Huyện Nhà bè kích hoạt nội lực, tạo đường kết nối

11/05/2020 - 07:17

PNO - Năm 2030, huyện Nhà Bè sẽ chính thức lên quận. Đây là “đề bài” được Bí thư Thành ủy TPHCM nêu ra tại đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra ngày 6 và 7/5. Đã có sẵn tiềm năng và lòng dân ủng hộ, nhưng “đề bài” cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Dần xa... "mùa nước nổi"

Trưa 7/5, quá bộ ở tuyến hẻm 2581 Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, giữa đường, dưới chân tôi, nước ở đâu bỗng tràn ứ. “Chuyện như cơm bữa ở đây, mùa mưa mới kinh khiếp” - người dân nói. 

Nắng tháng Năm gay gắt, triều cường vẫn làm khổ người dân thuộc hẻm 2581 đường Huỳnh Tấn Phát
Nắng tháng Năm gay gắt, triều cường vẫn làm khổ người dân thuộc hẻm 2581 đường Huỳnh Tấn Phát

Giữa cái nắng tháng Năm như đổ lửa, nhiều nơi gào khóc trước hạn hán, khô cằn thì ở đây, triều cường vẫn len theo kẽ hở tràn lên. “Phải hết năm này, chúng tôi mới được yên” - một người dân nói. Con đường đất quá nhỏ, mỗi tháng, gần chục đợt triều dâng làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Năm ngoái, chính quyền địa phương quyết định sẽ nâng cấp, mở rộng toàn tuyến hẻm, vận động người dân hiến đất, mở rộng đường. Chủ trương đưa ra tưởng gặp khó khăn, không ngờ ai nấy đều hoan hỉ. Gần 200 hộ dân dọc tuyến hẻm đồng loạt cam kết sẽ vạt bớt mặt tiền, nhường đất làm đường. Để đẩy nhanh tiến độ, dân chịu luôn chi phí tự tháo dỡ, sửa chữa nhà. Dự án khởi công, đến nay hoàn thành hơn 1/3 khối lượng công việc. Dự kiến đến cuối năm, tuyến hẻm bê tông rộng 4,5m, dài gần 300m sẽ hoàn thành. 

“Nhắm mắt cũng hình dung cái xóm này sẽ thay đổi ra sao. Sẽ hết triều cường, hết nghèo. Nghĩ coi, hồi đó giờ, cách nhau vài bước chân nhưng đầu hẻm, đường Huỳnh Tấn Phát khang trang, rộng rãi, xe cộ, giao thương ầm ầm, còn trong này như một thế giới khác” - ông Trần Tuấn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, hồ hởi.

Từ hàng chục năm qua, huyện Nhà Bè cách biệt với các quận trung tâm không vì khoảng cách địa lý mà vì sự cách biệt giữa đô thị phát triển với vùng ngoại thành. Để “đánh thức” vùng đất này, Đảng bộ huyện Nhà Bè cho ra mắt chương trình “Tập trung đầu tư kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật”. Sau nhiều năm thực hiện, giờ đây, không khó để nhìn thấy nơi này đang từng bước hội nhập, kéo giảm sự cách biệt.

Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch được mở rộng, khang trang với nhiều làn đường rộng rãi. Nối theo đó, các tuyến hẻm lớn nhỏ cũng từng bước được nâng cấp, đầu tư. Không riêng giao thông, nhiều dự án giáo dục, y tế, văn hóa được đưa vào sử dụng. Hàng chục dự án trọng điểm, cấp bách của cấp trung ương, thành phố và của huyện vẫn đang được thực hiện, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Long Kiểng, các công trình phục vụ tuyến metro 4…

Có hàng loạt dự án quan trọng nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân ở huyện này lại ít gặp trở ngại bởi được người dân đồng lòng ủng hộ. Chỉ trong 5 năm qua, 30 dự án đã hoàn thiện công tác bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 526,8ha và kinh phí chi trả hơn 5.154 tỷ đồng. Ngồi vắt vẻo trên mớ thanh sắt sẽ được dùng để xây cầu Long Kiểng trước nhà, ông Chung hào hứng: “Lúc chính quyền về bàn chuyện xây cầu, nhà tôi ủng hộ ngay”. Không ủng hộ sao được. Chiếc cầu sắt cũ kỹ bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiểng đã có lần bị sập. Mỗi lần qua cầu, người dân đều phập phù và mong mỏi một chiếc cầu vững chãi.

Có gần 100m2 đất nằm trong diện quy hoạch, những năm 2000, nhà ông Chung nhận bồi thường hơn 300 triệu đồng. Còn hơn 40m2 đất, ông Chung dành một khoản đập bỏ căn nhà cũ, xây thành ngôi nhà hai tầng kiên cố. Khoản còn lại, ông về tỉnh Long An mua 3.000m2 đất để làm vườn, góp thêm một khoản thu cho gia đình hằng năm.

Vẽ một vòng tay phía con đường Lê Văn Lương rộng rãi, ông Chung nói, năm xưa, nơi này là một vùng chuyên trồng dừa, lúa nước. Đường sá là chỉ là một tuyến hẻm đầy sình đất. Sau này, đường được mở rộng, bê tông hóa, nối liền các con đường lớn nhỏ, giá đất tự nhiên tăng. “Giá đất tăng nhờ Nhà nước làm đường nên nếu đã nghĩ đi thì cũng cần biết nghĩ lại, đúng không?” - ông Chung hỏi, như thể tự trả lời.

Cần một cuộc cách mạng về quy hoạch

Chạy dọc các con đường lớn của huyện Nhà Bè, không khó để thấy hai bên đường vẫn còn quá nhiều đất trống, cỏ dại mọc um tùm. Diện tích đất chưa được khai thác ở huyện này là một tiềm năng nhưng cũng là trở ngại. Một cán bộ ở UBND huyện Nhà Bè cho biết, so với bốn huyện còn lại, diện tích của Nhà Bè nhỏ nhất, chỉ hơn 10.000ha trong khi Bình Chánh 25.000ha, Hóc Môn gần 11.000ha, Củ Chi 43.000ha. Nhưng, công tác quy hoạch của huyện Nhà Bè cần một cuộc “cách mạng” rà soát, điều chỉnh bởi một số đồ án quy hoạch đã không còn phù hợp thực tế, ảnh hưởng đến khai thác nguồn lực. 

Người dân H. Nhà Bè đang đợi mong một cây cầu bê tông thay thế cho cây cầu sắt cũ kỹ,  mỗi khi lưu thông như… đánh cược sinh mạng
Người dân huyện Nhà Bè đang đợi mong một cây cầu bê tông thay thế cho cây cầu sắt cũ kỹ, mỗi khi lưu thông như… đánh cược sinh mạng

Báo cáo tại đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè cho thấy, ngành dịch vụ chiếm đến 95,4% trong cơ cấu kinh tế nhưng lại là kiểu dịch vụ tự phát. Chính quyền chưa có sự “lèo lái”, ngành dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, dân xây các dãy phòng trọ cho thuê dài hạn. Một cán bộ ở Hội LHPN xã Phú Xuân chia sẻ, người dân rất đồng thuận với chủ trương chỉnh trang đô thị, vì đổi lại, chính quyền đặc biệt đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân. Nhưng dân vay không nhiều, chủ yếu đủ mở cửa hàng tạp hóa hoặc kinh doanh tại nhà. Chưa có sự đột phá, chuyển mình về kinh tế dịch vụ.

Giải quyết được “đầu bài” này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ việc nâng cao năng lực quy hoạch của chính quyền. Ông đề nghị phải kết nối với người dân, doanh nghiệp thông qua việc thành lập các tổ chức như hội đồng phát triển kinh tế, hội đồng phát triển dịch vụ hoặc thành lập khu dịch vụ công nghệ cao, có trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo để làm nền tảng phát triển. 

Tại đại hội, gắn với các bài toán phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Nhà Bè nhất trí đưa nội dung “xây dựng gia đình hạnh phúc” vào phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao điều này. Theo ông, đó là chương trình gắn với phát triển văn hóa. “Nói văn hóa mà không nói đến gia đình là thiếu sót lớn. Chúng ta có đột phá thể chế, hạ tầng, nhân lực và nhấn mạnh gia đình là nội dung của đột phá nhân lực - văn hóa” - ông Nhân nói, đồng thời chỉ ra tám yếu tố cần quan tâm trong xây dựng gia đình: nhà ở, thu nhập, học tập, chăm lo cho các thế hệ, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, các phong trào của người dân, nhu cầu vui chơi giải trí và khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. 

Ông Nhân cho biết, khi thành phố quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức, cần đáp ứng yêu cầu “15 phút”: từ nhà ở đến chỗ làm, nhà ở đến trường học của con, nhà ở đến chợ chỉ mất tối đa 15 phút chạy xe máy. Thiết kế quy hoạch đáp ứng yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phong Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI