IMAX sẽ cứu vớt Hollywood?

27/07/2017 - 12:56

PNO - Doanh thu ngoài mong đợi của 'Dunkirk' có phần đóng góp rất lớn của công nghệ IMAX, bởi giá vé xem định dạng này đắt hơn vé phim 2D (nhưng đáng tiền).

Siêu phẩm mới nhất của đạo diễn Christopher Nolan - Dunkirk - ra mắt vào ngày 21/7 qua đang dẫn đầu doanh thu phòng vé tại hàng loạt quốc gia như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Úc. 

Tại Mỹ, phim kết thúc ba ngày cuối tuần với 50,5 triệu USD tiền vé, dù trước đó chỉ được dự đoán mức 35-40 triệu USD. Tính đến nay, Dunkirk đã thu hơn 107 triệu USD trên toàn cầu và con số này sẽ còn tăng lên vào tuần tới, khi trình chiếu ở thị trường Ý (31/8), Trung Quốc (1/9) và Nhật Bản (9/9).

IMAX se cuu vot Hollywood?

Máy quay IMAX “khủng” trong Dunkirk cho ra những thước phim sắc nét đến khó tin

Doanh thu ngoài mong đợi của Dunkirk có phần đóng góp rất lớn của công nghệ IMAX, bởi giá vé xem định dạng này đắt hơn vé phim 2D (nhưng đáng tiền). Những cảnh quay trong Dunkirk được thực hiện bằng máy quay IMAX, mang đến cho người xem những trải nghiệm đáng kinh ngạc về mặt thị giác - phim lấp đầy màn hình chân thật, sắc nét và sống động đến từng chi tiết.

Trước Dunkirk, Christopher Nolan từng dùng máy quay IMAX trong một số cảnh của Interstellar và hai phim về Batman là The Dark Knight, The Dark Knight rises (những thước phim IMAX trong The Dark Knight chỉ dài 18 phút, còn The Dark Knight risesInterstellar dài khoảng một giờ).

Các đạo diễn nổi tiếng khác như Quentin Tarantino cũng từng dùng máy IMAX trong vài cảnh phim The Hateful Eight, J. J. Abrams với Star Trek, Brad Bird với Mission Impossible 4. Đặc biệt Michael Bay quay hoàn toàn Transformers 5 bằng máy quay IMAX 3D.

IMAX se cuu vot Hollywood?
Cảnh phim Dunkirk

Với Dunkirk, Christopher Nolan quay máy IMAX ở 75%-80% cảnh phim nhằm đưa tác phẩm lên đỉnh cao mới, ít nhất là về mặt công nghệ. Thật ra, IMAX (viết tắt của Image Maximum - một giải pháp công nghệ từ quay phim, âm thanh, trình chiếu cho chất lượng tổng thể vượt trội) đã phát triển từ năm 1976, nhưng chủ yếu chỉ là những thước phim mang tính tài liệu, giáo dục để chiếu trong các viện bảo tàng chứ chưa được phổ biến trong các phim truyện điện ảnh của Hollywood.

Kích cỡ máy rất “khủng”, có khi nặng cả trăm ký, rất bất tiện và tốn kém. Những bộ phim 2D quay bằng công nghệ này tiêu tốn từ 3-8 triệu USD, còn với bản 3D giá phải gấp đôi. Do đó rất ít đạo diễn nào dám đụng tới IMAX. Bù lại, phim dùng công nghệ này luôn mãn nhãn, bởi hình ảnh có độ phân giải 18K - gấp ba lần phim quay bằng máy quay thường.

Năm nay, có bốn phim Hollywood quay bằng máy IMAX ra rạp - tăng một phim so với năm ngoái và tăng ba so với năm 2015. Sau Dunkirk, Avengers: infinity wars phần 1 và 2 sẽ quay hoàn toàn bằng máy IMAX. Star Wars: the last Jedi cũng có vài cảnh quay bằng máy IMAX. Loạt phim truyền hình Inhumans của Marvel cũng dùng máy quay IMAX kỹ thuật số trong hai tập phim đầu.

IMAX se cuu vot Hollywood?
Công nghệ IMAX giúp Dunkirk có những cảnh quay chân thực như thật

Trong thời buổi các bom tấn Hollywood có dấu hiệu sụt giảm sức hút, khán giả ngày càng khó tính, những bộ phim thực hiện bằng công IMAX tỏ ra là cứu tinh của phòng vé. Các suất chiếu IMAX hiện chiếm 10% doanh thu mở màn của các phim bom tấn. Những phim có tích hợp công nghệ IMAX cũng trụ rạp lâu hơn. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI