Jean-Luc Godard, tượng đài của điện ảnh Pháp và thế giới, qua đời ở tuổi 91

13/09/2022 - 22:54

PNO - Tờ Libération của Pháp đưa tin, xác nhận Jean-Luc Godard, nhân vật hàng đầu của điện ảnh Làn sóng mới ở Pháp, đã qua đời ở tuổi 91.

Đạo diễn người Pháp gốc Thụy Sĩ Jean-Luc Godard (sinh ngày 3/12/1930 tại Quận 7, Paris - mất 13/9/2022 tại Rolle, Thụy Sĩ) được biết đến nhiều nhất với phong cách quay phim mang tính biểu tượng, ngẫu hứng bất tận ngay từ phim đầu tay cho đến những bộ phim cuối đời làm nghề.

Đạo diễn Jean-Luc Godard (1930- 2022)
Đạo diễn Jean-Luc Godard (1930 - 2022)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tweet: "Chúng tôi đã đánh mất một báu vật quốc gia, con mắt của một thiên tài".

Hôm 13/9, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Jack Lang, nói với đài France Info rằng Jean-Luc Godard là “độc nhất vô nhị”. “Không chỉ là nhà điện ảnh, anh ấy còn là nhà triết học, nhà thơ”.

Là nhà làm phim với nhiều tác phẩm cấp tiến và có khuynh hướng chính trị hóa, Jean-Luc Godard là một trong những đạo diễn được ca ngợi nhiều nhất trong thế hệ của ông, với những bộ phim kinh điển như Breathless (À bout de souffle), bộ phim điện ảnh đầu tay đã chính thức đưa ông lên đỉnh cao thế giới điện ảnh vào năm 1960.

Bộ phim có kịch bản gốc được viết bởi François Truffaut, người bạn cùng thế hệ và đồng thời là nhân vật chủ chốt của phong trào điện ảnh Làn sóng mới (Nouvelle Vague) ở Pháp, cùng với Jean-Luc Godard. Breathless cũng đã góp phần đưa tên tuổi diễn viên trẻ Jean-Paul Belmondo lên đài danh vọng chẳng những ở Pháp mà còn cả quốc tế, trở thành gương mặt đại diện của phong trào Làn sóng mới kể từ những năm 1960, từ đó trở thành “bảo vật quốc gia” của nước Pháp.

Poster phim Breathless, ra mắt năm 1960, bộ phim đã đưa Jean-Luc Godard lên đài danh vọng của điện ảnh toàn cầu
Poster phim Breathless, ra mắt năm 1960, bộ phim đã đưa Jean-Luc Godard lên đài danh vọng của điện ảnh toàn cầu

Sinh ra ở Paris vào năm 1930, Godard lớn lên và đi học ở Nyon, bên bờ hồ Geneva ở Thụy Sĩ. Ông trở lại Paris vào năm 1949 và nhanh chóng tìm thấy môi trường nghề nghiệp tương lai của mình trong các “câu lạc bộ điện ảnh” của giới trí thức, vốn dĩ phát triển cực thịnh ở “kinh đô ánh sáng” của nước Pháp sau Thế chiến thứ 2.

Jean-Luc Godard đã gặp gỡ những thành phần cấp tiến trong xã hội Pháp thời ấy như nhà phê bình André Bazin, các đạo diễn tương lai François Truffaut, Claude Chabrol và Jacques Rivette. Từ năm 1952, Jean-Luc Godard chính thức đặt chân vào chuyên ngành phê bình điện ảnh, bắt đầu viết cho các tạp chí điện ảnh mới. Ngay từ các bài phê bình phim đầu tay, Jean-Luc Godard đã gây ấn tượng mạnh với giới làm nghề.

Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, Jean-Luc Godard đã làm đạo diễn gần 131 bộ phim, từ phim truyện điện ảnh cho đến phim tài liệu và một số phim ngắn. Ông được xem là kẻ luận chiến không khoan nhượng với những lề thói quy tắc cũ trong điện ảnh, luôn tạo ra cái mới, đôi khi gây tranh cãi dữ dội chẳng những với người xem đại chúng mà còn với đồng nghiệp làm nghề và giới phê bình quốc tế.

Những năm cuối đời, Jean-Luc Godard vẫn tiếp tục giữ nhịp làm phim cho niềm đam mê sáng tạo của mình. Ông làm bộ phim ngắn cuối cùng vào năm 2018, khi đã 88 tuổi. Những phim truyện điện ảnh mà Jean-Luc Godard làm lúc cuối đời cũng luôn được LHP Cannes đón nhận và vinh danh, như Film socialism (năm 2010), Goodbye to Language (năm 2014 - đề cử giải Cành cọ vàng) - thể nghiệm kiểu chơi đùa với cảnh quay camera-phone, và thậm chí cả với phụ đề khi sử dụng tới 11 ngôn ngữ cho một câu chuyện phim.

Jean-Luc Godard có đóng góp lớn cho ngôn ngữ điện ảnh là bởi ông luôn có ý niệm về cách nó được tạo ra và cách người xem cảm nhận nó, dưới dạng đồng hiện.  

Đạo diễn Jean-Luc Godard
Đạo diễn Jean-Luc Godard

Nổi tiếng với những bài bình luận chính trị gay gắt, cuốn hút từ rất nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn và họp báo cũng như với lời thoại cho các bộ phim, Jean-Luc Godard được xem là nhà phê bình thẳng tay về mọi thứ: từ Tổng thống Charles de Gaulle đến chiến tranh Việt Nam, từ Hollywood đến chủ nghĩa tư bản, cho đến các nhà làm phim cùng thời.

Vào lúc đang ở đỉnh cao trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam, nữ diễn viên người Mỹ Jane Fonda đã góp mặt trong 2 bộ phim của ông là All's Well (Tout va bien) và phim tài liệu Letter to Jane, ra mắt trong cùng năm 1972.

Jean-Luc Godard cũng là một người viết châm biếm vui nhộn và hài hước. Ông lấp đầy các bộ phim phá cách của mình bằng rất nhiều trò chơi chữ, sự dí dỏm cùng những trò lố bịch đơn giản. Khả năng hài hước của Jean-Luc Godard thường vượt qua tính cách biểu hiện thường thấy ở chốn công cộng, nơi ông luôn ẩn mình sau cặp kính mắt nhuộm màu và những đám khói thuốc lá hoặc xì gà.

Cảnh quay phim Breathless (năm 1960) của đạo diễn Jean-Luc Godard, một trong những đỉnh cao của Điện ảnh Làn sóng Mới tại Pháp
Cảnh quay phim Breathless (năm 1960) của đạo diễn Jean-Luc Godard, một trong những đỉnh cao của điện ảnh Làn sóng mới tại Pháp

Trong số rất nhiều câu thoại từng được trích dẫn của Jean-Luc Godard, có lẽ nổi tiếng nhất là phần bình luận của ông về phim truyện điện ảnh thứ hai của mình: Le Petit Soldat (thực hiện năm 1960, nhưng đến năm 1963 mới có thể ra mắt chính thức), rằng “Nhiếp ảnh là sự thật. Và rạp chiếu phim là sự thật hai mươi bốn lần mỗi giây”.

Những năm cuối đời, Jean-Luc Godard sống ẩn dật và từ chối trả lời phỏng vấn, khước từ việc nhận giải thưởng hay đi tham dự các lễ hội lớn của nghề như LHP Cannes. Khi được trao giải Oscar danh dự vào năm 2010, Jean-Luc Godard khi đó 79 tuổi, đã từ chối trực tiếp đến Los Angeles (Mỹ) để nhận giải.

Jean-Luc Godard, với tư cách là một nhà văn hóa, đặc biệt là từ những năm 1970 trở đi, đã có ảnh hưởng rộng lớn đến các bộ phim và các nhà làm phim trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ. Những làn - sóng - mới xuất hiện trên khắp hành tinh, từ Brazil đến Tiệp Khắc, đến Nhật Bản, cũng như với các thế hệ đạo diễn người Mỹ đang trỗi dậy sau ông, bao gồm Martin Scorsese, Brian De Palma, Quentin Tarantino.

Phước Châu 

     

    news_is_not_ads=
    TIN MỚI