Kín hay hở?

26/12/2015 - 07:12

PNO - Kín và hở của thân thể người phụ nữ, cái nào hấp dẫn hơn? Câu hỏi ấy, muôn năm, vạn kiếp vẫn không thể có câu trả lời cuối cùng. 

Câu thơ của thi sĩ Thái Can, đọc xong, như những sợi tơ trời vướng lại trong trí nhớ: “Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với dân gian một nụ cười”. Sự kiêu hãnh ấy, ắt nhiều người chết mê chết mệt. Và nghĩ rằng, trong cái sự chỉn chu từng nếp gấp lụa là, từng phiến da đã che đậy, và loáng thoáng son môi hồng tươi ấy, chắc chắn sự hấp dẫn, quyến rũ sẽ tăng lên bội phần.

Lại có người bảo, không cần phải thế, sự phơi bày lồ lộ từng nét thanh tân mới “ngon mắt” hơn, và sẽ là sự khiêu khích đến quyết liệt khiến người đối diện hăm hở, cuồng nhiệt như con thiêu thân lao vào ánh đèn.

Kín và hở của thân thể người phụ nữ, cái nào hấp dẫn hơn?

Kin hay ho?
Ảnh: DZUNG ART

Câu hỏi ấy, muôn năm, vạn kiếp vẫn không thể có câu trả lời cuối cùng. Đứng trước một dòng suối chảy hoang dại, điên cuồng không chừng mực, cảm giác của sự cảm nhận sẽ như thế nào? Có giống như lúc ngước nhìn từng giọt nước mưa rơi thánh thót ngoài hiên vắng? Đứng trước một bức tượng Vệ Nữ, niềm cảm hứng của thi ca và âm nhạc có dâng lên dạt dào như sóng vỗ bờ hay chỉ là ngọn lửa nguội lạnh tro tàn? Cảm giác như thế nào là tùy vào tâm trạng mỗi lúc.

Kín và hở, điều đó không có một ý nghĩa gì cả.

Đàn bà? Kỳ lạ lắm.

Có những mẫu người, khiến tôi nghĩ đến đóa huệ trắng nõn, trắng muốt cùng mùi hương của sự thành kính, trong sạch và thiêng liêng. Nhan sắc ấy, tự nó đã là một sự chở che cho tâm hồn yếu đuối. Sự hiển nhiên này đã đến một cách tự nhiên, dẫu rằng, lúc ấy, nàng không hề có thêm một “phụ kiện” nào. Dẫu rằng, lúc ấy, chỉ có hai người trong căn phòng trầm thơm và nến sáng, nàng như vừa bước ra khỏi bức tranh của các danh họa.

Khi nhìn Khỏa thân nằm tựa (1917) của Modigliani (Ý); hoặc Vệ Nữ và Cupid (1651) của Velázquez (Tây Ban Nha), thử hỏi, trong lòng có gợn lên dục vọng nào không? Mồn một rõ ràng trước con mắt là đường cong đầy đặn, là dấu chấm đỏ nơi đó, là vệt đen nơi kia, là gương mặt diệ u vợi đến thế, nhưng rồi cuối cùng thế nào?

“Ta gần em, mê từng ngón bàn chân/ Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão/ Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo/ Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm”. Thi sĩ Đinh Hùng đã cất lên tiếng nói rất thật của một người chìm đắm trước vẻ đẹp trang nghiêm.

Kín và hở, điều đó không có một ý nghĩa gì cả.

Đàn bà? Kỳ lạ lắm.

Kỳ lạ vì vẻ đẹp ấy còn tùy thuộc vào tâm trạng của người đối diện, ngay lúc ấy, chỉ lúc ấy. Khi tàu lá chuối giãy đành đạch dưới ánh trăng vàng, cơn say đến ma mị rất bản năng, dẫu rằng, Thị Nở có váy đụp, áo tứ thân “mớ bảy mớ ba” đến cỡ nào đi nữa, với Chí Phèo vẫn là sự lõa lồ của thân xác.

Tưởng rằng, khi nhả tơ để se tơ làm lụa, con tằm kia nghĩ rằng, từ đây, mọi sự sẽ kín đáo hơn. Sẽ không ai có thể nhìn thấy những gì đã che giấu. Không hề. Có những người phụ nữ, dù gọn gàng, kín đáo từ cổ phủ xuống gót chân, nhưng tôi vẫn thấy rõ hình hài ấy như nhìn qua màn thủy tinh trong suốt, trong veo. Cảm giác ấy, chỉ có được từ sự mê đắm. Kỳ lạ chưa?

Khi ánh trăng trải dài trên cánh đồng lúa, hình ảnh cô thôn nữ chân lấm tay bùn và có cái tên cực kỳ quê mùa: Thị Mịch, lại trở thành tiên nữ trong mắt Nghị Hách. “Khi cô ả gánh rạ đi qua, nghĩa là cái mặt đã khuất sau đống rạ tròn, nhà điền chủ lại trông theo cái váy nâu cũn cỡn, do một đường lạt khíu giữa, cho nó chẽn đến nửa đùi, một bộ đùi phốp pháp trắng nõn, trông rất đáng yêu…” (Giông tố, Vũ Trọng Phụng).

Cô ấy kín đáo đấy chứ! Vâng, cái lối ăn mặc ấy cũng như bao người khác nhưng rồi, Nghị Hách phải chiếm đoạt cho bằng được. Đơn giản, hơn ai khác, chính lúc ấy, trong cảm xúc ấy, sự kín đáo lại hấp dẫn, quyến rũ đến mê hồn. Vì sao? Chỉ vì “hai cái má phúng phính, một cặp môi nhỏ và dầy, cái cằm tròn trĩnh và hơi lẹm trong cái vành khăn mỏ quạ bằng láng thâm”. Kín và hở, chẳng là gì trong ngữ cảnh này.

Nói như thế, vì sau này, ngay trong cái đêm tân hôn, trước sự lõa lồ, hoàn toàn “hở”, nhưng Nghị Hách lại nhìn Thị Mịch bằng cảm giác của một người đã chán cơm nếp nát đến tận họng!

Kín và hở, điều đó không có một ý nghĩa gì cả.

Cảm giác như thế nào là tùy vào tâm trạng của mỗi lúc. Gì thì gì, đừng quên rằng lời dặn dò của nhà thơ Thái Can: “Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với dân gian một nụ cười”. Ánh sáng gương mặt sẽ là tâm điểm của mọi sự, của tất cả cảm hứng tràn trề, dù lúc ấy, nàng có “kín” hoặc “hở” đến cỡ nào đi nữa?

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI