Học chồng tính… bao đồng

10/10/2021 - 05:24

PNO - “Vợ chồng chỉ có chấp nhận chứ không thể thay đổi nhau”, Thư từng thấm nhuần câu nói này, nhưng trải nghiệm lần này của cô hoàn toàn ngược lại.

Thư là người hướng nội. Với cô, việc xã giao, sống tập thể là thừa thãi và vô ích. Ngược lại, Tuấn lại là “đứa con của tập thể”. Anh lớn lên trong khu nhà tập thể công nhân, rồi khi trưởng thành lại giữ chức bí thư đoàn của một đơn vị. 

Sau ngày cưới, Thư mới bắt đầu va chạm với khác biệt này. Bố mẹ Tuấn đã ra ngoại ô sống, căn nhà cũ ở khu tập thể đang cho thuê được lấy lại để giao cho cặp vợ chồng trẻ.

Về lại nhà cũ, Tuấn như… cá gặp nước. Bao nhiêu “bà Lang”, “chú Nguyện”, “cô Bảy”, rồi “thằng Tý”, “thằng Nô” trong tuổi thơ Tuấn giờ lần nữa làm hàng xóm của anh. Và thế giới đó làm Thư… phát hoảng.

Cùng một thành phố, nhưng ở nơi Thư sống, người ta chỉ chào nhau và giúp đỡ khi cần. Còn ở đây, gia chủ về nhà thì không được đóng cửa, đóng cửa là “thiếu thân thiện”. Đi phải thưa về phải trình - tức là sau khi “chào cô…” xong thì nên có thêm câu: “Cháu đi dạy”, “Cháu đi chợ”… 

Thời gian đầu, Thư liên tục gặp lỗi giao tiếp. Có khi đi về chào bà cụ đầu xóm mà thấy bà… ngó lơ. Tiếp tục bị “lơ đẹp” suốt vài ngày sau đó, Thư bức bối quá mới đem chuyện kể chồng. Tuấn “trắc nghiệm” một hồi thì mới đoán được nguyên nhân.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tuấn đi làm cả ngày, Thư chỉ đi dạy theo giờ nên thường xuyên ở nhà và… đóng cửa, không giao du với ai. Lại có lần, cả xóm ới nhau ra gói bánh chưng gửi về vùng lũ thì Thư… trốn trong nhà. Cô không thích chỗ đông người, và chọn ủng hộ vùng lũ theo cách khác.

Khi nghe chồng “lọc” ra chừng ấy nguyên nhân, Thư té ngửa. Trong khi Tuấn chắc chắn là Thư đã “thất lễ”, thì Thư giãy nảy, cho rằng Tuấn ấu trĩ, và là… nô lệ cộng đồng.

Chuyện xã giao trở thành xung đột thường xuyên của hai vợ chồng. Không thể khuyên can Tuấn, Thư chọn cách kiên quyết nói “không” với những cuộc họp xóm, hội xóm, ăn uống, cúng kiếng do hàng xóm tổ chức.

Cô tuyên bố “không thỏa hiệp” với chuyện nhỏ để không góp phần tạo ra mối nguy hại lớn. “Mối nguy hại lớn” mà cô nói, chính là sự phán xét, xâm phạm tự do cá nhân.

Dù vậy, Thư vẫn ấm ức vì dường như Tuấn chẳng hề hấn gì với lời tuyên chiến của cô. Thư không đi thì anh đi một mình. Anh dự mọi cuộc vui, nắm hết thông tin nhà… hàng xóm.

Và xung đột thường nổ ra vì… Thư gây sự. Thư chỉ trích Tuấn bao đồng, kém văn minh, nhà quê, bầy đàn. Thư lý lẽ càng lúc càng hăng, cho đến khi nào Tuấn chịu cãi lại mới thôi.

Thế nhưng, trong lúc vợ chồng thống nhất ráng làm lụng để mua một ngôi nhà ở chỗ khác, thì Thư chợt đổi ý. 

Lần đó, cô vừa về thăm mẹ ruột thì được cô tổ trưởng dân phố ghé lại cảm ơn. Qua lời kể của cô tổ trưởng, gia đình Thư mới biết mẹ ruột của cô ấy bị tai biến.

Cách đó chừng một tháng, Tuấn có ghé về và gửi cho cô một vỉ dầu mù u. Nhờ dùng dầu của Tuấn, bà cụ được chữa lành cái lưng đang bị lở nặng. Người thân vừa biết ơn Tuấn, vừa mừng vì tìm ra một phương thuốc trị lở da cho người tai biến.

Đó là lần đầu Thư thấy tự hào về tính bao đồng của Tuấn. Nhưng đến khi hỏi chồng, Thư mới tá hỏa về “hàm lượng bao đồng” trong câu chuyện này. Hóa ra, tác giả của vỉ dầu mù u đó chính là của cụ Lang - bà cụ Thư thấy “khó ưa” nhất khu tập thể.

Trong một lần trò chuyện, cụ Lang khoe “thành tích” ba tháng chăm em ruột bị tai biến và “thằng em không bị lở một tẹo nào”. Tuấn lập tức hỏi bí kíp, và khai thật là hàng xóm bên nhà Thư cũng tai biến, nằm nhiều nên bị lở rất nặng.

“Hội bao đồng” buôn chuyện khí thế, và ngay hôm sau, bà Lang đón đường Tuấn để giao cho một vỉ dầu mù u, sai Tuấn “đem qua đưa cho bà cụ gì đó đi, rồi nói con cháu bả cứ mua dầu này về dùng, rẻ lắm!”.

Thư ngỡ ngàng rồi cười ngặt nghẽo vì độ bao đồng của những “nhân vật” trong câu chuyện. Nhưng cô biết, sự bao đồng đó đã cứu được một con người, cứu được cả tình hàng xóm của ba mẹ cô ở một quận xa lắc. 

“Vợ chồng chỉ có chấp nhận chứ không thể thay đổi nhau”, Thư từng thấm nhuần câu nói này, nhưng trải nghiệm lần này của cô hoàn toàn ngược lại.

Đúng là Tuấn chưa bao giờ muốn thay đổi Thư, nhưng cách mà anh sống, đã làm cô vỡ ra nhiều điều. Cô không còn kỳ thị những người hàng xóm, không kỳ thị cả sự bao đồng, bởi bên trong cái bao đồng đó là tình cảm, là sự ấm áp, và nhu cầu được “làm ấm” bởi những con người đang sống gần nhau… 

Trà Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI