Hơn 50 quốc gia chưa đạt mục tiêu tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ cho 10% dân số

04/10/2021 - 11:05

PNO - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 50 quốc gia vẫn chưa đạt mục tiêu tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9 do tổ chức này đặt ra.

Đa số vẫn ở châu Phi và các nước nghèo

Số liệu của WHO cho thấy, hầu hết các quốc gia này nằm ở châu Phi, nơi tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ chỉ mới đạt 4,4%.

Tại châu lục này, chỉ có 15 trong số 54 quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng 10%. Một nửa số quốc gia châu Phi tiêm ngừa chưa đến 2% dân số. Trong khi 2 quốc gia thuộc châu lục này - Burundi và Eritrea - vẫn chưa triển khai các chương trình tiêm chủng.

Vắc xin trong chương trình COVAX được chuyển đến các nước châu Phi
Vắc xin trong chương trình COVAX được chuyển đến các nước châu Phi

Tính trên toàn cầu, đa số quốc gia chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 10% là những nước có thu nhập thấp, đang gặp khó khăn về nguồn cung vắc xin, trong khi cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Một số nước khác như Yemen, Syria, Iraq, Afghanistan và Myanmar lại đang trải qua thời kỳ xung đột hoặc bất ổn dân sự.

Trong khi đó, tại một số nước như Haiti, thiên tai đã làm cho việc triển khai tiêm ngừa COVID-19 trở nên rất khó khăn.

Tuy nhiên, một số quốc gia, lãnh thổ giàu có (chẳng hạn như Đài Loan) cũng chưa đạt mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng 10% vì sự chậm trễ trong giao hàng và các vấn đề khác.

Một số quốc gia lớn, dân số đông hơn cũng không đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, Ai Cập chỉ mới có 5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này Ethiopia và Nigeria là chưa đến 3%.

Đâu là nguyên nhân?

Đầu năm nay, nhiều nước trên thế giới đã gặp không ít khó khăn để có được nguồn cung vắc xin thông qua chương trình COVAX. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Bên cạnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh vào tháng 6, các quốc gia giàu có đã công bố các khoản đóng góp vắc xin cho COVAX, hoặc viện trợ trực tiếp cho các quốc gia châu Phi.

Trong tháng 9, tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc một số nước giàu có cũng đã hứa hẹn tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho các nước nghèo, trong đó Mỹ cho biết sẽ viện trợ thêm 500 triệu liều vắc xin Pfizer.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây về nguồn cung cấp vắc xin ở G7 và EU (Liên minh châu Âu) cho biết, đến nay, chưa đến 15% trong số hơn 1 tỷ liều mà các quốc gia giàu có đã cam kết viện trợ được chuyển đến các nước nghèo.

Theo ước tính của WHO, châu Phi cần tổng cộng khoảng 270 triệu liều vắc xin để đạt mục tiêu 10% được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 9. Đến ngày 30/9, châu lục này mới nhận được 200 triệu liều.

Vấn đề lớn nhất của COVAX - nguồn cung cấp vắc xin chủ yếu cho phần lớn quốc gia châu Phi - là sự phụ thuộc của chương trình này vào vắc xin từ Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nước này đã tạm dừng xuất khẩu vắc xin từ tháng 4 năm nay để đáp ứng nhu cầu trong nước trước các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.

Đầu tháng 10 này, COVAX đã dự báo nguồn cung cho những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, và cho biết khả năng số lượng vắc xin mà chương trình này nhận được sẽ giảm mạnh trong giai đoạn này.

Theo COVAX, ngoài việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu, tiến độ sản xuất một số loại vắc xin hiện hữu còn chậm và quá trình phê duyệt các loại vắc xin mới kéo dài là cũng là nguyên nhân.

Ấn Độ thông báo sẽ tiếp tục xuất khẩu vắc xin từ tháng 10, và sẽ tập trung vào các nước châu Á và chương trình COVAX, mặc dù vẫn chưa công bố rõ số lượng.

Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, Gordon Brown, đã kêu gọi các nước hành động khẩn cấp để không lãng phí nguồn vắc xin chưa sử dụng đang được dự trữ ở các quốc gia giàu có.

Nhất Nguyên (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI