Kế hoạch về khối thương mại châu Á có thể thiếu vắng Ấn Độ

03/11/2019 - 19:12

PNO - Giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Đông Nam Á cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận về một khối thương mại lớn nhất thế giới tại cuộc họp của ASEAN vào Chủ nhật. Dù vậy, kế hoạch vấp phải nỗi yêu cầu mới từ Ấn Độ.

Việc hoàn thiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực châu Á (RCEP), được Trung Quốc hậu thuẫn, trở nên không chắc chắn sau động thái từ Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Bangkok, Thái Lan.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không đề cập đến thỏa thuận RCEP khi phát biểu khai mạc tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, thay vào đó, ông chỉ nói về việc xem xét thỏa thuận thương mại hiện có giữa ASEAN và Ấn Độ.

16 quốc gia trong RCEP sẽ chiếm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới. Nhưng Ấn Độ đang lo lắng “cơn lũ” hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nguồn tin cấp cao ở New Delhi cho biết những yêu cầu mới đã được đưa ra vào tuần trước, và chúng rất khó để đáp ứng.

Ke hoach ve khoi thuong mai chau A co the thieu vang An Do
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, Thái Lan.

Các nước Đông Nam Á hy vọng vào một thỏa thuận tạm thời có thể được công bố vào thứ Hai. Một số quốc gia tỏ ý tán thành kịch bản không có Ấn Độ, thành lập một khối bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Nhưng Bộ trưởng thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nói với Reuters rằng Ấn Độ chưa chính thức rút lui và tất cả đều đang trong các cuộc đàm phán RCEP.

Một lợi thế cho các nước Đông Nam Á khi có Ấn Độ trong hiệp định thương mại là khối sẽ ít bị Trung Quốc chi phối. Việc Mỹ gửi một phái đoàn cấp thấp hơn tới hội nghị thượng đỉnh năm nay làm dấy lên mối lo ngại rằng quốc gia này không măn mà việc đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok, Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường – tiết lộ thông tin về một bộ quy tắc ứng xử được chờ đợi từ lâu ở Biển Đông, dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với ASEAN, theo sự đồng thuận đã đạt được, để duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông”.

Một bộ luật ràng buộc về mặt pháp lý từ lâu đã là mục tiêu cho các thành viên ASEAN nhằm ứng phó với những hành động không tôn trọng quyền chủ quyền, cản trở hoạt động đánh bắt thủy sản, thăm dò và khai thác năng lượng do Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông .

Linh La (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI