Kinh nghiệm đột phá của huyện Củ Chi giúp kiểm soát dịch COVID-19

04/09/2021 - 15:20

PNO - Trong 8 ngày, huyện xét nghiệm đạt 300% qua 3 vòng đối với “vùng đỏ, cam, vàng” và truy vết liên tục. Xét nghiệm vòng 2 đối với “vùng xanh” đạt 200%.

Tại hội nghị sơ kết 15 ngày ra quân thần tốc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh ngày 2/9 vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Củ Chi đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn theo các tiêu chí của Bộ Y tế.

Sức mạnh “tự kiểm tra” của dân, truy vết “thần tốc”

Theo báo cáo tình hình kiểm soát dịch của huyện, từ 15-31/8 ghi nhận hơn 2.300 ca nhiễm COVID-19. Tất cả F0 đều được chuyển tới khu cách ly thu dung. Tính đến 31/8, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho người trên 18 tuổi của huyện đạt hơn 93% mũi 1, vượt 23% so với chỉ tiêu TPHCM và gần 4% mũi 2.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 4/9, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - chia sẻ một số kinh nghiệm đột phá giúp huyện kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Theo bà Hiền, mặc dù vẫn còn ghi nhận ca nhiễm, tuy nhiên, đánh giá các chuỗi lây thì huyện đã kiểm soát, không lây lan trên diện rộng. Để đạt được thành quả nói trên, trước hết, huyện thực hiện rất nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Bản đồ đánh giá mức độ nguy cơ từng khu phố trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: Quốc Ngọc
Bản đồ đánh giá mức độ nguy cơ từng khu phố trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: Quốc Ngọc

Cụ thể, ngoài thành lập nhiều chốt chặn, huyện ban hành nội quy vào “vùng xanh”. “Theo đó, mỗi người dân phát huy tinh thần chủ động, mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng chống dịch, mỗi người dân nêu cao ý thức kỷ luật ai đi, ai đến, ai làm gì cũng phải khai báo y tế với chính quyền địa phương”, bà Hiền nói.

Trong tình hình dịch bệnh, chính người dân Củ Chi chủ động cao độ trong việc phát hiện ra những người lạ mặt đến địa phương, chính họ cũng tham gia vào công tác chốt chặn bảo vệ khu vực của mình.

Xét nghiệm cho lực lượng tuyến đầu PCD tại Củ Chi
Xét nghiệm cho lực lượng tuyến đầu PCD tại Củ Chi

Kinh nghiệm thứ hai, huyện tập trung làm công tác xét nghiệm, truy vết F0 “thần tốc”. Để công tác xét nghiệm nhanh nhất có thể, Củ Chi đã thực hiện trên tinh thần tự đào tạo lực lượng tại chỗ, từ giáo viên cho đến đoàn viên thanh niên. Huyện đã có được khoảng hơn 100 người từ lực lượng tại chỗ như vậy.

Bên cạnh đó, từ đầu mùa dịch đến nay, huyện được sự tiếp sức của 70 nhân viên Hội y học cổ truyền Việt Nam và 39 sinh viên là dân Củ Chi hiện đang theo học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, giúp cho công tác truy vết đạt hiệu quả cao nhất. Lực lượng tình nguyện này cũng phối hợp với huyện trong công tác xét nghiệm. Chỉ trong vòng 8 ngày, Củ Chi đã xét nghiệm đạt 300% qua 3 vòng đối với các “vùng đỏ, cam, vàng” và truy vết liên tục. Xét nghiệm vòng 2 đối với “vùng xanh” đạt 200%.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại khu nhà trọ xã Tân Phú Trung
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại khu nhà trọ xã Tân Phú Trung

Với tinh thần như vậy, Củ Chi đã bóc tách được F0 ra khỏi cộng đồng để tập trung điều trị tại một khu thu dung, không để F0 ở các hộ gia đình. “Một trong những thành quả mà Củ Chi cũng làm tốt là đã hoán chuyển được một trường học thành bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị F0 với quy mô 200 giường. Trong đó, có 100 khẩu thở và 100 giường cấp cứu để điều trị F0 chuyển nặng, nhằm giảm tải cho các bệnh viện thành phố và kịp thời đưa F0 vào nhanh chóng được điều trị cấp cứu”, bà Hiền cho hay.

Huyện Củ Chi hiện còn 260 điểm phong tỏa với hơn 3.200 hộ (tương ứng hơn 9.100 nhân khẩu), giảm 38 khu so với thời điểm 14/8.

Xác định phủ vắc xin nhanh và an toàn nhất có thể

Kinh nghiệm thứ ba, huyện Củ Chi tập trung tổ chức điều trị F0 tại các khu thu dung khá tốt. Nhằm nâng cao về mặt thể chất cho bệnh nhân, ngoài việc cấp phát thuốc, còn hỗ trợ nước cam, chanh, gừng, xả.

“Nhờ có lực lượng giáo viên tham gia rất đông, khoảng 5.000 người và mỗi ngày luân phiên qua các khu để người F0 nào cũng được tăng cường các loại nước ép nhằm tăng sức đề kháng. Chúng tôi còn hướng dẫn F0 súc miệng bằng nước muối hằng ngày cùng cung cấp các loại thuốc rửa mũi, họng từ đông nam dược… Các khu thu dung điều trị còn hướng dẫn F0 phơi nắng, tập thể dục nâng cao sức khỏe hằng ngày”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết.

Xét nghiệm thần tốc trên địa bàn huyện
Xét nghiệm thần tốc trên địa bàn huyện

Bên cạnh nâng cao thể chất như trên, huyện hỗ trợ tinh thần bằng cách mỗi ngày hướng dẫn, nói chuyện với F0 vào lúc đi thăm, khám. Cho họ nghe những bài nhạc sôi động kích thích tinh thần sống vui, sống khỏe hơn. Mục tiêu là hạn chế thấp tỷ lệ F0 chuyển nặng. Và trong thời gian qua, công tác điều trị F0 của huyện Củ Chi được TPHCM đánh giá rất cao với tỷ lệ chuyển nặng chưa tới 3%.

Kinh nghiệm thứ tư là tập trung chăm lo an sinh xã hội. Theo bà Hiền, huyện thực hiện nhiệm vụ này với quan điểm người dân có đủ ăn, đủ mặc thì họ mới có thể an tâm, đồng thuận, cộng tác tốt với chính quyền địa phương chống dịch, chứ tư tưởng dân mà bất an thì rất khó.

Bằng quan điểm đó, Củ Chi chăm lo rất tốt các gói an sinh, gói hỗ trợ theo Nghị quyết và chỉ đạo của HĐND và UBND thành phố. Việc tổ chức đi chợ thay cho người dân được triển khai với ưu tiên chọn lựa các mặt hàng của nông dân để cung cấp cho người dân. Nhờ vậy, giá thành rất rẻ vì từ nông dân đến thẳng tay người tiêu dùng. Vừa giải cứu được nông sản của huyện, vừa cung cấp bữa ăn ngon lành, giá cả bình dân cho người dân trên địa bàn huyện.

Củ Chi đã chi hỗ trợ cho hơn 117.000 người dân với tổng số tiền gần 162 tỷ đồng. Huyện chuyển gần 200.000 phần quà nhu yếu phẩm, hơn 399 tấn gạo cho 96.000 hộ khó khăn, khu phong tỏa và tổ chức 11 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn, hỗ trợ giải cứu nông sản trị giá gần 2,3 tỉ đồng.

Cuối cùng, huyện rất tập trung vào công tác tiêm vắc xin. Tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 của huyện Củ Chi hiện khá thấp. Thế nhưng, bà Phạm Thị Thanh Hiền tỏ ra có chút lo âu một khi Chính phủ cho TPHCM kết thúc thực hiện Chỉ thị 16. Khi đó, mức độ giao lưu giữa các quận huyện trong thành phố, cũng như giữa thành phố với các tỉnh thành khác sẽ rất cao.

“Với biến chủng Delta, sắp tới lại là biến chủng Lamda và nhiều biến chủng virus khác nguy hiểm hơn, trước tình thế này, huyện Củ Chi đã xác định tiêm vắc xin nhanh và an toàn để tăng cường miễn dịch cộng đồng cho người dân. Nhờ xác định tập trung như thế, huyện đã đạt 94 % người dân được tiêm mũi 1”, bà nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện chúc mừng nhân dân và hệ thống chính trị huyện Củ Chi khi hay tin huyện kiểm soát dịch bệnh, duy trì “màu xanh” trên quê hương Đất Thép Thành Đồng. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của huyện và tin tưởng trong thời gian sớm nhất, huyện Củ Chi sẽ là vùng xanh an toàn của cho TPHCM.

Ngoài Củ Chi, TPHCM còn có Q.7 cũng cơ bản kiểm soát dịch bệnh với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên địa bàn giảm mạnh. Trước đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Q.7 số 1 có từ 4-5 ca tử vong, nay giảm xuống còn 2 ca/ngày. Trong ngày 1/9, không ghi nhận ca tử vong. Tính đến 31/8, tỷ lệ người dân đã tiêm mũi 1 của quận cũng đạt gần 94%.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI