Bác sĩ hướng dẫn cách cấp cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm ngày tết

17/01/2023 - 15:21

PNO - Nhiều gia đình tận dụng ngày nghỉ tết để cùng nhau đi du lịch. Lúc này, ăn hàng quán, đồ nấu sẵn là chọn lựa ưu tiên nhưng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Công Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cơ thể con người.

Đặc biệt vào những ngày lễ tết, việc thường xuyên ăn uống ở hàng quán hay các quán ăn tại địa điểm du lịch rất dễ làm mọi người khó tiêu, đầy hơi. Chưa kể đến nhiều nơi để thực phẩm quá lâu hay quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh dễ khiến bạn và gia đình bị ngộ độc thực phẩm.

Theo bác sĩ Minh, vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc độc tố là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngộ độc thực phẩm. Các tác nhân này có thể xâm nhập vào thực phẩm tại bất kỳ điểm nào trong quá trình vận chuyển, chế biến hay sản xuất. Khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và vào máu sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, đừng kiêng kỵ ngày Tết, hãy đưa người bệnh vào cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời
Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, hãy đưa người bệnh vào cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời

Lúc này, người bệnh có thể mắc một hoặc nhiều trong các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, đau dạ dày, chán ăn, mệt mỏi, sốt. “Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Trước hết người bệnh nên ngưng ăn các thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu tỉnh táo, hãy nhanh chóng gây nôn ói để loại bỏ hết thức ăn ra ngoài. Chú ý không sử dụng thuốc chống ói hay thuốc cầm tiêu chảy” - bác sĩ Minh nói thêm.

Sau đó, người bệnh uống nước muối đường hay nước biển khô (oresol) để bù vào lượng nước đã mất. Cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin trong thời gian bệnh. Nhiều bệnh nhân sợ khi ăn, uống sẽ tiếp tục bị tiêu chảy, nôn ói; hãy động viên người bệnh, tuyệt đối không để bệnh nhân nhịn ăn, uống sẽ dễ mất sức.

Giúp người bệnh nghỉ ngơi tốt, tránh đi lại dễ bị té ngã. Nếu triệu chứng không cải thiện, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị đúng cách.

Bác sĩ Minh lưu ý, khi đi du lịch, cần tìm hiểu trước nơi gia đình sẽ đến về cả chỗ ở và nhà hàng, hàng quán để đảm bảo những nơi này được phép kinh doanh, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Hạn chế ăn các hàng quán ven đường, nhiều bụi bẩn cũng như các thức ăn chế biến sẵn.

Thông thường, khi đi du lịch, nhiều người ngoài sở thích khám phá cảnh đẹp, di tích lịch sử… còn tìm kiếm các loại ẩm thực địa phương. Nếu mua thực phẩm, nên chọn thực phẩm sạch, đã qua kiểm dịch; không mua rau củ dập nát, thịt cá có mùi lạ; không để thực phẩm sống, chín cạnh nhau. Khi chế biến, cần phải rửa sạch sẽ dụng cụ bằng xà phòng trước khi nấu ăn. Đặc biệt với đồ biển, hải sản.

Trường hợp cần mua thực phẩm về nhà ăn hoặc tặng bà con, bạn bè, nên hỏi người bán để bảo quản đúng cách. Nếu thực phẩm không còn tươi, đổi màu, có mùi… nên loại bỏ để phòng trường hợp các món ăn này đã bị hư hỏng.

Trên hết, gia đình nên tìm hiểu thông tin, ghi chú lại các cơ sở y tế gần nơi mình đến du lịch để phòng trường hợp cần thiết. Nếu sau khi ăn, một hoặc nhiều thành viên trong gia đình bị tiêu chảy, nôn, sốt… hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời vì có khả năng đã bị ngộ độc thực phẩm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI