Hết dịch, má sẽ đi thăm hàng xóm

19/09/2021 - 14:22

PNO - Lên trông cháu, má kêu trời: “Sao các con sống xa cách với hàng xóm đến vậy? Ở đâu thì cũng phải nương nhau mà sống chứ”.

Má chồng tôi lên TPHCM chơi hè với cháu, thành ra suốt thời gian giãn cách má mắc kẹt, không về quê được. Tôi và chồng vẫn bận rộn làm việc online và má vẫn là người chăm sóc con cháu.

Vợ chồng tôi chuyển về hẻm nhỏ này mới 6 tháng, tên mọi người tôi còn chưa thuộc. Ngày má lên trông cháu, má kêu trời: “Sao các con lại sống xa cách với hàng xóm đến vậy?”.

Chồng tôi nói: “Má ơi, công việc tối ngày, về nhà thì con nhỏ… Ở đây không như dưới quê đâu má”. Má thở dài: “Ở đâu thì cũng phải nương nhau mà sống”.

Thời gian đầu giãn cách, khi thực phẩm mua khó, bao người kêu trời vì thiếu rau củ quả. Má nói tôi cắt mấy trái mướp trên sân thượng mang chia bớt cho các nhà cùng hẻm. Thùng xốp nhà tôi trồng rau, má nói cũng phải cắt bớt đi: “Mình chia cho người thiếu. Mà rau là loài cắt càng đau lên càng tốt hơn”.

Vậy là từ má, hẻm nhà tôi bắt đầu chia nhau từng cọng hành, nắm rau, gói mì. Dịch giã mà, chia sẻ với nhau để vượt khó, lo gì sau này không làm lại được. Lúc thiếu chia nhau mới quý, chứ lúc đủ đầy thừa mứa ra đâu ai quý những món đồ lặt vặt này…

Lời má nói, tôi nghe nhiều đến thuộc lòng. 

Sau những ngày căng thẳng của dịch COVID-19, thành phố nới dần giãn cách. Điện thoại bạn bè, người thân, đồng nghiệp ngoài những câu hỏi "ổn không" bắt đầu thêm những hẹn hò gặp lại. "Hết dịch gặp nhau nhé", "cà phê nhé", hoặc đơn giản hơn gặp nhau chỉ để nhìn nhau để xác lập trạng thái bình thường mới.

Má nghe những hò hẹn xa lắc của tôi với bạn bè, đợi con dâu buông điện thoại, má thủng thẳng: “Má thì đợi hết dịch sẽ đi thăm… hàng xóm”. Tôi ngạc nhiên mấy giây rồi thấy má chí lý. Cứ hẹn hò xa xôi, gần ngay hông nhà thì không nhớ tới. Suốt những ngày dịch không phải cả hẻm xúm vào bao bọc nhau đó sao.

Những lời thăm hỏi gần gũi nhất, khi nắm ngò, rau củ, khi sẻ chia những món đồ mua được hoặc được gửi từ quê ra. Thậm chí trên nhóm Zalo của cư dân trong hẻm, chỉ cần lời than “thèm cà phê quá” là sáng hôm sau bịch cà phê của ai đã để trước cửa cùng lời nhắn “dùng đỡ đi”.

Khi những lao xao bóng dáng y tế ngoài đầu hẻm là rộn ràng lời hỏi han nhau trên nhóm rồi lời cầu mong cả hẻm mình vẫn vùng xanh yên bình. Chưa bao giờ chúng tôi thấm thía câu "bán anh em xa mua láng giềng gần" đến thế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi đã không quan tâm tới câu "nương nhau mà sống" của má, cho đến khi dịch xảy ra, mới thấy hẻm mình toàn những người nghĩa tình. Anh xăm trổ nhà phía trong suốt mùa dịch cùng nhóm từ thiện đi chia gạo cho bà con. Bác ngoài đầu hẻm hay nạt nộ đám con nít mỗi chiều chạy nhảy trước nhà, hôm bữa cũng chia đồ ở quê gửi ra cho mọi người…

“Má sẽ đi thăm hàng xóm trước tiên”, má cứ thủng thẳng, chậm rãi nói. Không có má, tôi làm sao nghĩ ra được rằng, hàng xóm là những người trước hết ta phải hàm ơn.

Đinh Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI