Cụ ông miền Tây từ ngư lão thành nghệ nhân

11/08/2019 - 14:16

PNO - Tháng 11 tới đây, nghệ nhân - lão ngư Nguyễn Văn Léo sẽ tròn 30 năm gắn bó với nghiệp đóng tàu thuyền- những chiếc tàu cá bé xíu nhưng từng chi tiết nhỏ nhất cũng không khác gì so với tàu thật.

Lão ngư Nguyễn Văn Léo (sinh năm 1950) từ nhỏ đến lớn lênh đênh trên những chiếc tàu cá bám biển. Trong ông, ký ức về biển cả đã “thấm vào trong máu chứ không phải thấm ở ngoài đâu, thấm trong máu lận”. Cách ông Léo nhắc đi nhắc lại những tháng ngày gắn bó với biển để rồi cái mặn mòi của biển cả, hình ảnh tàu thuyền lênh đênh sóng nước in vào mọi giác quan nghe sao dung dị, mà cũng buồn cười. Cái điệu cười hề hà, sang sảng của ông Léo cùng gương mặt đầy những nếp nhăn xô lệch vào nhau nom hiền lành, chất phác.

Ông Léo cùng với "gia tài" của mình, là những chiếc thuyền được ông đóng thủ công, mô phỏng lại kiểu dáng một số thuyền bè Việt Nam, xuất hiện tại chương trình Mãi mãi thanh xuân.

Người xem bất ngờ vì ông Léo không phải thợ mộc, bỏ nghề biển sang làm mô hình tàu thuyền với không một chút kiến thức nhưng lại cho ra những sản phẩm tinh xảo như thật. Ông Léo chỉ cười và nói lý do để ông tìm tòi, nghiên cứu đóng tàu thuyền một phần vì đam mê, phần còn lại để lớp trẻ sau này biết được từng có những kiểu dáng tàu thuyền như thế tồn tại ở Việt Nam.

Cu ong mien Tay tu ngu lao thanh nghe nhan
Ông Léo chụp hình với sản phẩm do chính tay ông thực hiện

Chẳng ai bắt ông Léo phải làm điều đó nhưng như thể nặng nợ với kiếp sống lênh đênh, ông không làm không được. Ông buồn nhiều và không khoẻ nếu không được đóng tàu. Cái căn bệnh không thuốc thang nhưng coi vậy mà nguy, cứ hễ vắng một, hai ngày không làm thì buồn tay, buồn chân rồi xuống sức.

“Tôi khác với người ta là họ làm để bán còn tôi làm để lưu giữ”, ông Léo tâm sự. Suốt 30 năm làm tàu thuyền, ông Léo chưa từng bán một sản phẩm nào dù có người trả vài trăm ngàn đến chục triệu. Cái công ông làm không thể tính bằng tiền và tiền không phải là mục đích sau cùng để ông gắn với cái nghiệp dày công, hao thời giờ này. Tất cả tàu thuyền là để dành làm kỷ niệm cho chính ông và thế hệ tương lai.

Cu ong mien Tay tu ngu lao thanh nghe nhan
Ông Léo xuất hiện tại chương trình Mãi mãi thanh xuân, giao lưu với MC Sam và nghệ sĩ Kim Tử Long.

Ông Léo ấn tượng nhất với những con tàu đi biển ở vùng biển Nam bộ, cũng là nơi ông sinh ra và lớn lên. Đò khách tốc hành của Cà Mau, mô hình chiếc phà Bến Tre, con tàu lưới bao đèn của Tiền Giang... đều được ông quan sát và tỉ mẩn tái hiện ở phiên bản thu nhỏ. Ngoài ra, lão ngư phủ đôn hậu còn sáng chế các mô hình tàu chiến, máy bay theo đúng hình ảnh, tư liệu lịch sử mà ông thu thập được.

Hết lòng với đam mê và quả ngọt cũng đến với ông. Năm 2010, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nghệ nhân sở hữu Bộ sưu tập mô hình tàu thuyền khai thác thuỷ sản và đường sông nhiều nhất. Nhiều lễ hội liên quan cũng tìm ông để xin được trưng bày bộ sưu tập. Các bảo tàng cần một vài mẫu tàu thuyền cho triển lãm cũng tìm tới ông. Những điều này vui hơn gấp nhiều lần việc người ta hỏi ông mua sản phẩm nào đó rồi kỳ kèo đôi ba giá cả.

Clip ông Léo chia sẻ về câu chuyện của bản thân và tâm sự của vợ ông:

Ban đầu, ông Léo không được vợ mình ủng hộ như hiện tại. Bà The rầy dữ lắm cái đam mê kỳ cục của chồng. “Tui rầy dữ lắm, không có cho, không có cho làm, không ủng hộ”, bà The nhắc lại liên tục. Cái “bực bội gần chết” mà bà The nói về đam mê của ông Léo khiến người ta vừa thương vừa phải phì cười. Bà The có sao nói vậy, bà rầy ông không lo làm kinh tế mà lại đam mê tàu thuyền- cái nghiệp không sinh ra tiền.

Cho tới khi báo đài đến đưa tin, một số người hỏi mua và nhiều đơn vị đến mượn mô hình, bà The mới... bớt bực bội. Rồi chuyển dần sang ủng hộ, bồi bổ để chồng chuyên tâm làm mô hình. “Để ông làm rồi đi đây đi đó cho vui”, bà The nói rồi cười hỉ hả, cái cười của người phụ nữ gánh vác cùng chồng phần nào đó trong cuộc sống suốt mấy mươi năm qua, có vẻ gì kham khổ nhưng ánh lên niềm vui, sự tự hào.

Ông Léo tâm huyết với những chiếc tàu bao nhiêu thì bà The bên cạnh, đỡ đần cho ông công việc gia đình bấy nhiêu. Ở cái tuổi tinh thần quyết định phần lớn đến sức khoẻ, ông Léo muốn làm được nhiều hơn các sản phẩm để trước là mình vui, sau là làm giàu tư liệu cho thế hệ trẻ. “Ước nguyện của tôi là làm cái này chắc có lẽ đến khi sức yếu, không còn làm được nữa thì mình mới ngưng. Đây là liều thuốc tinh thần”, ông Léo tâm sự.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI