Họa sĩ Hiền Nguyễn: “Sơn mài cho tôi sống sâu”

12/01/2022 - 06:44

PNO - Sau 20 năm theo đuổi chất liệu sơn mài, lần đầu tiên, nữ họa sĩ Hiền Nguyễn khám phá vũ trụ và những vì tinh tú trong dải ngân hà bí ẩn.

Triển lãm Mở của hoạ sĩ Hiền Nguyễn không khiến người xem bất ngờ với tên gọi, vì trước đây, chị từng có , Thở (lần lượt diễn ra vào tháng 1 và tháng 10/2019) – cũng cách đặt tên ấn tượng tương tự. Nhưng Mở thật mới, thật lạ vì đây là lần đầu, họa sĩ Hiền Nguyễn vẽ về vũ trụ sau nhiều năm lấy cảm hứng sáng tác từ các sự vật, hiện tượng gần gũi với đời sống.

Phóng viên: Vì sao họa sĩ Hiền Nguyễn lại chọn chủ đề vũ trụ để sáng tác trong giai đoạn này?

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn: Có lẽ, đến một lúc nào đó, khi đã khai thác quá nhiều những gì thuộc về bản thể, những sự vật, sự việc liên quan đến đời sống xung quanh, tôi muốn tìm đến, khai phá các mảng đề tài ở xa hơn, kích thích trí tưởng tượng nhiều hơn. Khi càng tìm hiểu về vũ trụ, tôi càng bị cuốn vào, càng muốn thể hiện rõ hơn, chân thật hơn những ý tưởng liên tục nảy sinh bên trong mình.

Khi vẽ những tác phẩm này, ở một mặt nào đó, chúng đưa tôi thoát khỏi đời sống hiện tại. Tôi bay bổng hơn, thanh thoát hơn. Giữa chủ đề vũ trụ và chất liệu sơn mài mà tôi vẫn đang theo đuổi 20 năm qua cũng có điểm gần gũi nhất định. Đó chính là độ sâu của chất liệu sơn mài vô cùng phù hợp để phát họa nên không gian bí ẩn của vũ trụ.

Hoạ sĩ Hiền Nguyễn tại triển lãm Mở.
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn tại triển lãm Mở

* Thường khi thực tại có những trúc trắc, thương đau, người ta mới muốn vượt thoát để tìm đến thế giới mơ mộng, thần tiên hơn như cách để cứu rỗi tâm hồn...

- Tôi e không phải vậy. Bởi khi một ai đó đau khổ, vật vã vì vết thương lòng hay nỗi đau thể xác, sự quan tâm của họ dành cho những điều gần gũi hơn. Họ khó có thể vượt thoát khỏi nỗi đau mình đang mang để đưa tâm trí nghĩ đến những mơ mộng xa vời. Tôi nghĩ khi con người đạt đến trạng thái bình an, trưởng thành hơn thì họ mới bắt đầu quan tâm đến những sự việc vượt ra khỏi tầm mắt của mình. Đời thênh thang thì tâm tưởng mới nhẹ nhàng mà mặc sức nghĩ ngợi.

* Để hoàn thiện một bức sơn mài, chị dụng công như thế nào?

- Vẽ chất liệu này mất nhiều thời gian, có muốn nhanh hơn cũng không được. Tôi vẽ xong một lớp phải ủ khô, mài và cứ lặp lại như thế đến khi nào biểu màu, biểu cảm của tranh khiến tôi hài lòng thì lúc đó, tác phẩm hoàn thành. Trong quá trình hoàn thiện tác phẩm luôn phải chờ đợi. Sự chờ đợi rèn cho tôi tính kiên trì, cho tôi được hiểu bản thân rằng mình muốn gì và cần phải làm gì.

Bức nhanh nhất của tôi phải mất 4 – 5 tháng, có bức tiêu tốn hàng năm trời nhưng với chất liệu sơn mài, điều này bình thường. Tôi phải chờ chất liệu khô, nhưng quá trình khô không phải nhờ mang tranh ra phơi nắng hay chờ cho gió hong mà phải đưa tranh vào buồng ủ kín gió, không khí đạt độ ẩm trung bình 80 độ thì sơn mới bay hơi cùng nước, giúp bề mặt tranh khô đều. Khoảng thời gian ủ có thể mất một tuần hoặc lâu hơn, tuỳ thuộc vào môi trường bên ngoài. Trong khoảng thời gian chờ đợi, tôi cùng lúc thể hiện nhiều bức vẽ, đó cũng là lý do vì sao trong 2,5 năm qua, tôi vẽ được số lượng tranh trong triển lãm Mở.

* 20 năm theo đuổi sơn mài – chất liệu đòi hỏi tính kiên trì mà không ai muốn cũng có thể đi đến tận cùng, vì đâu chị lại bền bỉ đến vậy?

- Tôi thích chất liệu sơn mài. Ngay từ khi đi học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi đã thấy màu sắc sơn mài gần gũi với tâm hồn mình. Nhưng không chỉ riêng tôi, thói quen, mức độ cảm về màu, phong tục - tập quán của người Á Đông cũng rất gần gũi với các sắc độ của tranh sơn mài nên tranh luôn dễ tạo sự rung động, dẫn dắt cảm xúc.

Nhiều người thích tranh sơn mài trong đó có tôi, có bạn và các bạn trẻ khác nhưng để theo đuổi, không nhiều người kiên trì. Vì sao lại gắn bó lâu đến thế? Chỉ có thể nói rằng vì tôi đam mê. Mà một khi đã đam mê, tôi muốn tìm tòi đến cùng để thể hiện chúng.

Tôi quan niệm khi cha ông và thế hệ tiền bối đã sử dụng chất liệu sơn mài trong hội họa và họ đã tạo ra những mới lạ, hấp dẫn nhất định thì thế hệ tiếp theo như tôi phải tìm tòi thêm, tức kế thừa nhưng có sự nghiên cứu, đau đáu muốn thể nghiệm khác hơn. Vì lẽ đó nên tôi đưa chất liệu sơn mài trên toan (vải), không chỉ vẽ sơn mài trên vóc (gỗ) như bấy lâu mà cha ông ta đã thực hiện. Tôi đã làm việc này 3 năm qua và càng làm càng thấy chất liệu sơn mài kết hợp với toan mang đến những trải nghiệm hay ho, mới lạ.

Không gian tại triển lãm được phủ màu sắc bí ẩn
Những bức sơn mài lần này của họa sĩ Hiền Nguyễn mang màu sắc rực rỡ, cuốn hút

* Trong nghệ thuật, không nên có sự phân biệt rạch ròi về giới vì điều ấy e rằng không phù hợp, nhưng với một nữ họa sĩ theo sơn mài, hẳn có những điều khó nhất định?

- Có thể, với những người ngoài cuộc khi nhìn vào sẽ thấy ngay rằng việc theo đuối chất liệu sơn mài rất vất vả. Điều này tôi không đôi co vì chúng đúng, nhưng chắc chắn rằng trên cuộc đời này, không có việc nào quá nhàn hạ và dễ dàng để đạt thành quả.

Tôi không muốn kể khổ, tôi chỉ muốn nói đến 2 chữ đam mê. Khi bạn say mê, mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi tự khắc cân đối được giữa hội họa và cuộc sống gia đình. Tôi tự thu xếp, gói ghém để làm được nhiều việc trong cùng một khoảng thời gian. Những vất vả là có nhưng liệu nên bàn bạc về chúng không khi sau chuỗi ngày lao động sáng tạo, giờ đây, tôi có những bức tranh như một phần thưởng cho chính mình.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

"Sự cô đơn trong cuộc đời có thể đến với bất cứ ai. Với nghệ sĩ, chỉ khác ở chỗ rằng có thể, họ nhạy cảm hơn và biết cách đưa chúng vào tác phẩm. Khi vẽ, tôi thường chiêm nghiệm lại những điều tôi đã từng chứng kiến ngoài đời sống, những điều tác động chính tới cảm xúc bản thân", họa sĩ Hiền Nguyễn.

Một số tác phẩm và hình ảnh tại triển lãm:

Tranh
Tác phẩm Bãi dài Nha Trang, sơn mài trên vóc.
1
Tác phẩm Hoàng hôn, sơn mài trên vóc.
1
Tác phẩm Hình dung về cấu trúc cứng của một vũ trụ giãn nở, sơn mài trên toan.
Một góc không gian triển lãm.
Một góc tại không gian triển lãm
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn
Triển lãm Mở đang diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TPHCM) và kết thúc vào ngày 19/1.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI