'Hát xẩm là thương hiệu văn hóa của người Việt'

25/12/2019 - 18:30

PNO - 'Xẩm không có một làng nghề, không có nơi thờ tự cố định, không có những cộng đồng, gia đình có truyền thống hát xẩm được lưu truyền liên tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác...'- nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long.

Tôi không biết nên gọi Nguyễn Quang Long là gì: nhà nghiên cứu, nhà lý luận, ca sĩ hay nhạc sĩ; vì vai trò nào cũng đúng với anh. Nhưng điều anh tâm đắc nhất vẫn là xẩm, nên gọi “người quảng bá xẩm” có lẽ đúng nhất. Trong cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM, Nguyễn Quang Long bày tỏ: “Cũng như ca trù, quan họ, ví dặm, áo dài, phở… hát xẩm cũng là thương hiệu văn hóa của người Việt. Nếu không bảo vệ, sẽ đánh mất một phần bản sắc của văn hóa bản địa chúng ta”.

Anh vừa tạm “chốt” chặng đường hơn hai mươi năm theo đuổi nghiên cứu lẫn thực hành âm nhạc bằng album xẩm đương đại Trách ông Nguyệt lão, gồm chín bài xẩm, là những sáng tác chọn lọc của Nguyễn Quang Long từ năm 2016 đến năm 2019, trong đó có ba ca khúc dựa trên lời thơ của người khác. Trong album, bên cạnh giọng Nguyễn Quang Long, còn có sự góp mặt của NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường... 

'Hat xam la thuong hieu van hoa cua nguoi Viet'
Ngoài tái hiện nhiều bài xẩm bị thất truyền, nhóm Xẩm Hà Thành do nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sáng lập năm 2009 còn sáng tạo các làn điệu mới, hướng tới khán giả trẻ

Phóng viên: Suốt mấy năm qua, Nhà nước vẫn đang tích cực hướng tới mục đích đệ trình để UNESCO công nhận hát xẩm là “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ” nhưng chưa có kết quả. Trong khi thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa được UNESCO gọi tên ngày 13/12. Có cảm giác xẩm vẫn đang “chật vật” trên con đường để được ghi danh?

Nguyễn Quang Long: Mỗi di sản có một thực trạng riêng. Then là loại hình văn hóa được sinh ra từ hàng trăm năm trước, tồn tại cùng những thăng trầm của mỗi tộc người đã sản sinh và nuôi dưỡng nó, cụ thể là người Tày, Thái, Nùng ở miền núi phía Bắc. Then không đơn thuần là một nghệ thuật, mà tựa như cánh cửa kết nối con người với thế giới tâm linh theo cách riêng của mỗi tộc người nuôi dưỡng nó. Vì thế then có đời sống rộng khắp, có thực hành thường xuyên và hội đủ tiêu chí của một di sản được UNESCO công nhận.

Đối với xẩm, lại có đặc thù riêng. Xẩm không có một làng nghề, không có nơi thờ tự cố định, không có những cộng đồng, gia đình có truyền thống hát xẩm được lưu truyền liên tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác... Xẩm cũng không có nhiều nghệ nhân, hệ thống bài bản đang mai một gần hết và những người gắn bó với xẩm đang nỗ lực phục hồi cũng như sáng tạo những giá trị tiếp nối... Tôi nghĩ, ta cần có những việc làm cụ thể, cần thiết hơn so với việc vội nghĩ tới chuyện thiết lập một hồ sơ theo kiểu ghi danh với UNESCO.

* Nhưng một chuyên gia cũng chỉ ra rằng, không có di sản phi vật thể nào đại diện cho nhân loại cả, di sản chỉ được sở hữu bởi cộng đồng mà thôi. Cộng đồng của xẩm hiện nay như thế nào, thưa anh?

- Cộng đồng của xẩm hiện nay cũng rất đặc thù, có sự khác biệt cơ bản so với những di sản khác. Nó trải dài từ Bắc vào Trung, có mặt ở cả TP.HCM; nhưng mỗi địa phương lại chỉ có một lượng rất nhỏ người tham gia thực hành. Hầu hết, những người này không xuất thân từ gia đình có truyền thống hát xẩm, mà từ tình yêu với nghệ thuật này là chính. Song, cũng cần phải nhìn nhận điều này mới chỉ thành công ở mặt con số, còn về nghệ thuật vẫn còn rất nhiều vấn đề cần bàn đối với xẩm.

'Hat xam la thuong hieu van hoa cua nguoi Viet'
 

* Ý anh nói, việc gìn giữ, khôi phục, phát huy giá trị của loại hình này vẫn mới chỉ dừng lại ở lớp vỏ, chưa đi vào thực chất và thiếu một chiến lược tổng thể? 

- Trong những năm gần đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Cục Nghệ thuật biểu diễn, một vài địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng đã bắt đầu chú ý và có những hoạt động cho xẩm. Những hoạt động chung như Ngày di sản năm 2019 vừa qua cũng nhắc đến xẩm, có sự trình diễn của xẩm. Nhưng nhìn chung, ta thiếu một chiến lược tổng thể, hay nói chính xác hơn là chưa có.

Là một trong những người gắn bó với xẩm vài chục năm qua, tới thời điểm này, cá nhân tôi chưa từng biết đến một đề án cấp bộ nào dành cho thể loại này. Không nuôi dưỡng, không có chính sách, không có chiến lược cho nó thì sao mong nó được vực dậy để mà ghi danh với UNESCO. Chúng tôi từng rất vất vả để thuyết phục các cấp của Hà Nội, từ thành phố cho tới Ban Quản lý chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân để họ tin rằng, Hà Nội từng là một nơi rất phát triển của hát xẩm, tựa như một thứ âm nhạc đường phố của ba mươi sáu phố phường.

Cuối cùng, may mắn, một chiếu xẩm mang tên Hà Thành ba mươi sáu phố phường cũng ra đời, và tồn tại cho đến nay ở trước cửa chợ Đồng Xuân. Vì thế, cái quan trọng và cần nhất vẫn là những hành động cụ thể, can thiệp trực tiếp vào loại hình nghệ thuật này. 

* Tới nay, một vài người vẫn cho rằng, khi “báu vật” Hà Thị Cầu qua đời, cũng mang theo di sản hát xẩm về với cát bụi… 

- Đúng là “báu vật” Hà Thị Cầu rất quý, khi bà mất đã để lại một sự hụt hẫng lớn. Nhưng tôi nghĩ rằng, một cá nhân dù có vĩ đại đến đâu cũng không thể đủ bao quát cả một hành trình của loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh sự đáo để, dí dỏm trong những câu xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu, còn có những câu xẩm trữ tình, thậm chí sang trọng của cụ Trùm Nguyên (Hà Nội); xẩm trữ tình, trong sáng của một nghệ nhân Hải Phòng mà chúng tôi chỉ còn băng tư liệu, không còn được biết tên; hay của những trùm xẩm tài ba khác như Thân Đức Chinh, Vũ Đức Sắc...

Những nghệ nhân này đã về với cát bụi; khi chúng tôi vực dậy, hầu như không ai biết đến danh tiếng và tài đàn hát của họ. Từ những tư liệu âm thanh quý giá mà chúng tôi may mắn có được, chúng tôi đang cố gắng tạo nên một diện mạo mới cho xẩm, đặc biệt là sáng tạo ra những bài xẩm mới.

* Lỡ mới quá, không còn giữ được những đặc trưng của loại hình này thì sao, thưa anh? Những năm qua, ta nói không ít về câu chuyện di sản “tam sao thất bản”, mai một dần bản sắc…

- Mới ở đây là ở nội dung nói lên tâm tư, tình cảm của người đương thời; âm nhạc khai thác những tiết tấu trong xẩm phù hợp với đương thời. Tuy nhiên, xẩm vẫn là xẩm, là những gì đã được trao truyền từ quá khứ. Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh gìn giữ những điệu/bài xẩm có từ trong quá khứ, việc sáng tạo những tác phẩm mới theo dòng chảy từ cổ truyền chính là cách bảo tồn và phát huy hữu hiệu, khẳng định một nghệ thuật vẫn sống trong đời sống hôm nay.

* Cảm ơn chia sẻ của anh. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI