Hơn 1,1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cấp cho TPHCM sẽ tiêm cho ai?

12/07/2021 - 20:53

PNO - TPHCM được phân bổ gần 55.000 liều vắc xin Pfizer, sắp tới TPHCM có thêm 1 triệu liều vắc xin Moderna và khoảng 100.000 liều vắc xin AstraZeneca.

 

Nhân viên y tế phải lập danh sách người được tiêm vắc xin trong tháng 7 một cách chặt chẽ
Nhân viên y tế phải lập danh sách người được tiêm vắc xin trong tháng 7 một cách chặt chẽ

Chiều tối 12/7, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết kế hoạch xét nghiệm, tầm soát và tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ phải đảm bảo an toàn. 

Giải đáp vấn đề người dân TP quan tâm nhất hiện nay là việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện nay TPHCM được phân bổ gần 55.000 liều vắc xin Pfizer, sắp tới TPHCM có thêm 1 triệu liều vắc xin Moderna và khoảng 100.000 liều vắc xin AstraZeneca.

Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng với hơn 1,1 triệu liều vắc xin này, đảm bảo vắc xin được tiêm đúng tiến độ, hiệu quả, an toàn. Để không tập trung đông người đến tiêm vắc xin, TPHCM đã thành lập trung tâm điều phối vắc xin để sử dụng các cơ sở y tế đang sẵn có, bao gồm 312 trạm y tế phường, xã và thị trấn.

"Hiện nay, mỗi trạm y tế có thể đặt khoảng 1 đến 2 bàn tiêm và bố trí điểm tiêm lưu động. Ở những xã, phường có số dân đông sẽ đặt từ 3 đến 5 bàn tiêm, mỗi lần tiêm cho khoảng 120 người, phải đảm bảo khoảng cách, không để người dân chờ lâu khi đến tiêm. Trong khoảng 2 đến 3 tuần có thể tiêm hết số vắc xin phân bổ", ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng, Sở Y tế cũng yêu cầu các điểm tiêm huy động các nhân viên y tế, cơ cấu bác sĩ cấp cứu, xe cấp cứu để xử trí các sự cố sau tiêm vắc xin COVID-19.

Về người được tiêm chủng đợt này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng sẽ tiếp tục ưu tiên lực lượng chống dịch chưa được tiêm chủng, người mắc bệnh mạn tính và người trên 65 tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách, người lao động làm việc các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hàng hoá thiết yếu, công nhân người nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố. Người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19.

Về công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19, hiện có 8 bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 cho người mắc bệnh nhưng không triệu chứng, 6 bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền và 3 bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Hiện tại, TPHCM có khoảng 20.000 bệnh nhân COVID-19 và khoảng 200.000 các đối tượng F1. Bác sĩ trong các bệnh viện dã chiến được huy động để phục vụ cho 3 mục tiêu là điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và phục vụ công tác điều trị. Có 12.492 cán bộ công nhân viên, 487 điều tra, hơn 6.000 người lấy mẫu và 5.000 người khối điều trị.

Hiện nay, với áp lực F0 tăng nhiều, bác sĩ bị phân bổ nhiều nơi để điều trị, việc sàng lọc bệnh trước khi vào khám bệnh phải được đảm bảo, gây nhiều khó khăn, áp lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ngành y tế sẽ tăng cường thêm bác sĩ trong khối điều trị, bác sĩ của tuyến trung ương và 25 lãnh đạo của Bộ Y tế tham gia chống dịch tại TPHCM. Ngoài ra, còn có các lực lượng quân đội, công an với số lượng lớn cùng với ngành y tế chống dịch. Thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngành y tế sẽ cố gắng hết sức, tận dụng tối đa việc giãn cách để lọc được F0 ra khỏi cộng đồng. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI