Hiệu ứng bầy đàn và nỗi im lặng của sự tử tế

01/07/2025 - 07:27

PNO - Xã hội trưởng thành không đo bằng tốc độ phán xét mà bằng giới hạn của lòng nhân từ, nhất là khi người kia không giống mình.

Một cô gái xuất hiện trong một bức ảnh ngồi sau xe máy, không đội mũ bảo hiểm. Đó là hành vi vi phạm luật giao thông cần được nhắc nhở, thậm chí xử phạt. Nhưng từ bức ảnh ấy, một trận tuyết lở ngôn từ bắt đầu đổ xuống cô, không phải từ một phía mà từ hàng trăm, hàng ngàn con người cùng lúc như thể chỉ chờ có một tín hiệu nhỏ để đồng loạt khởi phát.

Đám đông trên mạng xã hội không bao giờ cần lý lẽ đủ đầy để khởi động cơn giận dữ của mình. Họ chỉ cần một cái cớ. Và trong những tình huống như vậy, lý do không quan trọng bằng cảm xúc. Sự giận dữ tập thể vận hành không giống như sự suy xét cá nhân, nó là sự phản xạ. Giống như trong đêm, một con chó bất chợt sủa vang, rồi chó cả xóm cùng rộ lên dù chẳng cần biết có kẻ trộm thật hay chỉ là một chiếc lá rơi.

Hiện tượng đó, các nhà tâm lý học gọi là “social proof” (bằng chứng xã hội). Khi một người bắt đầu công kích, những người khác sẽ cảm thấy an toàn để làm điều tương tự. Mỗi người nghĩ: “Tôi chỉ nói theo, đâu phải tôi bắt đầu". Và thế là họ tham gia, thêm một lời mỉa mai, một câu chế giễu, một meme được lan truyền. Đám đông không cần phải biết rõ bản chất của người họ đang phán xét, đám đông chỉ cần cảm thấy rằng tất cả đang cùng làm vậy.

Không khó để lý giải sự phản ứng dữ dội với những người như cô. Họ thường là hiện thân cho những điều mà xã hội chưa quen tiếp nhận: một thân hình không vừa mắt số đông, một lối sống không thuận chuẩn, một giọng nói dám lên tiếng điều người khác nghĩ mà không dám tỏ bày. Khi cá nhân ấy bộc lộ quan điểm thì dù là “yêu bản thân”, “tự tin với thân thể mình” hay “sống chill” giữa đời gấp gáp thì họ vô tình trở thành chiếc gương làm chói mắt người nhìn. Và con người, như bản năng, thường sẽ đập vỡ những tấm gương khiến họ thấy bất an.

Một xã hội vẫn cổ vũ thông điệp “be yourself”, “body positivity" “mental health awareness” nhưng khi một người dám thể hiện điều đó không theo cách số đông mong đợi thì xã hội ấy lại trở nên khó chịu. Từ khó chịu, người ta chuyển sang tấn công, lấy “góp ý” làm vỏ bọc.

Trong cuốn The Crowd: A Study of the Popular Mind (1895), Gustave Le Bon đã chỉ ra một điều đáng sợ: cá nhân khi ở trong đám đông có xu hướng đánh mất lý trí, và hành xử theo bản năng nguyên thủy nhất, mạnh mẽ, không kiểm soát, và thường tàn nhẫn hơn nhiều so với khi họ hành động đơn lẻ.

Cô gái trong câu chuyện này với tất cả những gì đúng sai, suy cho cùng cũng là một con người. Nhưng đám đông không còn nhìn thấy điều đó. Họ nhìn thấy một mục tiêu để trút những dồn nén giận dữ, để bù đắp cảm giác mình đang ở phe “đúng". Họ không nói với một con người, họ đang nói với một biểu tượng mà họ đã dựng lên từ định kiến.

Và điều đáng buồn là những người có đủ lý trí để không tham gia vào màn miệt thị đó lại thường chọn cách im lặng. Cũng theo Le Bon (1895) thì sự im lặng của số ít lý trí bao giờ cũng thua tiếng gầm của đám đông vô thức. Và khi sự im lặng trở thành thói quen thì mạng xã hội sẽ mãi là nơi lý trí rút lui còn cảm tính nhiễu loạn lên ngôi.

Sự sai lầm, nếu có, của một người phụ nữ không đội mũ bảo hiểm, cũng không nên trở thành cớ để hàng ngàn người được phép hủy hoại nhân phẩm của cô. Và sự bất đồng trong quan điểm sống không bao giờ đủ để ta gọi người khác bằng những từ như: "hà mã không cần đội mũ bảo hiểm nhé, vì nó không biết luật", "cô ấy có khối lượng đủ lớn để những vật thể đi tới cô ấy sẽ bị quay theo một quỹ đạo, thế này chỉ khổ ai húc vào cô ấy thôi", "cái mũ bảo hiểm sao vừa", "tí thấy ăn luôn cái xe", "sao mọi người lại làm quá lên nhỉ, mỡ của cô ấy giảm chấn tốt hơn mũ bảo hiểm mà". Đó không phải là phản biện. Đó là tấn công.

Trích những comment của một bài đăng trên mạng xã hội
Trích những comment của một bài đăng trên mạng xã hội

Xã hội trưởng thành không đo bằng tốc độ phán xét mà bằng giới hạn của lòng nhân từ, nhất là khi người kia không giống mình.

Có lẽ chúng ta nên hỏi lại chính mình trước khi viết một bình luận: Nếu người trong bức ảnh là chị gái mình? Con gái mình? Hoặc chính bạn ở một thời điểm yếu đuối nào đó của đời mình?

Vì nhân cách thật sự của một cộng đồng không nằm ở cách họ đối xử với người mình yêu quý mà nằm ở cách họ đối xử với người mình không ưa.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI