Hội Phụ nữ đã vận động phân loại rác tại nguồn

11/08/2022 - 05:31

PNO - Ở hẻm 45 Trần Thái Tông, tổ 125, khu phố 8, P.15, Q.Tân Bình, TPHCM, mỗi nhà đều có một thùng rác với ba túi ni-lông với ba màu sắc khác nhau. Đầu hẻm này, cũng có ba thùng rác lớn với ba màu khác nhau, có bảng hướng dẫn bỏ mỗi loại rác vào mỗi thùng riêng.

Theo bà Lê Anh Ngọc - nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.15, Q.Tân Bình - việc làm trên bắt đầu từ năm 2015, do bà Trần Thị Kim Thành - Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Tổ trưởng tổ phụ nữ 125 - khởi xướng. Bản thân mắc bệnh ung thư, đồng thời nhận thấy trong tổ cũng có nhiều người bị bệnh, trong khi môi trường xung quanh nhiều rác thải, bà Thành quyết tâm xây dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an toàn. Bà đại diện tổ phụ nữ 125 đăng ký xây dựng mô hình “Tuyến hẻm ba sạch, an toàn, tiết kiệm và phân loại rác tại nguồn”.

Trong khoảng hai năm (2015 - 2017), bà vận động được 100% hộ dân và các phòng trọ ký cam kết thực hiện mô hình này. Theo cam kết, mỗi gia đình trong tổ 125 đều treo hoặc để sọt rác có ba túi với ba màu khác nhau; mỗi ngày, từ 17g30 đến 18g30, các hộ mang ba bịch rác ấy ra đầu ngõ, bỏ mỗi loại rác vào mỗi loại thùng lớn. 

Bà Thành sẽ thu gom rác có thể tái chế để dành bán ve chai, dùng số tiền này nuôi heo đất để trao hai suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai (1,5 - 2 triệu đồng/suất) cho con em hội viên vượt khó, học giỏi vào đầu mỗi năm học.

Bà Trần Ngọc Nương (khu phố 3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12) quy ước với các thành viên  trong gia đình: bỏ rác không tái chế được vào túi đen, bỏ rác hữu cơ vào túi xanh,  bỏ rác tái chế được vào túi vàng - Ảnh: N.A
Bà Trần Ngọc Nương (khu phố 3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12) quy ước với các thành viên trong gia đình: bỏ rác không tái chế được vào túi đen, bỏ rác hữu cơ vào túi xanh, bỏ rác tái chế được vào túi vàng - Ảnh: N.A

Đối với rác thải độc hại, khó phân hủy, bà Thành gom lại, đổi lấy túi thân thiện với môi trường trong các chương trình do Hội LHPN phường tổ chức, phát lại cho các hộ dân trong tổ 125. Nhân viên của đơn vị gom rác chỉ cần thu gom rác hữu cơ mang đi. Hiện nay, ở tổ 125, nhân viên vệ sinh đã đến thu rác từng nhà, người dân không còn mang rác ra đầu hẻm nữa nhưng vẫn phân loại rác sẵn tại nhà, cho vào ba túi.

Ngày 6/8, Hội LHPN và các đoàn thể P.13, Q.8, TPHCM tổ chức chương trình “Đổi rác thải lấy quà”, qua đó trao 100kg gạo và 10 chậu cây xanh cho dân, nhận về hơn 10kg rác là giấy, bìa các-tông, chai nhựa, bao ni-lông. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Phó Chủ tịch Hội LHPN P.13 - nhận định, số rác có thể tái chế thu được chưa nhiều nhưng chương trình đã bước đầu tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho cư dân. 

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, hằng năm, Hội LHPN TPHCM đều ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường để các cấp Hội thực hiện với chỉ tiêu: phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Hội LHPN TPHCM và các cơ sở Hội cùng 80% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ tự phân loại rác tại nguồn; 80% cán bộ, hội viên thường xuyên mang theo túi đi chợ, hộp để đựng đồ ăn, thức uống chế biến sẵn, hạn chế dùng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Hội LHPN TPHCM mong muốn, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ là nòng cốt để hình thành thói quen phân loại rác thải từ trong gia đình. Chính họ thực hiện trước rồi vận động chồng, con làm theo, từ đó lan tỏa thành thói quen của cả xóm, cả khu phố. 

Để thực hiện theo kế hoạch của Hội LHPN TPHCM, Hội LHPN cấp quận, huyện đã triển khai các mô hình như “Góc bếp yêu thương” (trang bị thùng rác hai ngăn cho góc bếp mỗi nhà), “Đổi rác thải nhựa lấy quà”, “Biến rác thành tiền”, “Phân loại rác tại nguồn”, “Tổ phụ nữ nói không với túi ni-lông”… 

Theo bà Hoàng Ngọc Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.8 - để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, được đông đảo người dân thực hiện, rất cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành. Bà nêu ví dụ, người dân phân loại rác sẵn nhưng nếu công nhân vệ sinh gom, đổ chung thì dân sẽ nản bởi họ thấy công sức phân loại của mình trở nên vô nghĩa. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI