Hình xăm tạm thời, miếng dán đồ chơi: đừng tưởng không hại!

14/12/2019 - 07:02

PNO - Nhiều phụ huynh thích thú nghĩ, tattoo dạ quang tạm thời (miếng dán hình xăm tạm thời), miếng dán đồ chơi (ticker) dành cho trẻ dán đầy lên mặt, tay chân của trẻ là vô hại mà không ngờ chúng có thể chứa nhiều chất độc hại.

Đủ loại tattoo cho trẻ

Tại cửa hàng Ja&Na’s Little House, khi khách mua sản phẩm quần áo cho trẻ trị giá trên 500.000 đồng sẽ được tặng một tờ tattoo dạ quang chủ đề giáng sinh. 

Không chỉ tặng kèm sản phẩm, cửa hàng này còn bán nhiều bộ tattoo riêng lẻ. Mỗi bộ khoảng 120 miếng dán, với đủ màu sắc sặc sỡ, hình thù nhân vật trong các bộ phim hoạt hình, có giá 200.000 đồng/bộ. Theo quảng cáo thì các loại tattoo này do các hãng nổi tiếng sản xuất như Mideer, Joan Miro nên an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ.

Có thể sử dụng dán lên mặt, tay, chân của trẻ thoải mái mà không lo sợ chất độc trong miếng dán xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt với các loại tattoo dạ quang, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng có thể sử dụng trang trí đi tiệc vì có chức năng phát sáng trong bóng tối.

“Các loại tattoo này rất hút khách, hàng vừa về là hết bởi chúng tiện lợi ở chỗ không thích nữa thì có thể rửa sạch bằng nước. Phụ huynh thường mua cho trẻ chơi hằng ngày hoặc làm quà tặng trẻ vào các dịp đặc biệt” - nhân viên tại cửa hàng này cho biết. 

Hinh xam tam thoi, mieng dan do choi: dung tuong khong hai!
 

Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng, loại tattoo này đang rộ lên tại các gian hàng bán đồ chơi trước cổng trường học. Trước cổng trường THCS Chu Văn An (Q.1, TP.HCM), cứ đến tầm giờ tan học sẽ xuất hiện một người đàn ông chạy xe máy đến bày bán rất nhiều loại đồ chơi như: miếng dán tattoo, súng đồ chơi, nhẫn, dây chuyền, hình siêu nhân… với nhiều màu sắc bắt mắt.

Đứng quan sát, chúng tôi thấy đám trẻ thích thú với các loại miếng dán tattoo hơn các loại đồ chơi khác. Một học sinh sau khi lựa chọn hình đã kéo áo, chìa lưng cho đám bạn dán. Trên người cậu bé này chi chít các loại hình xăm của các nhân vật trong phim siêu nhân, ấn tượng nhất là một hình xăm mặt quỷ với hai răng nanh nhọn hoắt và cái lưỡi đỏ chót ở bắp tay.

Em cho biết, để có hình xăm này, em mất chưa đầy hai phút, tốn chỉ có 4.000 đồng. Tò mò đến mua thử, chúng tôi thấy có rất nhiều miếng dán tattoo đen trắng hình nhân vật hoạt hình, trong đó có cả các hình bạo lực, trên bao bì loại đồ chơi này không có thông tin gì ngoài dòng chữ “made in China”.

Tương tự, trước cổng trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng đang bán đủ loại miếng dán tattoo đen trắng (giá 4.000 - 5.000 đồng/bộ có 10 hình dán), tattoo màu (giá 15.000 đồng/bộ), tattoo phát quang (20.000 đồng/bộ).

Trong đó thu hút các em nhất vẫn là tattoo phát quang hình hoa hồng, chuột Mickey, Bạch Tuyết, bơm bướm… để cho giống các ngôi sao, ca sĩ, diễn viên trong phim Hàn Quốc. Nhiều phụ huynh không chỉ cho tiền con mua mà còn giúp con mình dán lên người. 

Sau dị ứng với mực hình xăm, cơ thể sẽ trở nên mẫn cảm

Không chỉ các loại miếng dán tattoo mà các loại sticker cũng khá thu hút phụ huynh và trẻ nhỏ. Chúng được bán phổ biến tại các nhà sách, cửa hàng đồ chơi. Mỗi xấp có khoảng 15-20 miếng dán (tùy kích thước lớn hay nhỏ), giá từ 2.000-10.000 đồng/xấp. Tất cả đều có nguồn gốc trôi nổi hoặc từ Trung Quốc.

Nhiều hãng đồ chơi uy tín cũng sản xuất các loại miếng dán này, song giá của chúng khá đắt so với túi tiền của nhiều phụ huynh (200.000 đồng/xấp 20 miếng dán) nên sản phẩm của Trung Quốc vẫn là lựa chọn số một.

Trong khi đó, theo báo cáo từ hệ thống cảnh báo Rapex của Liên minh châu Âu, miếng dán đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi thị trường của những nước này vì chứa phthalate (DEHP) với nồng độ 15,1% và diisononyl phthalate (DINP) với nồng độ 0,4% tính theo trọng lượng. Hai chất này có khả năng gây vô sinh. 

Hinh xam tam thoi, mieng dan do choi: dung tuong khong hai!

Nhiều người cứ nghĩ miếng dán tattoo dành cho trẻ nhỏ là vô hại nhưng thực chất các miếng dán này ít nhiều chứa hóa chất độc hại. Anh Võ Minh Quân - một thợ xăm tattoo trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - cho biết, mực trên miếng dán tattoo có rất nhiều loại với giá cả chênh lệch mỗi lọ lên đến cả triệu đồng.

Thời gian gần đây, khi nhu cầu xăm vẽ lên cao, thị trường cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, mực kém chất lượng. Do đó, các loại mực trong miếng dán tattoo bán trôi nổi trước các cổng trường học hiện nay chỉ có giá vài chục ngàn thì không thể đảm bảo mực đó an toàn cho trẻ.

Riêng về miếng dán tattoo phát quang, anh Quân cho biết thêm, hiện nay có một kiểu xăm gọi là xăm phát quang. Kiểu xăm này có quy trình giống như xăm thông thường nhưng loại mực được thay thế bằng mực UV hay còn gọi là mực tử ngoại. Mực UV có hai loại: mực có màu và mực không màu.

Chúng được đem về từ Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc. Rất nhiều bạn trẻ muốn xăm phát quang nhưng đều được khuyến cáo có nguy cơ dẫn đến cơ thể dễ bị phát ban, dị ứng, thậm chí bị ung thư da. Có thể loại mực dùng trong miếng dán tattoo cũng là mực UV nên mới lấp lánh như vậy. Cho nên, các phụ huynh cẩn thận khi sử dụng các loại miếng dán này. 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Ngọc Diệp - giảng viên bộ môn da liễu trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, nguy cơ chính của các miếng dán tattoo là mực in. Nếu nguồn gốc của mực in không rõ ràng, không qua kiểm duyệt, chất lượng mực in không đảm bảo thì trong mực in có thể có các chất gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chất paraphenylenediamine (PPD).

Chất này thường gây những phản ứng dị ứng nghiêm trọng cho cả người lớn lẫn trẻ em. Đó là những bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng. Trên da có thể xuất hiện mụn nước, bong nước, sẩn đỏ, ngứa, da khô, tróc vảy…

Sau khi sang thương ở da lành có thể để lại những tổn thương lâu dài như tăng sắc tố sau viêm, sẹo lồi, sẹo thâm… Ngoài ra, sau khi đã bị dị ứng với mực hình xăm thì cơ thể sẽ trở nên mẫn cảm và có thể sẽ bị phản ứng dị ứng chéo với các chất tương tự có trong thuốc nhuộm tóc, kem chống nắng, mực in thông thường hoặc các dị ứng nguyên khác. 

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, trường đại học Bách Khoa TP.HCM - cho biết thêm, trên phương diện hóa học, các chất màu được sử dụng trong xăm nói chung và các miếng dán tattoo nói riêng có thành phần rất đa dạng, có nguồn gốc hữu cơ hoặc vô cơ.

Các màu vô cơ chủ yếu có thành phần là các muối hoặc oxit của các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi, coban, nhôm, sắt, đồng… Các màu hữu cơ thường là các hợp chất azo, các hợp chất được tổng hợp từ hợp chất hydrocacbon ngưng tụ đa vòng. Thành phần tạp chất trong màu càng nhiều thì nguy cơ càng cao.

Khi đi vào cơ thể sẽ gây tổn thương gan, não, thận, phổi, gây loãng xương, các bệnh về xương, ảnh hưởng đến hệ sinh sản và khả năng sinh sản, có khả năng gây ung thư, kích ứng da khi tiếp xúc.

Ngoài ra, một số mực xăm có sử dụng các hợp chất phát lân quang hoặc huỳnh quang (để tạo ánh quang khi chiếu đèn hoặc phát sáng trong bóng tối) nên nguy cơ nhiễm phóng xạ hoặc ung thư càng cao do một số chất này có khả năng chứa các nguyên tố phóng xạ (như radi, triti...).

“Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA) cũng từng đưa ra nhiều nghiên cứu về tác hại của các loại mực xăm Trung Quốc không rõ nguồn gốc, các loại mực xăm này cũng được cấm tại các nước châu Âu vì có nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Song tại TP.HCM, việc kiểm soát mực xăm nói chung và các loại đồ chơi từ miếng dán tattoo nói riêng hiện vẫn còn bỏ ngỏ” - tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI