Khuyến cáo từ Hồ sơ Panama

12/05/2016 - 14:20

PNO - Hồ sơ Panama là một thực tiễn giúp cơ quan quản lý Việt Nam nghiên cứu để tìm cách khắc phục những kẽ hở về thuế.

Khi hệ thống pháp luật và chính sách thuế của các quốc gia khác nhau thì việc tận dụng sự khác biệt này để có lợi nhất cho doanh nghiệp đa quốc gia cũng như cá nhân là điều không thể tránh khỏi. Và vì vậy, các đảo quốc - thiên đường trốn thuế và các công ty luật quốc tế có rất nhiều khách hàng.

Ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, luật về chống rửa tiền và chống tham nhũng rất chặt chẽ. Công ty Việt Nam hiện nay, khi ký các hợp đồng kinh tế với các công ty Âu, Mỹ đều phải chấp nhận ký phụ lục có liên quan đến chống tham nhũng.

Việc các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có tên trong danh sách Panama cũng là điều bình thường. Tất yếu, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ coi dữ liệu từ Hồ sơ Panama là nguồn tham khảo để điều tra nghi vấn rửa tiền, trốn thuế, gian lận thuế với những cá nhân, tổ chức có liên quan. Khi có thông tin đầy đủ và chính xác, cơ quan điều tra mới có thể khởi tố về các hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Khuyen cao tu Ho so Panama
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Dưới góc độ tài chính và đầu tư, chưa thể kết luận những cá nhân, tổ chức có tên là trốn thuế hay phạm pháp. Hành vi trốn thuế và lách thuế là không dễ phân biệt. Do đó, Hồ sơ Panama là một thực tiễn giúp cơ quan quản lý Việt Nam nghiên cứu để tìm cách khắc phục những kẽ hở về thuế. Đồng thời, Hồ sơ Panama dẫn đến một đòi hỏi cần rõ ràng, minh bạch và khắt khe hơn đối với pháp luật của Việt Nam có liên quan đến tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền.

Trước đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã từng đưa ra cảnh báo: Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, những nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt dễ dẫn đến những vấn nạn như tham nhũng nhỏ đến rửa tiền quy mô lớn đều phổ biến và khó phát hiện hơn. Vì vậy, chính phủ Việt Nam rất cần đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán, hoàn thiện hệ thống thuế và sớm ban hành Luật Chống rửa tiền.

Theo sau những tiết lộ từ Hồ sơ Panama, Trung Quốc cũng đã bắt đầu mở rộng một chương trình chống tham nhũng tại các thành phố mới ngoài trung tâm tài chính Thượng Hải, cấm vợ chồng và con cái của những quan chức cao cấp làm công việc hoặc kinh doanh trong những lĩnh vực mà thành viên trong gia đình đang nắm giữ chức vụ công.

Nguyễn Tuấn Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI