Kẻo tro bay mất cay khóe mắt…

14/04/2024 - 07:57

PNO - “Nếu nước mắt mà dập tàn đám cháy thì nhân gian này đâu còn nỗi đau ai. Nhưng nếu nước mắt mà ráo khô đi cả thì còn ai thương ai nữa giữa đêm dài…” - đạo diễn Việt Linh viết mấy dòng rất ngắn cho lời nói đầu tập tạp văn Kẻo tro bay mất (Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành).

Đó cũng là lời trích từ một đoản văn chị được đọc từ thuở hoa niên. Và có lẽ, những lời tận cảm về “nước mắt” ấy cũng đã đi cùng người đọc qua những trang viết của Việt Linh, với cuốn sách này.

Những bài viết như tâm tình, lúc sẻ chia suy niệm khi lại đơn thuần là tường thuật, kể chuyện mình chuyện người, chuyện xưa nay… nhưng lại thấy cả một “cuộc nhân gian” với bao cảnh đời phận người, có khóc cười, có hạnh phúc và bi thương, cả những điều giản dị ấm áp.

Mỗi bài viết có lúc như một lát cắt cảm xúc, khi lại như một thước phim với đầy đủ bối cảnh và thân phận. Dù theo cách nào, tác giả vẫn có thể truyền dẫn câu chuyện vào trái tim người đọc một cách nhẹ nhàng, chân thực.

Một ông già từng rất giận mẹ vì đã may cho ông chiếc áo bà ba trắng chỉ có 1 túi, để suốt thời niên thiếu, ông bị bạn bè trêu chọc. Vì mẹ nghèo nên mua vải thiếu, để rồi khi bà đột ngột mất đi, chiếc áo đó lại “trở thành kỷ niệm da diết của đời ông”. Một người thời sinh viên bị bạn vu khống tội ăn cắp vàng, khiến lý lịch xấu phải đi miền núi khai hoang, trốn tránh sự khinh khi của xóm giềng. Mấy chục năm sau nhận lại lời xin lỗi muộn màng, ông chỉ trả lời bạn rằng: “Nói ra sự thật là ông đã hết nợ. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình”. Một cô gái miền Tây lấy chồng Hàn Quốc vì muốn cha mẹ thoát nghèo nhưng chỉ sau 24 ngày làm dâu xứ người, em được đưa về quê nhà trong hình hài tro bụi… Những câu chuyện trong Kẻo tro bay mất cứ khiến người đọc cay khóe mắt.

Những trang chữ để lại tiếng vọng, ẩn sau bề mặt của ngôn ngữ luôn là điều sâu sắc nhất mà đạo diễn Việt Linh gửi vào từng bài viết. Tập tạp văn Kẻo tro bay mất gồm 3 phần: Viết ngắn, Năm phút với ga xépNgồi giữa trần gian, với gần 400 trang sách. Nhiều bài chị đã in báo, in sách trước đó nay tập hợp lại trong cùng 1 cuốn sách, nói theo nhận định của giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương là “liên kết lại sẽ thấy một bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật và thời cuộc”.

Trong bức tranh đó có những gam màu là cuộc đời của tác giả nhưng phần nhiều là những màu sắc khác của nhân sinh. Có ký ức thương nhớ cho người ta mỉm cười khẽ khàng nhưng cũng có những “chuyện đã qua” mà nhắc lại vẫn hoài xốn xang.

Kẻo tro bay mất cho người đọc một hành trình lặng lẽ đi cùng tác giả qua những trang chữ, với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cảm nhận: “Trong cuốn sách này, vẫn cái giọng điềm tĩnh, thư thả, có cảm giác như chị rù rì tự nói cho mình nghe trước khi viết cho bạn đọc. Tôi đặc biệt mê cách quan sát và chiêm nghiệm của chị. Bất kể chuyện gì, dù lặt vặt nhỏ bé đến đâu, qua quan sát của chị đều mang tới một đúc kết, một triết lý vừa giản dị vừa sâu sắc…”

Trong câu chuyện nghề, đạo diễn Việt Linh nhắc đến những kỷ niệm quý với “ông già đi bộ” Sơn Nam, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Vũ, diễn viên người Nga Valikov Fédor Mikhailovich, biên đạo - nghệ sĩ múa đương đại Ea Sola Thủy… Chị cũng kể chuyện về năm tháng làm phim của mình, từ ký ức gắn bó với cha mình - biên kịch Việt Tân và “chú Tư” - cố Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Hồng Sến ở chiến khu bưng biền; đến bộ phim đầu tay Nơi bình yên chim hót (sản xuất năm 1986)…

Một cuộc đời trong nhiều cuộc đời với Kẻo tro bay mất, những trang viết dài rộng như năm tháng tác giả đã sống. Có những chuyện rất gần gũi thường hằng nhưng cũng rất nhiều chuyện như phù sa ký ức, mãi mãi không quên…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI