Khởi nghiệp mùa dịch: Sáng tạo không giới hạn

14/03/2021 - 06:50

PNO - Dịch COVID-19 không chỉ có thách thức mà còn tạo thời cơ để các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo.

Khoai lang… lên đời

Chúng tôi có duyên gặp anh Nguyễn Thanh Việt (38 tuổi, quê Vĩnh Long) tại một phiên chợ nông sản ở TPHCM. Ông chủ quầy hàng có nick name Mr. Khoai luôn nở nụ cười tươi, liên tục chế biến và chào mời khách hàng dùng thử sản phẩm bánh phồng chiên giòn do mình làm ra.
“Bánh phồng này làm từ khoai lang quê mình, không sử dụng chất bảo quản, có thể ăn kèm với gỏi hoặc ăn chơi đều rất ngon” - anh Việt giới thiệu “đứa con tinh thần”. Không chỉ có sản phẩm độc lạ, câu chuyện khởi nghiệp của anh cũng làm nhiều người thán phục.

Bánh phồng khoai lang đắt khách
Bánh phồng khoai lang đắt khách

Là giảng viên kinh tế, Phó khoa Kinh tế - Luật Trường cao đẳng Vĩnh Long, nhiều lần đi công tác ở huyện Bình Tân - vùng nguyên liệu đặc sản khoai lang của tỉnh Vĩnh Long - anh Việt chứng kiến cảnh người dân bán khoai với giá chỉ 500-1.000 đồng/kg. Điều đó đã thôi thúc anh tìm giải pháp để nâng cao giá trị loại nông sản này.

“Khoai lang Bình Tân là thương hiệu riêng của Vĩnh Long, sản lượng chừng 300.000 - 400.000 tấn/năm. Khoai có vị ngọt, dẻo và thơm, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với nông dân trồng khoai là giá cả bấp bênh khiến đời sống khó khăn. Vốn có kiến thức về chế biến thực phẩm nên tôi suy nghĩ phải làm gì đó để giúp nông dân, cũng như tăng giá trị của khoai lang” - anh Việt bộc bạch.

Được vợ ủng hộ và trợ sức, ngày đi dạy, tối tối, vợ chồng anh Việt lại thử đủ các loại công thức để chế biến khoai lang. Vợ chồng anh nghiền khoai rồi trộn với bột để làm bánh, nấu chè, làm bột bánh canh, chiên, luộc, hấp… Anh Việt tâm sự: “Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ có thể sử dụng trong 1-2 ngày. Tôi muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng từ khoai lang, dễ dàng chế biến, hạn sử dụng dài. Đặc biệt, sản phẩm đó sẽ trở thành món quà tặng du lịch đặc trưng của Vĩnh Long, để khách phương xa đến địa phương này có thể mua làm quà biếu bạn bè, người thân”.

Mất gần cả năm trời để liên tục thay đổi công thức, gia giảm liều lượng, nếm trải không biết bao nhiêu lần thất bại… anh Việt mới cho ra đời được những chiếc bánh phồng khoai lang đầu tiên. Có sản phẩm, anh mời học trò, bạn bè ăn thử. Thấy ngon và lạ, nhiều người tìm đến anh để mua hàng, có doanh nghiệp đề nghị hợp tác với anh để phân phối độc quyền…

Trung bình mỗi tháng, anh Việt đưa ra thị trường 12 tấn bánh phồng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Thừa thắng xông lên, anh liên hệ với bà con trồng khoai lang thu mua khoai giá cao, kêu gọi nhiều lao động tại địa phương vào làm việc. Anh cùng vợ thành lập Công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc, triển khai sản xuất hàng loạt sản phẩm từ khoai lang cung ứng ra thị trường.

“Mát-xa” dừa lấy mật

“Làm sao để cơm dừa nước có thể bảo quản lâu? Tôi thấy du khách đến Cần Giờ rất thích ăn cơm dừa nước nhưng món này không giữ được lâu, dễ bị hôi thiu. Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, tôi thấy những nước láng giềng như Philippines, Thái Lan khai thác được mật dừa nước và phát triển nó như một ngành công nghiệp dừa nước, chiết xuất mật, đường, giấm, rượu…  và tự hỏi tại sao ở Việt Nam không thể làm như thế trong khi quê hương mình lại là xứ sở của dừa nước” - đó là trăn trở để anh Phan Minh Tiến (ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM) - người quyết định “mát-xa cuống dừa nước” và cho ra đời loại mật dừa nước đầu tiên của 
Việt Nam.

Sản phẩm mật dừa nước của Phan Minh Tiến
Sản phẩm mật dừa nước của Phan Minh Tiến

Mật dừa nước là sản phẩm hoàn toàn mới ở Việt Nam. Lúc đầu, Tiến gặp không ít khó khăn về kỹ thuật sản xuất, nhất là việc làm sao cho cuống dừa tiết ra nhiều nước. Để làm được điều đó, chàng trai trẻ cùng cộng sự chọn những quày dừa khỏe mạnh, vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc cho đến khi quả đủ già để thu được nhiều nước. Quày dừa nước sau khi cắt trái, nước sẽ tiết ra từ vi mạch ở cuống. Nước thu về được cô đặc ra mật, sau đó tiệt trùng và đóng chai thủy tinh loại 200ml.

“Trước giờ người dân chỉ khai thác trái dừa nước để lấy cùi làm món ăn; ít ai biết khi chặt quày dừa, mật tiết ra từ cuống cũng có giá trị không nhỏ” - Tiến phân tích.Hiện tại, Tiến cung cấp cho thị trường trên 1.000 chai mật dừa nước mỗi tháng. Ngoài ra, Tiến còn sản xuất mật dừa nước dạng tinh chất.

Sản phẩm mật dừa nước của Phan Minh Tiến
Sản phẩm mật dừa nước của Phan Minh Tiến

Mật dừa nước phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, kiêng chất tạo ngọt, có khả năng thanh nhiệt, giải độc và phần nào bù lại lượng khoáng của cơ thể bị mất. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, không dùng bất kỳ chất bảo quản nào trong quá trình sản xuất. 

Túi cũng biết… thở

Túi “biết thở” là sản phẩm ra đời ngay trong mùa dịch COVID-19 của cô gái trẻ Trần Thị Diễm My (29 tuổi, ngụ TPHCM). Chia sẻ về đứa con tinh thần, My cho biết, trước đây, cô và các cộng sự mở công ty Biostarch sản xuất các sản phẩm từ nhựa sinh học. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Tình cờ, My thấy cảnh nhiều loại rau củ quả ở các siêu thị, cửa hàng bị đổ bỏ do úng nước khi bọc bằng túi ni-lông thông thường. Đặc biệt, nhiều xe nông sản của Việt Nam chở dưa hấu, thanh long, khi chưa kịp qua cửa khẩu đã bị hư hỏng nhiều, khiến nông sản Việt bị thất thoát giá trị rất lớn. 

Sẵn thế mạnh là làm chủ công nghệ nano trong sản xuất nhựa sinh học, My và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu. Sau vài tháng, những chiếc túi “biết thở” đầu tiên ra đời, được dùng thử và nhận về nhiều phản hồi tích cực.

Túi “biết thở” Biostarch
Túi “biết thở” Biostarch

“Túi biết thở” được làm từ nguyên liệu hạt nhựa sinh học, thành phần gồm tinh bột khoai mì (sắn) công nghiệp và nhựa polyethylene (PE). Những chiếc túi này đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sau khi sử dụng, chúng sẽ phân hủy sinh học trong vòng sáu tháng tới hai năm ở môi trường ủ rác thải công nghiệp, giúp môi trường xanh sạch hơn.

“Những chiếc túi của chúng tôi được làm từ màng sinh học. Màng không thấm nước nhưng lại cho không khí xuyên qua. Cấu trúc tinh bột tạo thành các lỗ rỗng giúp đẩy khí ethylene - khí làm quả chín - thoát ra, làm chậm quá trình chín của rau củ, trái cây. Khả năng thấm khí giúp không khí trong túi được tuần hoàn liên tục, giảm nhiệt độ phát sinh từ quá trình rau củ quả hô hấp, nhờ đó tăng thêm được thời gian bảo quản nông sản. Ví dụ nếu để thanh long vào ngăn mát tủ lạnh 14 ngày, trái sẽ đỏ, khô héo nhưng nếu giữ trong túi biết thở, cùng thời gian trên, trái vẫn xanh tươi”, My phân tích.

Mỗi tháng, công ty của My bán ra thị trường khoảng 300kg túi “biết thở”. Bên cạnh túi “biết thở” bảo quản rau quả, My cho biết công ty cô đang nghiên cứu phát triển thêm dòng túi chuyên dùng bảo quản thịt, các loại hải sản. 

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit - người có nhiều năm “cầm cân nảy mực” không ít dự án khởi nghiệp cho biết, các bạn trẻ ngày càng có nhiều sản phẩm sáng tạo trong khởi nghiệp nông nghiệp. Những sản phẩm mới lạ không chỉ làm phong phú hơn các mặt hàng trong nước mà còn có cơ hội cạnh tranh khi ra thế giới.

Phương Vy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI