Khi người thành phố gọi chính quyền...

27/03/2024 - 18:31

PNO - Sài Gòn trong tôi luôn là một cộng đồng của đoàn kết và hòa nhập, nơi mọi người được lắng nghe và ủng hộ. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên khi những cán bộ - cũng là những người con thành phố - ngày càng gắn kết hơn với “người nhà” của mình.

Biết tôi thường chia sẻ kinh nghiệm đời thường cho bạn bè, hôm vừa rồi, một người quen hỏi tôi cách làm hộ chiếu cho đứa con 13 tuổi. Họ đã lướt sơ trên mạng để tìm hiểu, nhưng đọc được nhiều thông tin cũ mới lẫn lộn nên nhắn hỏi tôi cho chắc.

Rất nhanh chóng, tôi bấm máy gọi trực tiếp lên tổng đài của phòng Quản lý Xuất nhập cảnh và nhận được ngay các câu trả lời chính xác. Người quen của tôi đã ngạc nhiên thốt lên: “Nay quen biết chính quyền nữa ta!”. Tôi bật cười, thấy trong lòng lấp lánh niềm vui xen lẫn tự hào. Và đây cũng không phải lần đầu tiên tôi có cảm xúc này.

Cách đây 2 năm, gần nhà tôi là một khu quy hoạch dân cư còn khá nhiều khoảnh đất trống. Thế là cứ chiều chiều, lại có một nhóm thanh niên tụ tập thả sáo diều, loại có âm lượng lớn và tạo tiếng vang ầm ĩ. Bà con ở xung quanh cũng nhức đầu khó chịu lắm nhưng chẳng biết làm sao. Vợ chồng tôi đã đôi lần chạy sang tận nơi góp ý, nhưng đâu vẫn hoàn đó. Bí quá, tôi gọi thử số điện thoại của công an phường để phản ánh. Ngay hôm sau, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy tiếng ồn im bặt, thậm chí lúc đó tôi còn nghĩ: Chắc chỉ là một sự trùng hợp mà thôi. Chỉ khi tệ nạn mang tên “tiếng ồn” biến mất hẳn trong những ngày sau đó, tôi mới thở phào hân hoan, còn không quên đi khoe khắp nơi về cái sự “lợi hại” này.

Chính quyền chăm lo cho người dân trong mùa dịch vừa qua
Chính quyền chăm lo cho người dân trong mùa dịch vừa qua (ảnh: Sơn Vinh)

Năm trước, khi đi làm căn cước công dân, anh công an khu vực đã đề nghị kết bạn Zalo để tiện hỗ trợ cũng như thông báo tiến độ tới mọi người. Đối với chúng ta, việc "thêm bạn online" là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng thêm... một anh công an làm bạn thì quả thực hơi lạ lẫm, e dè.

Kể từ đó, lâu lâu tôi lại thấy anh đăng các quy định cần lưu ý, cải cách hành chính mới hoặc cảnh báo các chiêu thức lừa đảo của kẻ gian trên phần “nhật ký” của mình, với lời lẽ nhẹ nhàng, cẩn trọng. Mỗi lần bắt gặp những tin tức đó, tôi luôn thấy lòng mình vui vui xen lẫn cảm giác an tâm. Hoá ra, tôi cũng có “bạn bè” là công an ở gần bên, chỉ cách nhau một cuộc gọi hay vài câu nhắn tin.

Hay mới hôm qua thôi, một người chị trong nhóm chạy bộ hớn hở cập nhật với tôi những tiến triển liên quan đến việc một dự án gần nhà chị tự ý lập rào chắn, không cho cư dân bên ngoài qua lại. Trước tết, người dân xung quanh đã bức xúc và cùng nhau đệ đơn lên quận để yêu cầu giải quyết. Rất nhanh chóng, ban phụ trách đã tiến hành thanh tra và gửi văn bản trả lời rõ ràng, đồng thời yêu cầu dự án kia trả lại hiện trạng. Chị bảo: "Nhờ vậy mà sáng nay con gái chị được thong thả hơn rất nhiều, do không phải mất thời gian đạp xe đi học bằng đường vòng như trước nữa".

Toàn chuyện nhỏ nhặt thôi, mà sao thấy cuộc sống quanh ta ngày càng dễ chịu.

Lớn lên và trưởng thành cùng Sài Gòn, mỗi khi được yêu cầu miêu tả về người dân thành phố của mình, trong đầu tôi luôn hiện lên từ “gần gũi” trước tiên. Khởi đầu, nó vốn là bản chất và nếp sống của người dân, chẳng biết từ khi nào đã trở thành một “thương hiệu”. Sài Gòn trong tôi luôn là một “ngôi nhà” lớn, một cộng đồng của đoàn kết và hòa nhập, nơi mọi người được lắng nghe và ủng hộ. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên khi những cán bộ - cũng là những người con thành phố - ngày càng gắn kết hơn với “người nhà” của mình, qua những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.

Như lần có việc lên phường, tôi được chứng kiến một bạn công chức còn trẻ măng, tận tình hướng dẫn một bác trai cách đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà. Bác ấy trạc tuổi ba tôi, cũng có vẻ lóng ngóng tương tự của một người lớn tuổi không rành công nghệ. Nhìn người công chức ấy nhẹ nhàng chỉ từng bước cho bác, tôi bỗng thấy đỏ mặt xấu hổ. Nhớ lại chỉ cách đây vài ngày, trong lúc vội đi hẹn với bạn, tôi đã hậm hực với ba khi ông nhờ tôi chỉnh sửa một chức năng trong điện thoại mà ông vô tình xoá mất. Phải có những trải nghiệm tương tự mới hiểu, người cán bộ đó đã kiên nhẫn và tận tuỵ đến mức nào.

Những hoạt động vui chơi cộng đồng như thế này luôn có sự âm thầm hỗ trợ của chính quyền...
Những hoạt động vui chơi cộng đồng như thế này luôn có sự âm thầm hỗ trợ của chính quyền... (ảnh: Quốc Thái)

Tôi cũng biết không chỉ mình tôi, mà ngày càng nhiều người thấy được lợi ích, hiệu quả, đặc biệt là ý nghĩa của những thay đổi này. Như khi tôi nghe cô hàng xóm kể về cuộc gọi tới công an phường cách đây vài ngày. Cô nói: "Lúc nghe cô trình báo về hiện tượng đốt cỏ gây tro bụi ô nhiễm ở khu vực gần nhà, anh cán bộ ngay lập tức giải thích nguyên nhân sự việc". Anh cán bộ cũng chia sẻ đã có khá nhiều người dân phản ánh đến anh và phường đang tích cực giải quyết sự vụ, kèm theo câu cám ơn cô hàng xóm của tôi.

Hay xa hơn, trong dịp COVID-19, khi tôi nghe bạn bè khoe rằng cha mẹ họ được cán bộ y tế đến tận nhà để hỗ trợ chích ngừa do tuổi cao sức yếu. Ai cũng đánh giá rất cao và cảm kích những hành động này.

Hoặc như chiều nay, lúc đang ngồi uống nước với bà Chín hàng xóm, tôi sực nhớ ra mấy điều cần hỏi cán bộ địa chính để phục vụ mục đích sửa nhà. Ngay lập tức, bà gọi điện thoại rồi mở loa ngoài cho tôi nghe. Máy vang lên giọng miền Tây: “Dạ con nghe cô Chín”, sau đó là tiếng dạ dạ thưa thưa trả lời các câu hỏi mà tôi quan tâm.

Tôi nói đùa: “Bà Chín quen biết lớn dữ hen!”, bà nhìn tôi cười: “Thằng Tèo con bà Sáu đầu hẻm đó con. Bà biết nó từ hồi nhỏ xíu, thằng nhỏ học giỏi, lễ phép lắm. Mà ai gọi nó cũng nhiệt tình vậy à!”.

Và cứ như thế, mỗi ngày tôi lại thêm yêu Sài Gòn của mình. Thành phố tưởng chừng đông đúc, đến mức ngỡ như “lạc nhau là mất”, nhưng dần dà ai cũng luôn được sống trong vòng tay ấm áp của cộng đồng, nơi ai cũng coi mình như người “bà con”.

Lê Dung

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI