Kết hợp đông, tây y điều trị COVID-19 ra sao?

29/11/2021 - 07:35

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên Chi hội Đông, Tây y kết hợp, cho biết, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn vì y học cổ truyền mang tính cá thể, mỗi cơ địa khác nhau có thể có cách điều trị khác nhau tuy có cùng biểu hiện bệnh…

F0 tại nhà tự dùng thuốc đông, tây y 

Giữa tháng 11, chị N.T.N.L. (35 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) dương tính với SARS-CoV-2. Hai ngày sau đó, chồng và con trai chị cũng trở thành F0. Chị được y tế phường thăm khám, cấp gói thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin.

Bên cạnh đó, chị L. cũng áp dụng các phương pháp đông y để nâng sức đề kháng cho cả nhà. Chị cho biết: “Trước khi gia đình tôi mắc COVID-19, cả nhà của chị dâu tôi gồm hai bác họ, anh họ, chị dâu và hai cháu nhỏ là F0 nên tôi nghĩ dù đông y hay tây y, nếu áp dụng đúng, vừa đủ cũng sẽ có tác dụng. May mắn, chưa đến 10 ngày tôi và con trai đã hết bệnh, chồng tôi đến ngày thứ 16 cũng âm tính”.

huốc đông y dạng viên nén, người bệnh COVID-19 uống để tiêu đàm, giảm ho, tăng sức đề kháng - ẢNH: PHẠM AN
Thuốc đông y dạng viên nén, người bệnh COVID-19 uống để tiêu đàm, giảm ho, tăng sức đề kháng - Ảnh: Phạm An

Theo lời kể của chị L., cách hai ngày, chị cho cả nhà xông nước sả và gừng một lần, kèm theo đó chị nấu nước gừng, thêm chút chanh, cam thảo uống khi ấm. Hôm nào không xông, chị dùng nước sả lau nhà.

“Tôi và chồng uống thêm một ít rượu tỏi để đỡ ho. Khi hết sả tươi, tôi sử dụng viên xông nhờ mua ngoài hiệu thuốc. Nếu con và chồng nóng sốt, tôi vẫn sử dụng gói thuốc A được bác sĩ tư vấn trước đó, và vẫn đo huyết áp, đo nồng độ oxy và báo cáo tình hình sức khỏe với y tế địa phương mỗi ngày”, chị L. kể.

Tương tự chị L., cô P.T.N.G. (48 tuổi, ở quận 10, TPHCM) cũng trữ sẵn một số lá xông, loại lá khô mua ở một hiệu thuốc đông y tại quận 5, TPHCM. Ngoài ra, cô G. còn được giới thiệu các loại thuốc trị ho, sốt, dị ứng, kèm theo viên ngậm mật ong.

Cô nói: “Người ta khuyên không nên sử dụng nhưng tôi không mua bậy bạ. Tôi vào hiệu thuốc có uy tín, mua thuốc có thương hiệu, nơi sản xuất rõ ràng trên bao bì. Lương y nơi bán cũng nói đó là thuốc tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị COVID-19”.

Khi phát hiện mắc COVID-19, y tế địa phương thăm khám, cô G. cũng nhờ tư vấn việc sử dụng kết hợp gói thuốc mà phường cấp và được bác sĩ hướng dẫn cụ thể nên cô yên tâm.

Về vấn đề này, bác sĩ của Viện Y Dược học dân tộc TPHCM cho biết khi được phân công phụ trách Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1, viện đã phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn tạm thời sử dụng y học cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế.

Trong đó, bác sĩ sử dụng thuốc bổ để nâng thể trạng và sức đề kháng cho người bệnh, song song với việc cho bệnh nhân dùng các phương thuốc có khả năng ức chế hoạt động của virus. Bác sĩ vẫn cho bệnh nhân uống thuốc điều trị triệu chứng như sốt, ho, đau họng… Ở từng bệnh nhân sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.

Cụ thể, áp dụng điều trị theo phác đồ y học hiện đại với bệnh nhân đang phải thở oxy, máy thở, kèm theo thuốc kháng viêm, thuốc kháng đông. Còn nhóm bệnh nhân không phải thở oxy, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể điều trị kết hợp y học cổ truyền. Viện còn khuyến khích người bệnh vận động, tập thể dục, tập thở…

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, sau hơn hai tháng, Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1 đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 1.900 bệnh nhân chưa có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Trong đó, 1.458 F0 khỏi bệnh, 63 bệnh nhân chuyển tuyến cấp cứu, điều trị.

Bác sĩ Ngọc Lan cho biết: “Viện khảo sát trên 1.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó 700 bệnh nhân dùng thuốc y học cổ truyền. Kết quả, bệnh nhân có sử dụng thuốc y học cổ truyền đa số khỏi bệnh sau 5 - 7 ngày, thời gian xuất viện cũng sớm hơn so với nhóm bệnh nhân không sử dụng”. 

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo trước khi sử dụng các phương thuốc đông y vào hỗ trợ điều trị, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ, tự ý sử dụng rất nguy hiểm.

Có thể kết hợp đông, tây y trong điều trị COVID-19

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên Chi hội Đông, Tây y kết hợp, một trong bốn quyển sách kinh điển của đông y là Thương hàn luận của thầy thuốc Trương Trọng Cảnh (150 - 219) đã mô tả loại dịch bệnh có biểu hiện bốn giai đoạn rất gần với diễn biến bệnh do SARS-CoV-2 như: ủ bệnh, khởi phát nhẹ với triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau họng, ho, tức nặng ngực… Giai đoạn nặng hơn người bệnh mất vị giác, mất khứu giác, khó thở, suy hô hấp… và giai đoạn cuối cùng là hồi phục, nhiều biến chứng hoặc tử vong.

hảo dược phơi khô được F0 sử dụng với nước ấm như uống trà và xông mũi - Ảnh: Phạm An
Thảo dược phơi khô được F0 sử dụng với nước ấm như uống trà và xông mũi - Ảnh: Phạm An

“Qua đó, có thể thấy mô tả triệu chứng về hai bệnh dịch này khá tương đồng. Chỉ khác điều kiện khoa học hiện nay giúp chúng ta biết rõ hơn về độc lực của virus, về cơ chế bệnh sinh và vắc xin phòng bệnh, riêng điều trị đặc hiệu vẫn còn đang nghiên cứu”, bác sĩ Nguyễn Thị Bay nói.

Bên cạnh đó, các phương pháp y học cổ truyền từ không dùng thuốc như dưỡng sinh, châm cứu đến các bài thuốc được nghiên cứu khá nhiều từ đại dịch SARS năm 2002 đến nay theo những bài thuốc được chỉ định điều trị ôn bệnh từ nhẹ đến nặng như: ngân kiều tán, hoàng cầm thang, hoắc hương chính khí tán, thanh ôn bại độc, tăng dịch thang… được không ít công trình nghiên cứu trên thế giới. Kết quả cho thấy nhóm có kết hợp y học cổ truyền làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm sốt, cải thiện các triệu chứng khác, giảm tổn thương trên X-quang phổi, giảm tỷ lệ nhiễm nấm thứ phát tốt hơn so với nhóm chỉ dùng y học hiện đại.

Năm 2020, hơn 85% người mắc COVID-19 tại Trung Quốc được điều trị kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Bộ Y tế Trung Quốc cũng đã ban hành đến phiên bản thứ sáu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Và kể từ phiên bản thứ tư, thuốc y học cổ truyền đã được khuyến cáo trong điều trị ở các giai đoạn khác nhau. Tính đến tháng 2/2020, có 23 tỉnh đã đưa ra khuyến cáo sử dụng bài thuốc y học cổ truyền trong phòng ngừa COVID-19.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết: “Bộ Y tế nước ta hiện đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị. Đây là điều rất đáng mừng nhưng thực sự còn nhiều khó khăn vì y học cổ truyền mang tính cá thể, mỗi cơ địa, cùng một biểu hiện bệnh có thể có cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, với tác dụng hỗ trợ hoạt động miễn dịch giúp tăng sức đề kháng đã được chứng minh, các vị thuốc, bài thuốc y học cổ truyền là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2. Một điều đáng mừng là những dược liệu trong các bài thuốc cổ phương nói trên đa phần có ở nước ta”.

Theo đó, xuyên tâm liên được hướng dẫn sử dụng trong các phác đồ ở giai đoạn khởi phát và toàn phát, đồng thời một số bài thuốc cổ phương cũng được phép sử dụng. Trong các nghiên cứu tại các nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, hoạt chất của xuyên tâm liên rất tiềm năng trong tác dụng kháng khuẩn cũng như kháng virus, đặc biệt là một số chủng virus như Influenza A, EBV, HIV, Ebola. Gần đây, một số công trình nghiên cứu ở châu Âu đã khẳng định andrographolid của xuyên tâm liên có tác dụng ức chế hoạt động của SARS-CoV-2.  

“Từ kinh nghiệm ngàn năm sử dụng các bài thuốc của các thầy thuốc y học cổ truyền, điều trị ôn bệnh, đến việc nghiên cứu từng bài thuốc và vị thuốc trên bệnh truyền nhiễm nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng ghi nhận những hiệu quả cụ thể trên lâm sàng, giúp chúng ta có thể an tâm hơn trong việc kết hợp đông, tây y vào hỗ trợ điều trị COVID-19”, bác sĩ Nguyễn Thị Bay chia sẻ. 

Trước tình trạng ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trong thời gian qua và các loại dược phẩm đông y được tặng cho F0 hỗ trợ điều trị, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc sử dụng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền trong phòng, chống COVID-19 đã được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tại Công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17/3/2020.

Việc điều trị COVID-19 bằng đông y, tây y hay kết hợp đông, tây y đều phải tuân thủ theo phác đồ của Bộ Y tế. Vì vậy, đối với những bài thuốc gia truyền có tính chất phổ biến, nhiều người sử dụng, Sở Y tế TPHCM sẽ theo dõi và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế nhằm đánh giá về hiệu quả điều trị, nếu kết quả tốt sẽ đưa vào điều trị. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI