Kết nối nghĩa tình nơi vùng biển đảo Tây Nam

05/10/2022 - 06:26

PNO - Với sự phát triển chung của kinh tế cả nước, sự quan tâm từ cấp trung ương và địa phương, diện mạo vùng biển Tây Nam đã thay đổi rất lớn...

Tám ngày, vượt gần 1.000 hải lý, ghé qua bảy điểm đảo và một nhà giàn, đoàn đại biểu TP.HCM đã có những trải nghiệm đáng nhớ cũng như cảm nhận rõ hơn sức sống ở các đảo tiền tiêu của vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. 

Đổi thay từng ngày trên các đảo

Lần đầu tiên đến với vùng biển đảo Tây Nam, đặt chân lên những hòn đảo xa xôi của Tổ quốc, anh Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - không khỏi tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên và những ưu đãi mà tự nhiên đã dành cho Việt Nam. 

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/10 - Ảnh: Ngô Bình
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/10 - Ảnh: Ngô Bình

Anh nêu cảm nhận khi đến từng đảo, tham quan nơi ăn chốn ở, cơ sở chiến đấu của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền: “Hầu hết các nơi chúng tôi đến thăm đều có cơ sở vật chất khá khang trang, tiện nghi thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày, cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ thấu đáo của các cấp, các ban, ngành”.

Là một trong những thành viên đầu tiên của tổ công tác Thành đoàn TP.HCM đến khảo sát và xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động tình nguyện trên đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) từ năm 2016, anh Lê Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM - vui mừng nhận thấy, diện mạo Thổ Chu thay đổi rất nhiều: “Những năm qua, các hạng mục cải thiện đời sống trên đảo đã được quan tâm đầu tư. Tôi nhớ khi rời đảo ở mùa chiến dịch cuối 2020, các dự án mới bắt đầu, nay về lại thì thấy có cầu cảng kiên cố, khang trang hơn, có vùng tránh bão cho bà con, có thêm các công trình hiện đại, tiện nghi hơn”.

Ông Võ Hoàng Hận - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã An Sơn, thuộc đảo Nam Du, H.Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang - cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, ước tính có 70.000 lượt khách đã đến với Nam Du, bao gồm cả khách quốc tế: “Từ năm 2017, khi xã đảo Nam Du được xác định là khu du lịch, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh tăng dần. Thời gian gần đây, xã đảo cũng được các cấp đầu tư nhiều công trình lớn như hồ chứa nước ngọt Bãi Cây Mến với dung tích khoảng 200.000m3, đường giao thông quanh đảo, hệ thống xử lý rác. Dự kiến trong năm 2023, cấp trung ương sẽ đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo”.

Cột mốc chủ quyền trên đảo Thổ Chu - dấu ấn của thanh niên tình nguyện TP.HCM - Ảnh: Thành Đoàn TPHCM
Cột mốc chủ quyền trên đảo Thổ Chu - dấu ấn của thanh niên tình nguyện TP.HCM - Ảnh: Thành Đoàn TPHCM

Theo chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân - với sự phát triển chung của kinh tế cả nước, sự quan tâm từ cấp trung ương và địa phương, diện mạo vùng biển Tây Nam đã thay đổi rất lớn trong những năm qua, đặc biệt là các đảo lớn như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc… Những nơi này đã được quan tâm đầu tư, xây dựng để phát triển du lịch hoặc trở thành trung tâm kinh tế biển đảo. Đó là sự nhìn nhận đúng đắn về vị trí, vai trò của vùng biển Tây Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế cũng như bảo vệ Tổ quốc.

Nghĩa tình của TPHCM với vùng biển Tây Nam

Anh Lê Hoàng Minh cho biết, trong 5 năm (2016-2020), đã có hơn 1.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện đến với Thổ Chu, góp phần thay đổi tích cực bộ mặt hòn đảo xa xôi này mà dấu ấn đầu tiên là cải tạo cảnh quan với không gian cột mốc chủ quyền: “Đây là đảo tiền tiêu, nơi xa nhất ở phía Nam Tổ quốc nên có một không gian đáng tự hào để người dân đến tham quan, chụp ảnh, giới thiệu rộng rãi đến mọi người. Khi còn là Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM - đã đến thăm và khánh thành phòng vi tính trên đảo, giúp thiếu nhi trên đảo làm quen và học với máy vi tính”.

Cơ sở hạ tầng ở đảo Nam Du càng ngày càng hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo vùng biển Tây Nam (trong ảnh: Khu vực cầu cảng ở đảo Nam Du)
Cơ sở hạ tầng ở đảo Nam Du càng ngày càng hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo vùng biển Tây Nam (trong ảnh: Khu vực cầu cảng ở đảo Nam Du)

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh - Trạm trưởng trạm ra đa 625, Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, đóng ở đảo Hòn Đốc - đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân dân TP.HCM đã tặng vườn tăng gia và bể chứa nước ngọt, giúp cải thiện đời sống anh em trên đảo: “Thời tiết trên đảo khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của khí hậu biển nên không phải loài cây nào cũng trồng được. Do đó, công trình vườn tăng gia khép kín với hệ thống tưới phun sương này rất hiệu quả, giúp chúng tôi trồng được nhiều rau, củ, quả, có lúc còn dư, đem bán để mua các loại thức ăn khác cho bộ đội”. 

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - qua chuyến công tác này, các đại biểu đã thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió. “Khi trở về, với tình cảm, trách nhiệm và trong khả năng, đoàn công tác sẽ cố gắng làm cầu nối, liên kết các đơn vị có tiềm lực để góp sức phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đặc biệt là hoạt động du lịch ở các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc” - ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.

Các đại biểu thăm vườn thuốc nam của chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc
Các đại biểu thăm vườn thuốc nam của chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc

Ông cho biết thêm, đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể của TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, nâng chất lượng chương trình “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ chủ động đổi mới nội dung, quan tâm những hoạt động có tính chiều sâu, tăng tính gắn kết với từng điểm đảo, nhà giàn. 

Phối hợp bảo vệ, hỗ trợ ngư dân bám biển

Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến cho biết, tình hình an ninh ở vùng biển Tây Nam cơ bản ổn định. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và các nước trong khu vực có những vùng biển chồng lấn, vùng nước lịch sử chưa được phân định rõ ràng. Mỗi nước có phương pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ chủ quyền khác nhau. Vẫn còn xảy ra tình trạng ngư dân đánh bắt ở vùng biển không thuộc chủ quyền nước ta, dẫn đến bị bắt, xử phạt, bị đánh đắm tàu thuyền. 

Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phối hợp các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, bộ chỉ huy quân sự địa phương hỗ trợ, giúp dân, bảo vệ dân trong việc đánh bắt và khai thác thủy hải sản; làm điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ nước ngọt cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa; tặng phao, tặng cờ Tổ quốc, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; làm tốt công tác tuyên truyền để ngư dân đánh bắt theo đúng quy định nước ta và quy định quốc tế, không xâm phạm ngư trường các nước khác, không dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt môi sinh, môi trường…

Trao tặng các đảo hơn 7,8 tỷ đồng

Trong chuyến công tác từ ngày 24/9 đến 1/10, đoàn đại biểu TPHCM đã đến bảy điểm đảo gồm Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Đốc, Phú Quốc và nhà giàn DK1/10. Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru), biển động mạnh, công tác chuyển hàng và di chuyển lên nhà giàn DK1/10 và đảo Hòn Chuối rất khó khăn, nguy hiểm. Đoàn đã trao tặng hơn 7,8 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa cho lực lượng làm nhiệm vụ và nhân dân trên các đảo, nhà giàn. Kinh phí trên được trích từ quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của TPHCM.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI