Học đau

28/08/2013 - 20:05

PNO - PN - Con yêu!

edf40wrjww2tblPage:Content

Mấy bữa nay, con bức xúc ra mặt, bảo rằng “nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dìm hàng Mr. Đàm” và rủ bố hùa theo, vào facebook để bấm like ủng hộ việc phản pháo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Hoc dau

Chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bị các ca sĩ, đặc biệt là Đàm Vĩnh Hưng phản ứng dữ dội sau khi đưa ra quan điểm nhận xét về một số ca sĩ hàng "sao" hiện nay trên một tờ báo, đã để lộ ra một điều đáng buồn: Đàm Vĩnh Hưng, dù là thần tượng của hàng triệu người, dù đã ở tuổi trung niên nhưng xử sự quá non nớt. Sau này trải nghiệm nhiều hơn, con sẽ thấy thần tượng của con đã phạm sai lầm như thế nào khi vội vàng viết tâm thư và bảo một người bậc cha chú là “ngụy quân tử”. Bố thấy, thần tượng của con có khả năng chịu đau kém, mới bị “đánh” một chút đã không làm chủ được cảm xúc. Và con cũng vậy, dù đã 18 tuổi, nhưng khả năng chịu đau của con chưa cao, thấy thần tượng bị chê bai, đã cảm thấy “đau” không chịu nổi, và lồng lộn lên.

Tâm lý tự nhiên, ai cũng thích nghe lời khen và cực kỳ ghét lời chê. Nhưng thực tế cho thấy, bậc trí thức, những người được công chúng tôn trọng đều là những người biết cách đón nhận lời phê bình một cách trầm tĩnh và biết vận dụng lời chê ấy để thay đổi theo hướng tích cực.

Tất nhiên, trong các loại học, học đón nhận sự tổn thương trong tâm hồn là không dễ dàng. Ngày bé, bố cũng ham chơi như con bây giờ. Mỗi lần trốn học, ông nội con bắt bố ngồi đối diện ông để “nói chuyện”. Ông bắt bố tự chỉ ra sai lầm của mình. Còn gì đau hơn khi mình tìm ra những cái dở, cái yếu hèn của bản thân? Sau đó, ông nội phân tích những thiếu sót của bố. Bố đã tổn thương, buồn bã đến mấy ngày. Nhiều lúc phạm lỗi, bố ước được ông đánh vài roi cho xong, chứ còn ngồi “nói chuyện” là bố sợ lắm. Thế mới biết, đau trong lòng thì nặng nề hơn nhiều so với cái đau thể xác.

Và ông còn bảo với bố: “Sau này, con còn phải chịu đau do người khác vô tình hoặc cố ý làm tổn thương con, dù con không có lỗi. Nhưng con phải học cách đón nhận nó”.

Quả đúng như vậy. Đã có những lúc ở giảng đường đại học, vì bố bày tỏ quan điểm riêng mà bị thầy phê bình nặng nề trước hàng trăm sinh viên khác. Sau này đi làm, cũng có lúc bố bị cấp trên phê bình một cách không thương tiếc. Nhưng bố đã bình tĩnh đón nhận và từ tốn phân tích thông điệp của lời phê bình ấy, để tự thay đổi mình.

Khi Đàm Vĩnh Hưng viết những lời lẽ phản pháo đầy xốc nổi, nhiều người lớn tuổi đã bình luận trên mạng xã hội đại ý: Hưng nên cảm ơn lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bảo rằng, cháu sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, như vậy sẽ càng có nhiều người tôn trọng Hưng hơn. Rất tiếc, Hưng đã không làm vậy. Một lượng fan khổng lồ của Đàm Vĩnh Hưng, đa số là người trẻ, trong đó có con, đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội khi thần tượng của mình bị “xúc phạm”, và họ đã cho rằng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 “dìm hàng” thần tượng của mình. Chỉ qua cách gọi tên hiện tượng là “dìm hàng” đã cho thấy sự ngô nghê của một bộ phận người trẻ.

Tất nhiên, bố không đòi hỏi con phải có cảm nhận như bố. Cảm nhận của mỗi người tùy thuộc vào độ từng trải, nền tảng kiến thức. Có thể dăm năm sau, nhiều người trong số fan ấy sẽ suy nghĩ khác. Và con trai của bố cũng vậy.

Con trai của bố vẫn chưa thực sự học được “cách đau” như bố hằng mong đợi. Lời bố nói, lại có thể làm con tổn thương thêm lần nữa, nhưng vì bố muốn con trưởng thành, con yêu ạ.

 Nguyễn Nam

Từ khóa Học đau
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI