Không nương tay với tội tham nhũng, sản xuất thực phẩm giả

28/05/2025 - 06:40

PNO - Sáng 27/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có quy định xóa bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không khoan nhượng với các hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội, sức khỏe và niềm tin của nhân dân.

Giữ hình phạt tử hình để răn đe, cảnh tỉnh

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) không đồng tình với việc bỏ tử hình, chuyển xuống hình phạt chung thân không giảm án với các tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản, nhận hối lộ và sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Ông phân tích, vận chuyển hàng trăm ký ma túy, hàng trăm bánh heroin là hành vi chuyên nghiệp, không thể khoan dung.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang

Đối với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, ông dẫn chứng nhiều vụ án gây rúng động dư luận trong thời gian qua và đề nghị giữ lại án tử hình để răn đe và tăng hiệu quả thu hồi tài sản. Chẳng hạn, trong các vụ án AVG hối lộ lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông 3 triệu USD, hay vụ nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng liên quan đến các chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch COVID-19, phải đến khi bị tuyên án tử hình, bị cáo và thân nhân mới nộp tiền, khắc phục hậu quả. Hay trong vụ án bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB, bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị tuyên án tử hình nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được hậu quả.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cũng dẫn nhiều vụ án mà sau khi viện kiểm sát đề nghị tử hình, vài ngày sau, thân nhân bị cáo mới mang tiền ra khắc phục hậu quả. Ông nói: “Mức án tử hình là để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng. Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng ta phải trừng trị thích đáng những tội phạm này. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu giữ hình phạt này. Nếu tuyên tử hình mà sau đó tội phạm khắc phục hậu quả tốt thì giảm án”.

Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Sang nêu quan điểm: “Hành vi này mất nhân tính không kém gì giết người, bởi uống phải thuốc giả thì bệnh trầm trọng hơn, thậm chí dẫn tới tử vong”. Ông đề nghị nghiêm trị hành vi này để giữ kỷ cương, phép nước.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (tỉnh Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: “Nếu không có án tử hình thì có thu hồi được tài sản không?”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần cân nhắc với những trường hợp người nhận hối lộ không gợi ý cho các doanh nghiệp, đối tác mà bị những người đưa hối lộ tìm mọi cách liên lạc, tiếp cận, dụ dỗ, ép nhận hối lộ.

Đề xuất tử hình tội phạm sản xuất thực phẩm giả

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (tỉnh Quảng Bình) kiến nghị nâng mức phạt tiền lên cao hơn, có thể là 3-4 lần so với mức tăng 2 lần như dự thảo luật quy định đối với hành vi làm hàng giả là thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam

Ông dẫn thống kê công tác giám định hàng giả của công an trong những năm gần đây: năm 2022 có 141 vụ, năm 2023 có 111 vụ, năm 2024 có 164 vụ. Trong đó, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm chiếm khoảng 34%; hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chiếm khoảng 20%; hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi chiếm khoảng 25%; các loại hàng giả khác như hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 21%.

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2025, số vụ làm hàng giả được giám định tăng đột biến với 85 vụ, có những vụ làm hàng giả thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh với số lượng lớn. Qua giám định của công an, phương thức, thủ đoạn của tội phạm hàng giả có sự thay đổi lớn: trước đây, chúng chủ yếu làm giả về nhãn mác, thương hiệu nhưng hiện nay, chúng chủ yếu làm giả về chất lượng sản phẩm. Do vậy, sản phẩm không đảm bảo thành phần, hàm lượng các hoạt chất so với công bố, không công khai thành phần gây hại, dị ứng, các chất bị cấm... Mặt khác, các đối tượng còn sử dụng cùng một nguyên liệu nhưng gắn nhiều loại nhãn mác khác nhau và đều được đăng ký sản xuất.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề xuất, hình phạt cao nhất với tội danh sản xuất thực phẩm giả là tử hình, nhất là sản xuất sữa và thực phẩm chức năng bởi hành vi này làm ảnh hưởng đến những người yếu thế, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như niềm tin của nhân dân. Mức án tử hình không phải là giải pháp duy nhất nhưng cũng góp phần lập lại trật tự và thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với loại tội ác này.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) đề nghị bổ sung cụ thể tội danh và tăng hình phạt với hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả. Từ vụ lực lượng công an triệt phá 100 tấn thực phẩm chức năng giả, ông chỉ ra, lợi nhuận mà người sản xuất, kinh doanh hàng giả thu được rất lớn. Giá xuất xưởng của 1 sản phẩm cấp cho đại lý cấp I là 177.000 đồng nhưng khi bán cho hiệu thuốc thì tăng lên 700.000 đồng và tới tay người tiêu dùng thì có giá gần 2 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của các bệnh viện khi để các loại thực phẩm chức năng giả, các loại thuốc chữa bệnh giả lọt vào bệnh viện. Do đó, ông đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý thông qua việc tăng cường xử phạt hành chính và hình sự đối với các cán bộ quản lý có liên quan.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI