Không gì hơn làm mẹ những con người...

25/03/2015 - 12:18

PNO - PN - Hôm qua, ngày 24/3, tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Tượng đài này lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam, được phác thảo do một họa sĩ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhưng từ tổng thể đến chi tiết, họa tiết, lại được tác giả kỳ vọng là sự kết hợp và chọn lựa bởi con tim và khối óc của bao thế hệ đàn bà Việt anh hùng đã đi qua chiến tranh và sống cô quạnh trong thời bình. Mong sao, người có mẹ đã mất, các bà mẹ anh hùng còn sống, những người phụ nữ không được phong anh hùng nhưng đoạn trường cay đắng do bom đạn và khốn khó, đến trước tượng đài, lòng bỗng trào lên cảm xúc. Họ thấy ở đó ánh sáng của tâm linh, hồn phách được bao phủ bởi lý trí và tầm nhìn vĩnh cửu, vừa là nơi trú ngụ cho những cơn đau không bao giờ dứt, thấy dưới bức tượng kia là một trái tim đang phập phồng, gửi một thông điệp cho người còn sống về đức hy sinh, tình yêu, lẽ phải lẫn can trường.

Khong gi hon lam me nhung con nguoi...

Nhiều năm, tôi được cơ quan phân công hàng tháng về trao tiền phụng dưỡng cho mẹ Nghiệp ở Thăng Bình, Quảng Nam. Mỗi lần gặp, tôi đều nghe mẹ nói “bác đau nhức miết không ngủ được”. Điều khiến tôi... khó thở chính là mỗi lần gặp, tôi đều nghe “trong tiếng thở của thời gian rất khẽ”, ánh nhìn như cố níu, như xót xa.

Với người đàn bà Việt khi xế chiều, trong mắt họ những người trẻ tuổi đều là con cháu. Thương yêu, đó là tính cách, nét nổi trội của phụ nữ Việt, và nó trở thành đặc tính của dân tộc.

Ánh nhìn đó khiến tôi bao lần quay xe ra cổng, như muốn đi nhanh, lại muốn đi chậm, bởi tôi biết đằng sau là một tiếng thở dài và một bếp lửa lúc nào cũng đỏ.

Vài lần, tôi gặp mẹ đi quơ lá khô về nhóm bếp. Mẹ không nói gì, nhưng tôi nghĩ là để cho căn nhà nhỏ đỡ cô quạnh. Mẹ có hai con và chồng hy sinh. Ngồi bên bếp, mẹ lẩm nhẩm điều gì đó. Chỉ có lửa mới hiểu mẹ nói gì. Rồi mẹ mất. Chắc cũng chỉ có lửa mới hiểu lúc về với chồng con, mẹ nói gì, nghĩ gì. Nhà nước lo lắng dựng nhà cho mẹ, phụng dưỡng cơm nước, nhưng ngọn lửa lòng mẹ, thì... Những bà mẹ mất con sẽ không bao giờ ngăn được tiếng thở dài khi đêm xuống trong căn nhà vắng.

Khong gi hon lam me nhung con nguoi...

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng sừng sững kia, ao ước giá như người ta thiết kế thêm một bếp lửa - hành trang đi suốt cuộc đời người đàn bà Việt với bao vui buồn sướng khổ, bao chất ngất hạnh phúc lẫn nỗi đau mênh mông. Thêm một tiểu cảnh, một họa tiết có thể thừa ra, cũng có thể thiếu bởi vì... thiếu.

Tạc được tâm can là điều khó nhất. Nghệ thuật, từ lúc khởi thủy, chưa bao giờ chiến thắng, thậm chí bất lực, khi diễn tả lòng người, nhất là nỗi đau. Tượng đài này lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam, được phác thảo do một họa sĩ. Nhưng từ tổng thể đến chi tiết, họa tiết, lại được tác giả kỳ vọng là sự kết hợp và chọn lựa bởi con tim và khối óc của bao thế hệ đàn bà Việt anh hùng đã đi qua chiến tranh và sống cô quạnh trong thời bình.

Mong sao, người có mẹ đã mất, các bà mẹ anh hùng còn sống, những người phụ nữ không được phong anh hùng, nhưng đoạn trường cay đắng do bom đạn và khốn khó, đến trước tượng đài, lòng bỗng trào lên cảm xúc. Họ thấy ở đó ánh sáng của tâm linh, hồn phách được bao phủ bởi lý trí và tầm nhìn vĩnh cửu, vừa là nơi trú ngụ cho những cơn đau không bao giờ dứt, thấy dưới bức tượng kia là một trái tim đang phập phồng, gửi một thông điệp cho người còn sống về đức hy sinh, tình yêu, lẽ phải lẫn can trường.

Nhìn tượng, tôi lại nhớ mẹ Nghiệp dáng đi liêu xiêu, lưng còng xuống. Có lần tôi hỏi: “Bác có chiêm bao mấy anh về không?”. Bà không trả lời thẳng, mà nói: “Hồi nớ kêu tụi nó đi bộ đội, chừ khi nào nhớ thì khóc”.

Ập về trong tôi thơ Hữu Loan: “Nếu anh ra đi - Mẹ già anh khóc - Trai thời loạn ly - Thương con khó nhọc... Nhưng - Nếu anh không đi - Mẹ già anh khóc - Trai thời loạn ly - Mà con không đi” (Tòng quân).

Để có ngày thống nhất, đã có gần hai triệu đứa con ưu tú ngã xuống, và cũng chừng đó nỗi đau ập lên vai người mẹ, người vợ. Dòng chảy lịch sử dân tộc này thấm đẫm trái tim trĩu nặng đau thương, mềm mại và dẻo dai của mẹ để gánh những cơn đau bất tận. Và tôi ao ước ở khu tượng đó, có người đàn bà quang gánh như đất nước hình chữ S, dáng khuỵu xuống nhưng đầu ngẩng lên, trán hằn những ngang dọc cơn đau đã bị bóng thời gian xô lệch.

Mới đây, tôi về tìm bà Trương Thị Trà ở xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam. Bà tham gia đánh trận khét tiếng một thời. Tôi hỏi: “Sao địa phương và quân khu nhắc mấy lần mà bác không chịu làm hồ sơ phong anh hùng?”. Bà vừa chặt củi vừa trả lời: “Dân biết bác anh hùng là được rồi, bao nhiêu chị em thời đấu tranh với bác còn chịu biết bao thiệt thòi”.

Thỉnh thoảng tôi được đọc những trang báo cáo thành tích kháng chiến. Lấp loáng sau những dòng chữ là những mặt người vô danh. Không có họ, sẽ không có anh hùng, không có chiến công, không có cá nhân được tôn vinh. Một tập thể, một đám đông vô hình, mà nếu không có họ, sách, bia sẽ không được dựng, được viết.

Lịch sử viết bằng máu, được xiển dương đã đành. Nhưng lịch sử viết bằng tâm tư, không thể đọc một lần. Lịch sử đó bao lớp người xếp ngang dọc, nối nhau, băng qua năm tháng; tâm hồn họ dựng lên những tượng đài vô hình trong lòng dân. Những người như bà Trà, họ không cần phong anh hùng...

Hôm qua, ngày 24/3, tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Tượng được dựng lên để vinh danh những người mẹ anh hùng. Walt Whitman viết: “Và tôi bảo không có gì vĩ đại hơn làm mẹ những con người” (Lá cỏ).

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI