hỏi ai lại ăn sáng với bánh còng. Như đoán được, chị nói tiếp luôn: “Tội nghiệp lắm! Chị bán bánh này ở chợ mình cả chục năm, bánh do chị ấy tự làm. Trước đây khi ông xã còn, mỗi người bán nửa buổi, hết thùng bánh thì tiền lời cũng đắp đổi qua ngày. Từ sau COVID-19, khó khăn, người ta ăn chắc mặc bền, ít ai mua. Ông xã chị mắc COVID-19 mất rồi, chị bán ở chợ đến trưa là phải chạy khắp thành phố bán rong. Mà giờ cũng không dám làm nhiều”.

Tôi ngồi xuống, nhẩn nha cắn miếng bánh của tuổi thơ. Bánh còng, bánh cam, bánh bao chỉ, bánh tiêu, bánh bò… là những thứ bánh gắn chặt trong ký ức của chị em tôi về tuổi thơ.

Ngày nhỏ, ba mẹ đi làm cả tuần, ông bà nội vừa chăm cháu, vừa lo cơm nước, chỉ đến Chủ nhật, được nghỉ, mẹ tôi mới đi chợ, nấu nướng để ông bà được nghỉ tay. Với chị em tôi, Chủ nhật nào cũng là ngày hội. Mỗi tuần, cả 5 đứa được theo mẹ ra chợ.

Mẹ tôi là một phụ nữ khá đặc biệt - bà nghiêm túc trong mọi việc và việc nào cũng được “lên quy trình” một cách chặt chẽ nên khi đưa các con theo ra chợ, việc đầu tiên là mẹ trực chỉ gánh bún bò hay bún mọc quen để các con ăn sáng. Ăn xong, bà đưa chúng tôi đến một gian nhà quen bên ngoài chợ, gửi chúng tôi ngồi đó để bà đi mua bán. Cứ mua đầy một giỏ là bà quay lại, để đồ cho chúng tôi giữ, rồi lại đi.

Cứ mỗi lần mẹ quay lại như vậy, với chúng tôi là như một lần xổ số, bởi mẹ sẽ dúi cho mỗi đứa cái bánh hay gói chè. Và bánh cam, bánh còng luôn là chọn lựa quen tay của mẹ, bởi chỗ bán bánh nằm ngay cạnh sạp gia vị - nơi mẹ mua bán đầu tiên, trước khi đi mua các loại thực phẩm khác.

“Quy trình” này quen đến nỗi bác chủ nhà chỗ chúng tôi ngồi đợi cũng… thuộc luôn. Bác còn thích thú ngồi cùng chúng tôi để đoán xem khi quay về hôm đó, mẹ tôi sẽ cho các con mình ăn bánh cam hay bánh còng, rồi bác cháu cười hỉ hả với nhau khi đoán trúng trước con mắt ngạc nhiên của mẹ tôi. Khi hiểu ra chuyện, mẹ tôi cũng cười theo.

Việc đi chợ cùng mẹ vào Chủ nhật đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” mà sau này khi lớn lên, chúng tôi luôn nhắc với nhau, kể cho các con, các cháu mình nghe.

Hôm nay ăn lại miếng bánh còng, nhớ lại những ngày thơ bé. Tôi nhớ có lần các cháu (khi chúng vừa nhồm nhoàm nhai bánh vừa hỏi bà: “Sao ba/mẹ tụi con ăn bánh này hồi nhỏ mà nhớ hoài vậy nội/ngoại. Tụi con thấy bánh cũng bình thường”. Mẹ tôi trả lời: “Là vì ngày ba mẹ các cháu còn nhỏ, chưa có nhiều loại quà bánh như bây giờ. Những loại bánh này ngày đó đã là “quà đặc biệt” rồi. Miếng ngon nhớ lâu, các cháu ạ”.

Thực ra, trong muôn chiều ăn uống ngày nay với đủ loại bánh kẹo cao cấp, tôi lo ngày nào đó, bánh cam, bánh còng… của tuổi thơ chúng tôi sẽ bị “bức tử” vì không thể nào cạnh tranh lại. Nhưng tôi nhớ ngày bé, ba tôi luôn nói: “Ký ức tuổi thơ phải là ký ức bánh kẹo” để giải thích với mẹ mỗi khi bà hay cằn nhằn việc ba tôi đi đâu mà gặp là mua về rất nhiều bánh tiêu, bánh bò, bánh dầu cháo quẩy, đặc biệt là bánh cam, bánh còng, bánh rán… cho các con.

Vì vậy tôi tin, miếng bánh cam, bánh còng giản dị, thuần phác của quê mình sẽ vẫn được truyền nối, khi các cháu bé hôm nay được ăn chúng trong tình yêu thương gia đình. Cái vị ngọt của miếng bánh sẽ in đậm hơn trong ký ức, khi thấm đẫm cái hạnh phúc được bao bọc, bảo vệ, thương yêu của gia đình.

Lâm Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI