K’Linh: "Không sáng tạo, tôi chỉ là thợ bấm máy quay"

20/07/2013 - 08:21

PNO - PNCN - Chưa đến 40 tuổi, nhưng anh đã có gần 20 năm trong nghề. Bắt đầu bằng chân chạy việc không lương trong trường quay, đến nay K’Linh được biết đến là một trong những giám đốc hình ảnh (DOP) hiếm hoi.

Tên tuổi của anh chính thức được khẳng định từ hai giải Cánh diều năm 2008 và 2012 dành cho quay phim xuất sắc trong hai bộ phim Huyền thoại bất tử và Thiên mệnh anh hùng. Vậy nhưng K’linh vẫn bảo mình là “thằng chột làm vua xứ mù. Thế hệ tôi xem như bỏ đi rồi, làm gì thì cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn trong cái ao làng thôi. Điện ảnh Việt Nam giờ kỳ vọng nhiều ở thế hệ sau, những người trẻ say mê và có điều kiện làm nghề hơn hẳn trước”.

K’Linh:  

Tôi phấn đấu không phải vì tiền

* Anh đang kỳ vọng vào lớp trẻ, nhưng anh cũng thấy lớp trẻ bây giờ không có nhiều người say mê như anh mong muốn. Điều gì tạo ra sự khác biệt này ở hai thế hệ?

- Theo tôi, áp lực kinh tế bây giờ đã làm hư lớp trẻ. Thời tôi, khi ra trường phải chấp nhận đi làm công không lương. Quay phim là một nghề, nên muốn trở thành một người giỏi thì phải có kinh nghiệm, mà trường học chỉ dạy lý thuyết. Chỉ khi trực tiếp làm nghề thì mới rút ra được những thiếu sót, điều chỉnh và tích lũy dần thành kinh nghiệm. Lúc ra trường, tôi mất bốn năm đi phụ quay, làm thiết kế, dựng ánh sáng... nhưng nghĩ lại thấy đó là điều may mắn. Bởi tất cả những công việc này rất cần cho người quay phim đứng vững trên đôi chân mình. Các bạn trẻ bây giờ, khi ra trường đã nhắm vào tiền. Họ bỏ qua công đoạn tích lũy những kiến thức hỗ trợ. Vì thế, chỉ cần bấm như một cái máy, mà điều này ai cũng có thể làm sau một giờ được hướng dẫn. Nhưng anh sẽ không khẳng định được mình do thiếu sáng tạo trong những khung hình được quay. Không thể bắt các bạn trẻ theo đúng đường của mình nhưng theo tôi, họ cũng nên dành ra ít nhất một năm để học thêm từ thực tế những công việc liên quan... 

* Sáng tạo gần như là tiêu chí để khẳng định thương hiệu của từng người. Nhưng sáng tạo là phạm trù vô biên, anh có thể nói rõ hơn sáng tạo trong quay phim, cụ thể là gì thưa anh?

- Điều quan trọng của một bộ phim không chỉ là góc quay đẹp mà còn là truyền được cảm xúc kịch bản qua hình ảnh xuất hiện trên phim. Sáng tạo trong quay phim chính là ánh sáng. Đúng hơn là cách tạo ánh sáng cho cảnh quay được thể hiện một cách hiệu quả nhất. Không sáng tạo, tôi chỉ là thợ bấm máy quay. Ánh sáng là thứ cốt lõi để hình ảnh đến người xem, nó tạo ra cảm xúc và áp đặt cảm xúc cho khán giả. Cũng một cái nhà, nhưng cách làm độ sáng khác nhau sẽ tạo những cảm xúc khác nhau. Ánh sáng chính là tiếng nói riêng của người quay phim, nó không dính đến quyền lực của đạo diễn. Nói cách khác, chữ ký của người quay phim trong phim là cách sử dụng ánh sáng.

K’Linh:

“Ánh sáng chính là tiếng nói riêng của người quay phim, nó không dính đến quyền lực của đạo diễn” - K’Linh 

* Còn nhớ, nhiều bộ phim truyền hình anh đứng máy quay chính, như Gấu cổ trắng, Tài tử nghiệp dư, Mầm sống, Dốc tình, Lục Vân Tiên… nhưng rồi anh lại chuyển hẳn sang phim chiếu rạp, mặc dù phim truyền hình luôn là mảnh đất màu mỡ để có thu nhập cao. Hiện nay, nhiều người quay phim truyền hình có thể quay 100 tập phim/năm, trong khi cùng thời gian đó anh quay cao lắm chỉ hai tập phim chiếu rạp. Điều gì khiến anh có bước ngoặt này?

- Ngay từ nhỏ tôi quan niệm làm nghề là vì đam mê chứ không vì mục đích nào khác. Đúng là quay phim truyền hình thì dễ kiếm tiền. Tốc độ làm phim bây giờ rất chóng mặt, cứ một ngày rưỡi xong một tập phim 45 phút. Tính bình quân ba triệu đồng/tập phim, thì hình dung được thu nhập mỗi tháng của người quay phim. Tuy nhiên, khi quay phim truyền hình, người quay cứ bấm máy theo yêu cầu của đạo diễn. Tôi không thích mình lệ thuộc như vậy. Thực tế cho thấy, quay phim chiếu rạp khác đến 95% quy trình quay phim truyền hình. Người quay phim chiếu rạp phải tư duy tạo hình để lấy cảm xúc khán giả, họ chuyển những ý tưởng của đạo diễn lên hình ảnh như thế nào là đạt hiệu quả tốt nhất. Nghĩa là anh cũng phải đọc kỹ kịch bản, hiểu rõ tâm lý từng nhân vật để có thể đặt góc quay, dựng ánh sáng không những cho đúng ý đồ đạo diễn mà còn truyền được cảm xúc cho người xem. 

* Khi đã thành danh, anh vẫn tiếp tục tham gia khóa học ngắn hạn về quay phim ở Mỹ. Anh đã học được gì từ khóa học này? 

- Năm 2009, tôi có học bổng ngắn hạn mấy tháng. Tôi tưởng mình đã tới ngưỡng, nên sẽ khó thay đổi. Nhưng thực tế đã không như tôi nghĩ. Khóa học đã dạy cho tôi biết cách làm việc sáng tạo, khoa học để tiết kiệm thời gian mà lại tăng hiệu quả. Đó là cách làm việc nhóm và cách nhìn vấn đề đa chiều thực tế và khách quan hơn. Tôi cũng học được cách nhìn sự việc khi đọc kịch bản và nảy ra ý tưởng nhiều chiều. Khóa học mở cho tôi nhiều thứ và tôi đã mở ra được cách đi mới cho mình.

K’Linh:  

Chung thủy vẫn là quan niệm hôn nhân thời hiện đại

* Trước đây nghe thấy anh ấp ủ dự định thành lập hội gồm những người yêu thích quay phim. Dự án đó cho tới giờ vẫn chưa ra đời. Nhiều người đoán rằng do chuyện gia đình anh cơm không lành không ngọt nên anh không còn hứng thú thành lập hội nhóm như mình mong muốn?

- Không hề có yếu tố nào thuộc về gia đình ảnh hưởng đến chuyện này. Năm 2002, khi sang Pháp, tôi biết một sự thật đau lòng tại khu chợ người Việt. Trước năm 1999, toàn bộ chủ các hàng quán ở khu chợ là người Việt, nhưng ba năm sau tức năm 2002, 70% các chủ quán là người Trung Quốc, còn Việt Nam mình trở thành người đi làm thuê cho họ. Hóa ra, cú lật kèo ngoạn mục này là do tính cộng đồng của người Hoa rất cao. Khi về Việt Nam, tôi muốn mở một hội quay phim để hỗ trợ nhau làm nghề, đồng thời tạo một quỹ chung, để cuối năm ai có khả năng đi học nước ngoài thì hội giúp đỡ.... Khi ấy đã có một văn phòng, một luật sư... nhưng mọi người đều không hồ hởi, vì không ai muốn bỏ ra một chút lợi nhuận của mình. Lý do cũng dễ hiểu, nhiều người đã đặt quyền lợi của mình lên trên người khác. Suy nghĩ này là hậu quả của cách giáo dục sai lầm nhưng rất phổ biến: ngay từ nhỏ, trẻ con không được dạy cách quan tâm đến người khác mà chỉ muốn người khác quan tâm đến con mình. Con vô trường thì chỉ muốn làm sao cho con là tốt nhất chứ không dạy cách con giúp bạn tốt nhất. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy trong cuộc sống. 

* Nhiều người biết nội ngoại, bố mẹ của anh đều là dân tộc Kinh, gốc Hà thành. Nhưng cái tên K’Linh, rồi K’Mi, K’Ling của các con anh lại nghe rất... “dân tộc”. Vì sao có chuyện lạ này?

- Mẹ tôi là họa sĩ. Thời chiến tranh mẹ hay theo những đơn vị bộ đội để vẽ tranh chiến trường. Trong một lần trợt chân và phải nằm dưỡng thai ở Buôn Ma Thuột, bà biết được ở đây có một cái thác rất đẹp tên Dak K’Linh, bà muốn đến để chiêm ngưỡng, sáng tác nhưng không có điều kiện tới. Bố tôi là Nguyễn Kim Đức, lẽ ra khi sinh tôi ra tên tôi sẽ là Nguyễn Kim.... gì đó. Nhưng Kim lại là tên bà nội nên không thể. Bà nhớ đến thác K’Linh và tên tôi ra đời. Đến lượt tôi, để các cháu nhớ kỷ niệm của bà nội, tôi tiếp tục đặt tên các con của mình là K’Mi và K’Ling.

K’Linh:

Quay phim chiếu rạp khác đến 95 % quy trình quay phim truyền hình. Và K'Linh đã có sự lưa chọn con đường riêng cho mình... 

* Bây giờ xã hội thay đổi. Quan niệm về hôn nhân cũng không khắt khe như trước nên tình trạng ly hôn thường trong chu trình “năm sau cao hơn năm trước”. Nhiều người cho rằng hiện tượng này phản ánh quan niệm phổ biến, tiến bộ trong xã hội hiện đại. Anh nghĩ như thế nào?

- Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng trong hôn nhân chính là cảm giác hạnh phúc của mọi người. Nếu thấy sống chung mà không hạnh phúc thì chia tay để giải thoát cho nhau chứ sống chung chi cho khổ ải. Bố mẹ tôi cũng chia tay và tôi thấy cả hai đều thoải mái với cuộc sống riêng của mình. Tôi theo mẹ vào Sài Gòn, nhưng mỗi lần ra Hà Nội tôi vẫn ghé thăm bố bình thường. Tôi ly hôn một lần, nhưng con gái tôi vẫn xem K’Mi và K’Ling là em của nó. Đó có phải do ảnh hưởng từ quan niệm hôn nhân hiện đại không tôi không rõ. Nhưng nói xã hội hiện đại không coi trọng sự chung thủy là lầm to. Vừa rồi tôi đi Mỹ, tôi tưởng giới trẻ sẽ rất thoáng nhưng thực tế ngược lại. Lớp trẻ ở Mỹ bây giờ cực kỳ quy củ, tỷ lệ bồ bịch rất thấp. Họ xem yếu tố chung thủy trong hôn nhân là vấn đề lớn, rất quan trọng chứ không như mình nghĩ. 

* Nói một cách chân tình về đời sống hôn nhân của mình để giúp mọi người tham khảo và điều chỉnh hôn nhân của họ, anh sẽ nói gì?

- Chuyện vợ chồng không ai giống ai nên cũng không thể dạy cho ai điều gì gọi là tốt nhất. Nhưng nếu cần nói chân tình từ cuộc hôn nhân của mình thì, thứ nhất, trong hôn nhân không có khái niệm giỏi. Bởi anh có giỏi cũng không giải quyết được vấn đề. Thứ hai, đừng bao giờ ỷ y rằng mình đã quá hiểu nhau trong thời gian quen biết mà không chăm sóc cho cuộc sống chung. Mọi sự bỏ buông đều dẫn đến kết cục khô cằn.

* Xin cám ơn anh.

Nguyễn Thiện (thực hiện)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa