Kết một tràng hoa tiễn người về mây trắng...(*)

22/01/2022 - 09:23

PNO - Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho đời hơn 120 tác phẩm có giá trị, ông đồng thời là một nhà văn hóa, một sử gia, nhà hoạt động hòa bình.

"Hãy cười, thở và bước đi thật chậm" - câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở thành pháp thoại cho muôn người, để hiểu và nâng niu giá trị của sự sống, của hơi thở và bình yên mỗi ngày. Bởi vì "mỗi bước đi, mỗi hơi thở của chúng ta có thể được lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản". 

Trong suốt một cuộc đời hoằng pháp, sư ông Làng Mai không chỉ đưa pháp môn chánh niệm đến với hàng triệu người xuất gia mà còn mang Phật pháp đến gần hơn với hàng trăm triệu độc giả trên thế giới theo cách thật nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc như vậy. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào lúc 0:00 ngày 22/1, tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào lúc 0:00 ngày 22/1, tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế. Ảnh: Làng Mai

Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho đời hơn 120 tác phẩm mà cuốn sách nào của ông cũng mở cho con người cánh cửa bước vào chánh niệm để tìm thấy những giá trị đích thực của cuộc sống, nhận diện cõi tâm an và chọn về niềm an lạc tỉnh thức. "Để thưởng thức trọn vẹn những món quà mà cuộc sống ban tặng, chúng ta phải thực tập chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi dù đang đánh răng, chuẩn bị thức ăn hay lái xe đi làm (...). Cuộc sống đầy rẫy khổ đau. Nếu không đủ hạnh phúc, ta sẽ không chăm sóc được nỗi khổ đau và tuyệt vọng của mình" - Thiền sư viết trong tập sách Gieo trồng hạnh phúc. 

Trong tất cả những cuốn sách của Thiền sư, giá trị cốt lõi chính là hạnh phúc yêu thương. An lạc từng bước chân; Muốn an được an; Hạnh phúc đích thực; Giận; Không diệt không sinh không sợ hãi; Nẻo về của ý; An trú trong hiện tại... Đó đều là những tác phẩm dẫn lối người đọc tìm về với bến bờ an trú, hiểu rõ thân tâm, hạnh phúc trong thực tại.

Đạo và đời quán chiếu, để hiểu rõ nhân sinh trong kiếp người, để tỉnh thức và an lạc, chấp nhận cả mọi vạn biến của đời sống hữu hình, nhẹ nhàng và bình thản trước cả sự chết trong vô hình. Không phải là những bài thuyết pháp, đó là những triết lý nhân sinh, những thông điệp giản dị mà thấu suốt được Thiền sư chuyển tải hết sức nhẹ nhàng câu chữ. Đó như mạch nước ngầm mát lành chảy mãi, chữa lành tâm hồn, giúp mỗi người tự nhận diện, tự hoàn thiện và thấu hiểu mọi chiều kích sâu sắc nhất của cuộc đời. 

Những cuốn sách của Thiền sư đưa người đến bến bờ giác ngộ
Những cuốn sách của Thiền sư đưa người đến bến bờ giác ngộ

Nhiều câu nói/trang viết của ông đã trở thành châm ngôn phổ biến cho mọi người:

"Quá khứ đã qua đi, tương lai thì chưa đến. Nếu chúng ta không hướng bản thân về hiện tại, chúng ta sẽ không thể kết nối với cuộc sống".

"Bởi vì bạn đang sống nên mọi thứ đều có thể trở thành sự thật".

"Thấu hiểu nỗi đau của người khác là một món quà...".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ viết cho độc giả trưởng thành, ông còn viết cho tuổi đôi mươi và cho cả trẻ nhỏ. Con gà đẻ trứng vàng, Mỗi hơi thở một nụ cười và Trong cái KHÔNG có gì không? là bộ ba tựa sách Thiền sư viết cho tuổi thơ, với cách tiếp cận và lý giải những giải điều uyên sâu của Phật pháp bằng những ví dụ, những minh họa, câu chữ đơn giản, dễ hiểu nhất. Ông trả lời cho trẻ nhỏ những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, về gia đình, bạn bè...và cả về cái chết. Mọi điều lớn lao được chuyển tải qua lăng kính trẻ thơ trong suốt mà vẫn tường tận, thấu rõ, dễ tiếp nhận. 

Trong cuốn sách viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh Người thầy của tỉnh thức và thương yêu (Phương Nam Book, nhà xuất bản Hồng Đức, 2020), nhà báo Melvin McLeod gọi sư ông Làng Mai là người "dẫn lối mọi người đến với nghệ thuật sống chánh niệm". “Chữ nghĩa in trong sách báo không sao so sánh được, không diễn tả hết được con người thật của thầy” - Melvin  McLeod viết.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một bậc chân tu, ông đồng thời là một nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Mục sư Martin Luther King từng vinh danh Thiền sư là ''một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động" khi đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Nhà báo Anh Jo Confino gọi ông là “vị anh hùng ẩn danh” đằng sau công cuộc chống biến đổi khí hậu thế giới. 

to
Thiền sư ví mình là một đám mây, và ông đã về với đường xưa mây trắng...Ảnh: Làng Mai

"Không phải vĩnh cữu là điều làm chúng ta đau khổ. Điều làm chúng ta khổ là mong muốn mọi thứ phải kéo dài vĩnh viễn, trong khi chúng không phải như vậy" - Thiền sư đã từng viết như thế, khi giúp người nhận diện về giá trị của thời gian. Bây giờ, Người đã về với "đường xưa mây trắng", đến một thế giới vĩnh cửu vô tận trong nỗi thương tiếc của muôn người. 

Vĩnh biệt Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người thầy của tỉnh thức và thương yêu...

Lục Diệp

(*) Kết một tràng hoaĐường xưa mây trắng là tựa hai tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

 
TIN MỚI