Ký họa “đổi ngôi” và văn chương im tiếng

13/04/2020 - 16:39

PNO - Ký họa mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, lúc hài hước khi cảm động. Còn văn chương, vào lúc này chừng như im lặng trước đại dịch…

Chiều 6/4, ngay sau khi xem clip các y bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận òa khóc mừng rỡ vì bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của tỉnh đã âm tính lần một, Tấn Nguyên (hiện đang công tác tại Phòng Truyền hình, báo Người Lao Động) đã ngồi vẽ ngay bức ký họa về hình ảnh xúc động này. Tác phẩm sau đó được nhiều bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội. Hình ảnh thay mọi lời nói, rất kịp thời lan tỏa cảm xúc cùng cộng đồng. Trước đó, Nguyên cũng ký họa một số hình ảnh về nhân viên điều xe ngồi ăn vội bữa trưa ở khu cách ly, người dân Sài Gòn trao quà cho người nghèo, truyền thông điệp từ các y bác sĩ Bệnh viện Bình Dân: “Chúng tôi đi làm vì các bạn. Bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”. 

Ký họa của Tấn Nguyên, hình ảnh y bác sĩ Bình Thuận vui mừng vì bệnh nhân cuối cùng của tỉnh âm tính lần 1
Ký họa của Tấn Nguyên, hình ảnh y bác sĩ Bình Thuận vui mừng vì bệnh nhân cuối cùng của tỉnh âm tính lần 1

Nguyên bảo chỉ vẽ theo cảm xúc. Ký họa không phải là lựa chọn nghề nghiệp của anh, nhưng trong mùa dịch COVID-19, những cảm hứng lan tỏa thông điệp, giá trị đã khiến anh bắt đầu “khai mở” sở đoản của mình. Cũng như Nguyên, nhiều người trẻ cũng chia sẻ những câu chuyện, cảm nhận của họ bằng tranh. Từ khu cách ly Quân khu 7, kiến trúc sư Tăng Quang (làm việc tại London, Anh) đã vẽ cả bộ ký họa thu hút hàng chục ngàn lượt thích, bình luận tích cực của cộng đồng mạng. Hình ảnh các chiến sĩ vận chuyển hành lý, thức ăn qua các tầng lầu, phát cơm, dọn rác, kiểm tra thân nhiệt, cảnh vui chơi, sinh hoạt của mọi người… Góc nhìn hài hước cùng những chia sẻ ý nghĩa khiến cho bộ tranh ký họa của Tăng Quang lan tỏa rất nhanh. 

“Album ký họa ghi lại một khoảng thời gian rất đặc biệt trong cuộc đời. Cuộc sống những ngày qua khiến tôi rất biết ơn và cảm kích. Mỗi ngày tôi vẽ bốn, năm bức. Trong khu cách ly không có nhiều đạo cụ nên vớ được gì thì vẽ bằng cái đó. Vài ba cây bút chì màu, hộp màu nước và hai cây bút kim. Dù không hoa mỹ, nhưng nó rất chân thật với những gì tôi đã trải qua” - Tăng Quang chia sẻ. Hiện anh đã hoàn tất thời gian cách ly trở về nhà, nhưng những bức ký họa vẫn còn dư âm giá trị. 

Trước đó, tại khu cách ly thành phố Đà Nẵng, du học sinh về từ Daegu (Hàn Quốc) Phạm Thị Hảo cũng có bộ tranh ký họa chủ đề “14 ngày cách ly”. Bộ tranh đen trắng, chỉ vẽ bằng bút chì, về ổ bánh mì bữa sáng, phần thức ăn trưa, cành cây khi “ngồi ghế đá nhìn lên”, hình ảnh các y bác sĩ, chiến sĩ được vẽ lại kèm theo lời cảm ơn. Nhiều câu chuyện từ các khu cách ly đã được kể bằng những bức ký họa như thế. Không ngôn từ hoa mỹ, cũng không phải những bức tranh thực sự hoàn hảo, sắc sảo, nhưng tất cả đều cho người xem cảm nhận được những câu chuyện chân thực, những tình cảm đắt giá, và những tấm lòng ấm áp từ nơi cách ly ấy. 

Mới đây, mạng xã hội lại lan truyền bộ ký họa của TCT, chuyện về thần chết tìm đến các bệnh nhân nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, nhưng đã bị những thiên thần áo trắng ngăn lại. Thần chết phải bỏ cuộc và cảm thán: “Cái đất nước kỳ lạ này! Họ chưa từng bỏ bất kỳ ai!”. Bộ tranh thực sự làm ấm lòng người xem. Trên trang online Tuổi Trẻ Cười, tranh biếm họa về COVID-19 liên tục được đăng tải. Cảm động có, hài hước có. Báo cũng mời gọi tất cả các cây cọ không chuyên gửi họa truyện, tranh, clip hoặc ý tưởng cộng tác với “nhuận bút hấp dẫn”. 

Ký họa của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội về những ngày giãn cách xã hội
Ký họa của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội về những ngày giãn cách xã hội

Trong thời gian giãn cách xã hội, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tổ chức cuộc thi “Thử thách 14 ngày - Quyết chiến NCOVI”. Thành quả là có hơn 400 bức vẽ thể hiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân Hà Nội những ngày cách ly, tình cảm với các chiến sĩ, y bác sĩ, Hồ Gươm mùa dịch… Những ý tưởng đa dạng xoay quanh thời sự về dịch bệnh, thể hiện qua những bộ/bức ký họa tưởng chừng đơn lẻ, rời rạc, nhưng gắn kết lại là một bức tranh nhiều mảng màu sống động, soi chiếu hiện thực ở giai đoạn này. 

Ở lĩnh vực âm nhạc, từ đầu mùa dịch đến nay, rất nhanh chóng đã có những ca khúc mới, hoặc ca khúc cũ được đặt lời mới kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền. Phim ảnh cũng vào cuộc. Báo chí càng phát huy tối đa nhiệm vụ. Chỉ có văn học là gần như “im tiếng”. Trong một bài viết mới đây, nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) có nói về “sự yếu đuối, cô độc và bất lực của văn học” thời hiện đại: “Văn học vĩ đại tất nhiên được sinh ra trong thời đại phù hợp với nó, thời đại sản sinh ra nền văn học vĩ đại đã qua rồi”.

Văn chương Việt vốn từ lâu đã không còn mong cầu có được những tác phẩm “vĩ đại”. Nhưng trong mọi thay đổi của thời cuộc, thiên tai, dịch bệnh, vẫn rất cần tiếng nói của những người cầm bút. Chỉ tiếc rằng, tiếng nói của giới văn chương ở thời điểm này có lẽ đã khác. Khác ở chỗ họ im tiếng trong tác phẩm của mình, nhưng có thể cùng nhau cười cợt, bỉ bôi ai đó nếu “chẳng may” làm thơ mà không vừa ý họ. Có vẻ như nhiều người đã đọc thơ trong tâm thế soi mói, sẵn sàng ném đá, hơn là chiêm nghiệm, thưởng thức. 

Văn chương bế tắc trước hiện thực, tắc nghẽn những mạch nối cảm xúc lan tỏa từ chữ nghĩa. Có nhà văn từng nói rằng, mạng xã hội góp phần “giết chết” nhà văn. Có lẽ một phần đúng như vậy thật, khi từ Facebook, những “cái tôi” của giới văn chương đã được phơi bày theo một cách khác. 

Văn học đôi khi là một cuộc sàng lọc để nhận chân những giá trị thật. Nhưng thời điểm này, cũng chẳng được mấy tác phẩm (cả thơ lẫn văn xuôi) viết từ đại dịch để mà sàng lọc. Đời sống văn học ảm đạm, nhưng trên mạng xã hội thì có khi “rào rào ngôn từ” mà chẳng thể làm nên tác phẩm của những người cầm bút. 

Cảm động với bộ tranh của Alireza Pakdel 

Họa sĩ nổi tiếng người Iran Alireza Pakdel (sinh năm 1981) - người nhận hơn 100 giải thưởng hội họa trong và ngoài nước, đã gửi đến thế giới bộ tranh cảm động về những người đang căng mình chống dịch ở tuyến đầu: quân đội và những “thiên thần áo trắng”. Một trong những bức tranh lan tỏa tại Việt Nam những ngày qua là hình ảnh nữ bác sĩ ngồi trong phòng chăm sóc bệnh nhân, phút tựa đầu vào tường nghỉ ngơi như thể tựa vào hình dáng những người thân yêu. Trước “thần chết” COVID-19, những y bác sĩ trở thành những người bảo vệ, họ hy sinh mọi mưu cầu cá nhân, thậm chí chấp nhận rủi ro của bản thân, tất cả vì bệnh nhân và cuộc chiến chống COVID-19. Trên trang Iran Press, họa sĩ Alireza Pakdel chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần dành sự tôn trọng cho những người đang căng mình trong cuộc chiến chống vi-rút Corona, trong khi chúng ta chỉ phải ở nhà và chờ”. Bộ tranh nhanh chóng thu hút hàng triệu người xem ngay sau khi họa sĩ đăng tải bộ ảnh trên trang cá nhân, cùng thông điệp mang tính phổ quát.

Một trong số những bức họa của Alireza Pakdel
Một trong số những bức họa của Alireza Pakdel

Hoàng Hạc 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI