Khoe ảnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Có gì phải nặng lời?

29/06/2021 - 15:08

PNO - "Không thể quy kết tất cả những bài đăng về việc đã tiêm chủng là “khoe mẽ”, là “chiến tích” một cách cực đoan", một Facebooker nói.

 

Chiến lược tiêm vắc xin thần tốc của TPHCM những ngày qua có lẽ là sự kiện đáng quan tâm nhất với con số lên đến vài trăm ngàn liều mỗi ngày

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Bắc Giang và TPHCM gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Với con số kỷ lục lên đến 667 ca nhiễm trong 24 giờ (từ 6g ngày 24/6 đến 6g ngày 25/6, chủ yếu là ca nhiễm trong khu cách ly), TPHCM chọn giải pháp tiêm vắc xin số lượng lớn là hợp lý. Tuy nhiên, so với nhu cầu quá lớn của TPHCM, số lượng hơn 800.000 liều vắc xin được tiêm trong tuần qua vẫn chỉ là một con số thấp. 

Có lẽ chính vì vậy mà những người được tiêm trong đợt này cảm thấy mình may mắn. Trong những ngày đầu của đợt tiêm chủng, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh người đi tiêm. Từ khóa “tiêm vắc xin COVID-19” có lẽ là từ khóa hot nhất trong những ngày qua.

Tuy nhiên, một bài viết được đăng trên Facebook mới đây đặt ra câu hỏi có nên post hình mình đã tiêm vắc xin lên mạng để khoe?

Quan điểm của một phụ nữ khá có tiếng trong cộng đồng mạng cho rằng, hành động đăng hình đã tiêm chủng của cá nhân lên mạng là khoe khoang, là một sự thiếu tế nhị, ích kỷ, mang tính thỏa mãn cá nhân, dễ làm người khác mủi lòng.

Chị cũng đề nghị các cá nhân hãy gỡ những hình ảnh và bài đăng về việc đã tiêm vắc xin để tránh làm tổn thương những người chưa được tiêm.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, những cư dân mạng cũng thẳng thắn chỉ ra "cái chưa được" trong bài viết này.

Tôi chú ý đến ý kiến của một ông chủ trẻ sở hữu nhiều quán cà phê nổi tiếng ở TPHCM: "Việc “khoe” này không hề phản cảm, không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng. Việc đăng hình đã tiêm chủng lên mạng không hề mang tính thiếu tế nhị hay vô duyên, mà chính là hành động giúp lan tỏa về vắc xin tốt nhất".

Bài đăng gây nên tranh về việc nên hay không nên khoe hình ảnh đã tiêm vaccine lên mạng. Ảnh: facebook
Bài đăng gây nên tranh cãi về việc nên hay không nên khoe hình ảnh đã tiêm vắc xin lên mạng (Ảnh từ Facebook)

Hiện nay, nhiều người tỏ ra khá hoang mang khi nghe các thông tin về phản ứng phụ của vắc xin, nên ngần ngại trước đợt tiêm. Nhờ những bài chia sẻ của người đi trước về việc tiêm, những phản ứng đã xảy ra, cách họ trải qua kỳ tiêm chủng ra sao cho an toàn, kiêng cữ, ăn uống, chăm sóc cơ thể thế nào sau tiêm… mà những người sắp tiêm cảm thấy tin tưởng, an tâm hơn.

Như vậy, không thể quy kết tất cả những bài đăng về việc đã tiêm chủng là “khoe mẽ”, là “chiến tích” một cách cực đoan.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là góc nhìn cực đoan của cá nhân. Ảnh: facebook
"Thêm một người chích là bớt đi một đối tượng có thể nhiễm và lây bệnh cho xã hội" (Ảnh chụp từ màn hình)

Hơn nữa, nhìn vào những đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm chủng này, có thể thấy đây là quyết định rất đúng đắn của lãnh đạo TPHCM. Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ và lực lượng trực tiếp chống dịch, các đối tượng khác đều trong những ngành nghề quan trọng, không thể thiếu của thành phố.

Trong đó, phóng viên, nhà báo hàng ngày không ngại lăn xả vào các vùng có dịch để đưa thông tin chính xác nhất đến người dân.

Đội ngũ giáo viên cần được tiêm vì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Thành phố đã cận kề.

Lực lượng công nhân các khu chế xuất, khu công nghệ đóng vai trò nòng cốt trong sản xuất và cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước.

Hai năm trong đại dịch, ngành sản xuất kinh doanh đã rất lao đao. Nếu lực lượng này không được bảo vệ, chuỗi lây nhiễm tăng lên, nguồn cung đứt gãy thì hậu quả kinh tế không chỉ doanh nghiệp gánh mà sẽ đè nặng lên từng công nhân mất việc và cả gia đình họ.

Chia sẻ của một chủ quán cà phê có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh về quan điểm đang gây tranh cãi trên mạng xã hội quanh việc tiêm vaccine. Ảnh: facebook
Chia sẻ của một chủ quán cà phê có tiếng ở TPHCM về việc tiêm vắc xin (Ảnh chụp từ màn hình)

"Vậy nên, xin đừng lên tiếng chỉ trích một niềm vui chính đáng khi những người được tiêm chủng để tiếp tục công việc. Trong thâm tâm, tôi luôn ủng hộ việc họ chia sẻ niềm vui này, để lan tỏa thông điệp tốt đẹp của việc tiêm chủng", người này bày tỏ.

Khi thế giới chưa có thuốc trị COVID-19 thì vắc xin là "cứu cánh" duy nhất giúp phòng, chống dịch hiệu quả.

"Rồi thì chẳng bao lâu nữa, Việt Nam cũng sẽ tiếp cận được đủ số lượng vắc xin cho cả nước. Việc lựa chọn tiêm miễn phí hay tiêm dịch vụ là tùy điều kiện mỗi người. Nhưng kiểu gì, để chiến thắng COVID-19, chúng ta cần đồng lòng, sát cánh, ủng hộ nhau.

Nói như ông bà xưa “đã thương, thì thương cho trót”, chứ hơi đâu tị nạnh so bì, phải không?

Tử Anh Anh (quận 7, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI