"Kì nghỉ" COVID-19 kéo dài đe dọa giáo dục của Ấn Độ

05/10/2021 - 06:22

PNO - Hàng triệu trẻ em Ấn Độ phải tạm nghỉ học trong 18 tháng. Hơn 10 triệu học sinh tiểu học ở các thành phố lớn chưa được phép tới trường.

Khi các ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận giảm mạnh xuống mức thấp nhất nhiều tháng qua, chính phủ Ấn Độ quyết định gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng đã 18 tháng, hơn 10 triệu học sinh tiểu học ở các thành phố lớn chưa được phép tới trường.

Các trường học dành cho học sinh lớn đã dần mở cửa trở lại, nhưng ở các điểm nóng của đại dịch, Mumbai hay New Delhi, ít nhất trong vài tháng tới, ngày khai trường gần như là điều không thể. Các chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng “kì nghỉ” này đang đe dọa đến nỗ lực nâng cao tỷ lệ người biết chữ ở Ấn Độ.

Học sinh chờ mưa tạnh để tiếp tục các lớp học ngoài trời ở Joba Attpara, Ấn Độ
Học sinh chờ mưa tạnh để tiếp tục các lớp học ngoài trời ở Joba Attpara, Ấn Độ

Các nghiên cứu gần đây đã vẽ ra diện mạo ảm đạm về tác động của việc đóng cửa trường học kéo dài. Học sinh đến từ các khu vực nông thôn, nơi cư trú của phần lớn các hộ gia đình trong đất nước và những học sinh có hoàn cảnh thiệt thòi phải đối mặt với nhiều rào cản để tiếp tục việc học sau đại dịch.

Một cuộc khảo sát vào tháng 8/2021, trên 15 bang, có đến 37% trẻ em từ lớp 1 đến lớp 8 ở các vùng nông thôn không thật sự chú tâm vào việc học; gần 50% dù được tới trường nhưng không thể đọc nhiều hơn một vài từ. Cuộc khảo sát đã chỉ ra những thử thách mà nhiều trẻ em phải đối mặt. Trong thời điểm khủng hoảng vì COVID-19 các trường học đã chuyển đổi hình thức học tập thành giảng dạy trực tuyến, dẫn đến một khó khăn chiếm đa số trong các hộ gia đình là việc thiếu công cụ hỗ trợ việc học tập như smartphone, đường truyền internet không ổn định.

Trẻ em trên đường về nhà sau khi tham gia một lớp học do một tổ chức phi chính phủ tổ chức ở Tây Bengal
Trẻ em trên đường về nhà sau khi tham gia một lớp học do một tổ chức phi chính phủ tổ chức ở Tây Bengal

Reetika Khera, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở Delhi lo lắng khi sự nghiêm trọng của vấn đề không được chú trọng. Theo bà: “Những con số này cho thấy thế hệ trẻ đang có khả năng phải đối mặt với nguy cơ bị mù chữ. Rủi ro có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào việc chính quyền có đủ tỉnh táo nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và đưa ra các biện pháp xử lý hay không", bà nói.

Dịch bệnh đã tước đi sinh kế của vô số công nhân làm công ăn lương khắp đất nước Ấn Độ. Jagdev Bhuiyan một công nhân ở trung tâm đại dịch đã mất đi công việc của mình do kì giãn cách xã hội kéo dài vào năm ngoái, giờ đây nó còn đe dọa tới tương lai của 2 đứa con nhỏ của anh. Anh cho biết con trai anh học lớp bốn và con gái học lớp hai hầu như không thể học được trong hơn một năm rưỡi qua. Gia đình chỉ có một chiếc smartphone và kết nối kém đã cản trở khả năng tiếp cận các lớp học trực tuyến của họ.

Việc học rất kém hiệu quả, anh Bhuiyan nói, ban đầu bọn trẻ đọc sách vở và vẫn cố gắng học tập, nhưng khi không có sự giám sát, các em sớm mất hứng thú, và dành cả ngày để chơi với những đứa trẻ khác trong làng. Anh Bhuiyan thể hiện sự lo lắng khi kỉ luật trong học đường hằng ngày đã biến mất, và bọn trẻ giờ đây như “tờ giấy trắng” không có kiến thức lẫn không nhớ gì cả!

Buổi sáng họp mặt trong một lớp học vào ngày đầu tiên mở cửa lại trường học ở Noida, ngoại ô New Delhi
Buổi sáng họp mặt trong một lớp học vào ngày đầu tiên mở cửa lại trường học ở Noida, ngoại ô New Delhi

Jean Drèze, một nhà kinh tế học đã cho biết so sánh sơ bộ các số liệu từ cuộc điều tra dân số vừa qua và cuộc khảo sát cho thấy một xu hướng đáng báo động. Tỷ lệ biết chữ trung bình ở Ấn Độ đối với trẻ em nông thôn từ 8 đến 12 tuổi vào năm 2011 là 88%, nhưng trong cuộc khảo sát mới nhất là 53%. Ông Drèze còn cảnh báo, trẻ em đang cảm thấy rất khó khăn trong việc học online. Dịch bệnh kéo dài, hàng triệu trẻ em Ấn Độ có nguy cơ sẽ bỏ học từ cấp tiểu học, điều này sẽ khiến chúng có một cuộc sống lao động cực khổ trong tương lai.

Các nhà hoạt động cảnh báo về sự gia tăng lao động trẻ em khi các gia đình tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế. Ở một số vùng của đất nước, các học sinh nữ đã phải kết hôn để cải thiện tài chính của gia đình. Quyết định mở cửa trở lại trường học đã được giao cho chính quyền các bang, nhưng nhiều nơi đang do dự vì lo lắng một làn sóng lây nhiễm mới có thể ảnh hưởng đến cộng đồng.

Các nhà dịch tễ học Ấn Độ kêu gọi chính phủ mở lại các lớp học trực tiếp vì nguy cơ trẻ nhỏ mắc bệnh vẫn ở mức thấp. Bang Maharashtra, một bang lớn ở miền tây Ấn Độ, đã triển khai các lớp học đặc biệt để giúp sinh viên ôn lại các kiến thức đại cương của năm trước, trước khi họ có thể lên khóa tiếp theo.

Tại Odisha, một sáng kiến của chính phủ do UNICEF hỗ trợ đã kết nối các giáo viên thực tập với trẻ em chưa bao giờ được đến trường. Harijan, một giáo viên cho biết anh đã sửng sốt khi thấy một đứa trẻ 7 tuổi quên “sạch” bảng chữ cái đã được học trước đó.

Một nhân viên y tế sử dụng máy phun khử trùng tại trường trung học Chogle ở Mumbai vào ngày 30/9, sau quyết định mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12
Một nhân viên y tế sử dụng máy phun khử trùng tại trường trung học Chogle ở Mumbai vào ngày 30/9, sau quyết định mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12

Nhưng các nỗ lực ở số ít các bang như vậy là chưa đủ, Yasmin Ali Haque, đại diện UNICEF tại Ấn Độ, cho biết “cuộc khủng hoảng giáo dục chưa từng có này cần một sự đầu tư lớn hơn". Bà cho rằng, chính phủ cần cung cấp các công cụ và phương tiện cho việc học tập từ xa, bên cạnh việc đào tạo đội ngũ giáo viên và mở trường học một cách an toàn.

Những bậc phụ huynh luôn có những trăn trở trong việc học tập của con cái họ trong thời kì đại dịch này. Nazia Parveen, 30 tuổi ở bang Bihar, có con gái học lớp một, Kashish, trước khi bùng nổ dịch COVID-19, cô rất tự hào khi con gái luôn đạt thành tích cao nhất ở lớp. Khi thấy Kashish có vẻ tụt lại phía sau so với các bạn cùng lớp, cô đã vay một khoản tiền để gửi Kashish đi học thêm ngoài giờ. Parveen chưa từng hoàn thành chương trình giáo dục của mình, nhưng chị hy vọng con gái mình sẽ đỗ đại học để kiếm một công việc được trả lương cao và ổn định hơn.

Chị Parveen chia sẻ: “Tôi hiểu giá trị của giáo dục, tôi luôn tạo cơ hội cho con em mình được học tập và mong nó được trưởng thành hơn, nhưng tương lai khá mù mịt”

Tuấn Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI