Huyền thoại người thợ giày

02/02/2022 - 06:53

PNO - Trên lầu ba ngôi nhà nhỏ tại đường Lý Chính Thắng, nhìn những tấm da, mẫu giày được lưu giữ hơn nửa thế kỷ cùng dáng người nghệ nhân già bước lên từng bậc thang xoắn ốc, tôi như lạc vào dư ảnh trăm năm…

Trốn thoát trong đêm 

Nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc, sinh năm 1931, tại Bạc Liêu. Nhưng ký ức tuổi thơ ông là những năm tháng chạy loạn từ Sóc Trăng đến Cần Thơ, An Giang rồi Kiên Giang…

Ông đã chạy thoát những trận bố ráp của địch bằng đôi chân trần, chạy qua những xác người để tìm sự sống, vậy mà không nơi nào được yên ổn. Cuối cùng mấy anh em chạy dạt qua Kompong Trach và lập nghiệp ở Nam Vang (địa danh cũ của Phnom Penh), Campuchia. Đó là vào những năm 1946, khi Pháp tái chiếm Nam bộ. Ở Sài Gòn còn lại ngôi nhà của cha mẹ ông trên đường Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu, quận 1, TPHCM).

 Nghệ nhân Trịnh Ngọc bên chiếc máy may có tuổi đời hơn nửa thế kỷ
Nghệ nhân Trịnh Ngọc bên chiếc máy may có tuổi đời hơn nửa thế kỷ

Ly hương khi mới 15 tuổi, rồi lập nghiệp trên đất khách suốt 20 năm, nghệ nhân Trịnh Ngọc luôn đau đáu nhớ về quê nhà, cha mẹ ở Sài Gòn mà không thể về. 20 năm buồn vui cay đắng nơi xứ người trong tâm trạng của người dân mất nước, nhưng cũng là quãng thời gian để ông tìm thấy cơ duyên gắn bó cả đời: nghề đóng giày thủ công. 

Khi mới sang đất bạn, ngày ngày cậu bé Ngọc đi bán bánh cam, bánh tai yến kiếm tiền. Gần nơi ở có xưởng làm vali và xưởng đóng giày, người anh Trịnh Đức của ông theo học nghề đóng vali, còn Trịnh Ngọc sau khi đến nhìn ngắm cả hai nơi thì nghĩ: Nếu mình được lựa chọn, có lẽ sẽ chọn nghề đóng giày. Theo tư duy của cậu bé lúc ấy: Vali thì to nhưng rất dễ đóng, còn chiếc giày trông nhỏ như vậy nhưng cần kỹ thuật cao, đóng giày là cả một nghệ thuật.

Ngày ngày vẫn đi bán bánh nhưng hễ rảnh là cậu bé Trịnh Ngọc lại đến xưởng giày học lóm. Một năm sau, cậu đóng được đôi giày đầu tiên, nhưng không phải cho mình. Những đôi giày cậu bé đóng lúc học nghề đều để tặng cho người thân. Ròng rã suốt sáu năm vừa học lóm vừa mày mò, cuối cùng chàng trai trẻ tự tin mở tiệm giày Đức Phát trong sự ngỡ ngàng của 
nhiều người.  

Tiệm giày nằm đối diện với cửa hàng Pháp Jean Compte-Peugeot, chủ tiệm giỏi ngoại ngữ, giao tiếp được bằng cả tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hoa nên sớm được khách nước ngoài chú ý. Ban đầu, khách Tây đến sửa giày là chính, có người còn nói “trình độ” của chủ tiệm chưa thể đóng được giày Tây. Tự ái làm nên quyết tâm. Đêm đêm ngồi tháo sửa giày cho khách, Trịnh Ngọc tìm hiểu xem kỹ thuật đóng giày Tây và mẫu mã thế nào. 

Những đôi giày được đóng trong mùa giãn cách
Những đôi giày được đóng trong mùa giãn cách

Rồi chủ tiệm tiến đến tự thiết kế mẫu và đóng giày, cho đến khi được khách khen đẹp, tay nghề đạt đến 80-90% so với kỹ thuật đóng giày Tây. Vậy là tiệm giày ngày càng phát đạt, nhiều khách người nước ngoài, chính khách, các trí thức như giáo sư, bác sĩ, kỹ sư… tìm đến. Tiệm giày của chàng trai người Việt nhanh chóng nổi tiếng khắp Nam Vang. 

Thập niên 1950 là thời vàng son của người nghệ nhân. Ông từng được mời đóng giày cho quốc vương Norodom Sihanouk và hoàng thân Campuchia. “Lúc đó tôi nghĩ, mấy anh em trong nhà khổ nhiều rồi, giờ chắc là lúc thượng đế đền cho mình”, cụ Trịnh Ngọc nhớ lại.

Năm 1967, ông sang Pháp theo học chương trình đào tạo chính thức tại Trường L'École A.B.C De Dessin tại Paris. Ông nói, muốn đóng được một đôi giày đẹp, người thợ lành nghề ngoài kỹ thuật còn phải giỏi về nhân chủng học, giải phẫu bàn chân, phân biệt được nhóm chân của các dân tộc trên thế giới…

Nhưng ở đỉnh cao của nghề, tên tuổi nổi tiếng khắp vùng, được quốc vương trọng vọng, biến loạn đã lật ngược cuộc đời người đóng giày tài năng. Năm 1970, Lon Nol đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk, tàn sát người Việt ở Campuchia. Một đêm, ông cùng 28 người bị vây bắt trong một ngôi nhà, nhưng chỉ mình ông may mắn sống sót. Đôi mắt của một người già 90 tuổi có thể đã mờ, đôi tai đã không còn nghe rõ nhưng ký ức về cái đêm kinh hoàng ấy mãi mãi không thể quên. Ông trốn thoát và được đưa về Việt Nam trên chuyến tàu hồi hương. Đó là năm 1970. 

Về đất Sài Gòn 

Tay trắng. Ông về lại ngôi nhà của cha mẹ trên đường Phát Diệm, không còn dụng cụ đóng giày, cũng không ai biết người thợ giày trở về từ Nam Vang. Một thời gian không làm gì được, cuối cùng ông quyết định thử vận bằng cách chủ động làm giày và đem đi chào hàng ở thương xá Tax, thương xá Crystal Palace. 

Ngày ngày, cụ vẫn cần mẫn vẽ mẫu, cắt may, gò giày...
Ngày ngày, cụ vẫn cần mẫn vẽ mẫu, cắt may, gò giày...

Chất lượng những đôi giày của ông được tiểu thương đánh giá cao, thậm chí bán được giá gấp mấy lần giá tiền ông ký gửi. Tiếng lành đồn xa, khách mua và yêu chuộng. Từ một vài người đến nhà đặt, thấy chất lượng giày tốt, họ cứ thế truyền tai nhau cho đến khi ngoài hẻm nhà người thợ đóng giày có dãy ô tô của khách đặt giày nối nhau đợi. Những ông “vua hippie” thuở ấy, rồi các nghệ sĩ danh tiếng… đều là khách quen của tiệm giày Trịnh Ngọc. 

Nghệ nhân Trịnh Ngọc rời Sài Gòn lưu lạc lúc còn thơ ấu, đến ngày trở về đã là một người thợ lành nghề. Thời điểm ấy, phong trào hippie nổi lên ở đô thành, nhiều cậu ấm cô chiêu tìm đến ông, mang theo những mẫu mã giày thời thượng, sành điệu. Nhờ thời gian sang Pháp du học và tiếp cận nhiều nguồn tài liệu nước ngoài, ông nắm được xu hướng thời trang thế giới. Các catalogue mang về cũng là mẫu giày của Pháp nên dù mẫu mã mới đến mấy, ông cũng thiết kế được kiểu giày vừa ý khách. 

Tuy vậy, cũng có những “yêu cầu” đặc biệt mà đến giờ, nghệ nhân Trịnh Ngọc không thể quên. Đó là trường hợp của một người khách khuyết tật đến nhờ ông đóng giày cho đôi chân không lành lặn của anh. Với những đôi giày bình thường, ông chỉ mất vài ngày, nhưng đóng giày cho đôi chân đặc biệt có khi phải mất cả tháng. Người nghệ nhân đã cần mẫn phục vụ nhiều vị khách đặc biệt như vậy. Không phải vì tiền nong, ông đã làm giày bằng cả tình thương và sự chia sẻ với những số phận kém may mắn. Năm xưa, ông chạy loạn bằng đôi chân trần nên về sau ông bảo chân ông “thuộc loại chân to và xấu”, những đôi giày ông đóng cho mình chỉ là các kiểu giản đơn nhanh gọn. Còn với khách, mỗi nét vẽ, một đường cắt hay may đều cần sự chú tâm, tận tụy. Niềm vui của ông là sự hài lòng của khách, hạnh phúc của ông là giúp những người khuyết tật có được đôi giày vừa vặn, phù hợp. Nghệ nhân Trịnh Ngọc đối đãi với Sài Gòn như cách mà đất lành đã dang vòng tay cưu mang đứa con xa trở về. 

Form giày của quốc vương Norodom Sihanouk vẫn được người đóng giày gìn giữ
Form giày của quốc vương Norodom Sihanouk vẫn được người đóng giày gìn giữ

“Khi đất bạn không còn sống được, nhiều người rủ tôi sang Pháp hay sang Mỹ. Với điều kiện lúc đó, tôi đi cũng được. Nhưng bao nhiêu năm ly hương rồi, giờ đã về đến quê hương thì có sống chết cũng ở nơi này, không đi đâu nữa”, nghệ nhân Trịnh Ngọc tâm sự. Ông đã gắn bó với Sài Gòn từ những ngày tay trắng cho đến khi tiệm giày Chaussures Ngọc (50 Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM) trở thành điểm đến quen thuộc của khách hàng trong và ngoài nước. Bây giờ, nơi ấy không chỉ là một tiệm đóng giày thủ công mà còn như là nơi lưu giữ cả trăm năm, trong ký ức đời người…

Một đời một nghiệp 

Tôi đến thăm cụ Trịnh Ngọc vào một ngày cuối năm 2021. Ông cho biết, kể từ ngày thành phố giãn cách, tiệm giày cũng đóng cửa. Thi thoảng có những người quen tìm đến đặt giày. Vợ nghệ nhân Trịnh Ngọc là cụ bà La Cẩm Vân, từng là giáo viên Pháp văn, nay sức khỏe cũng đã kém. Chị Nguyễn Thị Thủy - cháu của cụ Ngọc - tâm tình rằng, vì ông bà tuổi đã cao nên gia đình cẩn trọng khi đón khách lạ.

Con hẻm sát nhà ông bà có thời gian bị phong tỏa vì các ca dương tính. Nhưng suốt thời gian giãn cách, bên trong căn nhà ba tầng cũ kỹ với những gian phòng được thắp sáng thêm bằng những chiếc bóng đèn neon, người nghệ nhân đóng giày vẫn ngày ngày phác thảo, vẽ mẫu, cắt rập, may, gò giày...

Ngày tôi đến, những đôi giày mới đóng được xếp ngay ngắn trên kệ, thi thoảng có khách đến lấy giày, đặt hàng mới. Tôi leo lên những bậc thang xoắn ốc ba tầng, phải ngồi… thở dốc một lúc, trong khi cụ Trịnh Ngọc năm lần bảy lượt lên xuống và ông nói gần như ngày nào cũng leo cầu thang như thế. Có lẽ nhờ vậy mà ở tuổi 90, ông vẫn minh mẫn gõ búa đóng giày. Chiếc máy may hiệu Seiko Nhật Bản đã bên ông hơn nửa thế kỷ. Cạnh khoảng sân nhỏ trên lầu ba, tiếng máy may đều đặn theo từng nhịp chân của người nghệ nhân, quyện cùng với thanh âm của đường phố, của gió và cả cánh chim về tổ…

Nghệ nhân đóng giày 90 tuổi,  tác phẩm của Việt Văn chụp nghệ nhân Trịnh Ngọc,  đoạt huy chương bạc cuộc thi ảnh quốc tế PX3 (Paris, Pháp)
Nghệ nhân đóng giày 90 tuổi, tác phẩm của Việt Văn chụp nghệ nhân Trịnh Ngọc, đoạt huy chương bạc cuộc thi ảnh quốc tế PX3 (Paris, Pháp)

Khách của cụ Ngọc cũng lạ lắm, không chỉ đặt một đôi mà có khi đặt “sỉ” đến 5-10 đôi. Khách đến lần đầu thường trở lại, rồi thành bạn thân thiết của người đóng giày. Ai cũng đến với ông bằng sự kính trọng và nể phục. Nhìn cách ông chăm chút cho từng tấm da, từng mẫu giày, đường may, họa tiết… mới thấy, ông đã dành vào mỗi đôi giày  tình yêu, sự trân trọng với công việc đã theo đuổi và gắn bó đến cả một đời. 

Khi chụp cho nghệ nhân Trịnh Ngọc những bức ảnh chiều cuối năm, tôi cố chụp thật nhiều để được nhìn thấy lâu hơn qua ống kính một khuôn mặt in dấu trăm năm. Nghệ nhân Trịnh Ngọc nói, định mệnh đã lựa chọn để ông được sống sót trong cái đêm đau thương cũ, để ông được gắn bó với nghề. Từng có công ty nước ngoài mời ông làm việc với mức lương hậu hĩnh, nhưng ông từ chối, vì làm thuê thì không thể theo ý mình, mà chạy theo lợi nhuận thì còn nói gì đến nghệ thuật. Ông cứ thế cần mẫn chăm chút những đôi giày thủ công, làm bằng tất cả sự tận tụy và dụng công, nâng niu chúng như tác phẩm nghệ thuật của đời mình. 

Năm xưa, giới nghệ sĩ thường xuyên đến tiệm giày của ông thì bây giờ cũng vậy. Trong phòng làm việc của nghệ nhân, có một chiếc kệ dành riêng để lưu giữ những form giày ông đã từng đóng cho các ca sĩ: Quang Linh, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng... Có nghệ sĩ đã đặt ông đóng hàng chục đôi nên người nghệ nhân thậm chí hiểu cả “gu” của khách. Còn form giày của quốc vương Norodom Sihanouk, cho đến giờ ông vẫn còn giữ cẩn trọng trong gian phòng làm việc của mình - như một kỷ niệm quý giá. 

Và tôi, có lẽ cũng không bao giờ quên buổi trò chuyện đặc biệt trong thời dịch bệnh, khi phải đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn, giữ khoảng cách 2m với nhân vật của mình. Nghệ nhân Trịnh Ngọc phải đeo máy trợ thính. Vậy mà hai ông cháu đã ngồi với nhau suốt hơn hai giờ đồng hồ. 

Từ những ngày ông còn là cậu thiếu niên chạy loạn bằng đôi chân trần, đội mâm bánh cam đi bán cho đến khi tôi được gặp, đã là gần trăm năm sau. Sài Gòn đã trải qua biết bao biến động, hai cuộc chiến tranh, một thời bao cấp, và giờ là dịch bệnh… ông đã trải qua, chứng kiến, thấm thía tất cả. Lời sau cùng cho cuộc trò chuyện giữa hai ông cháu, là câu nói “ông thương thành phố những ngày đóng cửa. Sài Gòn chưa lúc nào im lặng và buồn đến vậy”. 

Chia tay người nghệ nhân già, trên đường về tôi cứ nghĩ mãi về cuộc đời ông, hệt như một huyền thoại - huyền thoại người đóng giày thủ công, có lẽ cuối cùng của Sài Gòn… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI