Hôn mê gan, ói ra máu vì bia rượu ngày tết

25/01/2023 - 11:04

PNO - Trong 3 ngày tết vừa qua, nhiều ca phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh liên quan đến sử dụng rượu bia.

Chồng hôn mê gan, vợ tưởng bị say xỉn

Sáng ngày 25/1, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết, trong 3 ngày tết Nguyên đán Quý Mão (Mùng 1 đến Mùng 3), khoa liên tiếp ghi nhận các ca nguy kịch liên quan đến bia rượu.

Điển hình nhất là trường hợp của nam bệnh nhân tên N. X. N. (40 tuổi), ngụ tỉnh Đồng Nai. Anh N. được gia đình đưa tới Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cấp cứu vào chiều Mùng 2 tết trong trạng thái tri giác lơ mơ. 

Qua điều tra bệnh sử, người thân của anh này kể rằng bệnh nhân có bệnh lý xơ gan nhưng đã được điều trị ổn định. Vào ngày 28 tháng Chạp, khi dọn nhà, anh N. bị chấn thương nhẹ. Tuy nhiên, sau đó anh vẫn khỏe mạnh, hoạt bát và uống bia rượu bình thường. Đến ngày 30 tết, anh N. có biểu hiện ngủ nhiều hơn, nói chuyện mất tập trung. Vợ anh N. tưởng chồng uống rượu bị say xỉn. Thế nhưng vào ngày Mùng 2 tết, anh N. rơi vào trạng thái mất tỉnh táo. 

Bác sĩ Hậu đang cùng mọi người hội chẩn một trường hợp hôn mê gan nhập viện cấp cứu  trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão. Ảnh: Thanh Huyền.
Bác sĩ Hậu (rìa trái) đang cùng các đồng nghiệp hội chẩn một trường hợp hôn mê gan nhập viện cấp cứu trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão - Ảnh: Thanh Huyền

Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm cần thiết và chụp CT não. Kết quả cho thấy chỉ số tiểu cầu trong máu của anh N. giảm, não bị xuất huyết. Theo bác sĩ Hậu, với những trường hợp bị xơ gan sẽ thiếu yếu tố đông máu. Vì thế, chỉ cần va chạm, chấn thương nhẹ cũng có thể khiến bệnh nhân bị chảy máu trong khó cầm, nguy cơ xuất huyết não cao hơn bình thường. 

Vào dịp tết, bệnh nhân sử dụng bia rượu nhiều cũng làm tình trạng xơ gan nặng hơn. Bác sĩ Hậu nhận định anh N. bị hôn mê gan. Ngay lập tức bệnh nhân được truyền thuốc điều chỉnh yếu tố đông máu, phẫu thuật cấp cứu. Tới sáng nay (Mùng 4 tết), người bệnh đã qua cơn nguy hiểm, tinh thần tỉnh táo.

Được biết, từ 30 tết tới nay, mỗi ngày Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM ghi nhận 1 - 2 ca viêm gan, xơ gan bùng phát do sử dụng bia rượu. Trong đó, 3 ca bị hôn mê gan phải nhập viện hồi sức. 

Ói ra máu vì xuất huyết dạ dày 

Trong những ngày qua, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị các vấn đề đường tiêu hóa do sử dụng bia rượu quá độ.

Nặng nhất trong số đó là ông P. T. B. (57 tuổi), ngụ tỉnh Long An. Ông B. có rất nhiều bệnh lý nền đang phải theo dõi và điều trị như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận nhẹ, viêm dạ dày mạn tính. 

Bình thường bệnh nhân ý thức khi ăn uống nên bệnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịp tết con cháu sum họp, từ ngày 28 tháng Chạp, ông B. liên tục uống bia rượu. Tới sáng Mùng 1 tết, bệnh nhân cảm thấy đau vùng thượng vị, nặng bụng, đi cầu phân đen. Đêm ngày Mùng 1, ông B. ói ra máu nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Một trường hợp đau bụng, xuất huyết tiêu hoá đang được bác sĩ kiểm tra. Ảnh: Thanh Huyền.
Một trường hợp đau bụng, xuất huyết tiêu hóa đang được bác sĩ kiểm tra - Ảnh: Thanh Huyền

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bệnh nhân đã được truyền máu, điều chỉnh yếu tố đông máu, soi dạ dày cấp cứu vì bị xuất huyết đường tiêu hóa. Bác sĩ Hậu cho biết, chỉ cần nhập viện chậm trễ thêm chút nữa là bệnh nhân sẽ mất nhiều máu, tụt huyết áp. Nếu tình trạng tụt huyết áp kéo dài từ 5 - 10 phút thì tri giác bệnh nhân bị ảnh hưởng. Thời gian tụt huyết áp trên 30 phút sẽ khiến người bệnh bị suy đa cơ quan, sau đó tử vong.

Vào ngày Mùng 1 tết, mọi người có tâm lý kiêng đi bệnh viện nên số lượng bệnh nhân ở khoa cấp cứu chỉ bằng 80% ngày thường. Tuy nhiên, từ ngày Mùng 2 tết trở đi, lượng bệnh nhân tại đây đã đông đúc lại như cũ. 70% là các ca bệnh đường tiêu hóa liên quan bia rượu, 15% là các ca nhồi máu cơ tim, can thiệp xuất huyết não, mạch vành, tắc ruột. Số còn lại là các ca tai nạn sinh hoạt.

Qua đó, bác sĩ Hậu khuyến cáo, kỳ nghỉ tết vẫn còn dài, mọi người phải kiểm soát chế độ ăn uống, không nên rượu bia quá độ (nhất là những ai đang có bệnh lý nền phải điều trị). 

Nếu thấy người thân có biểu hiện bất thường thì gia đình phải đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được hồi sức cấp cứu ban đầu rồi mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tránh các trường hợp bị mất máu, tụt huyết áp nhưng lại đến bệnh viện cách xa nơi ở cả vài chục, vài trăm cây số khiến bệnh nhân không được xử trí kịp thời gây nguy hiểm tính mạng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI