Vĩnh biệt "thần Xẩm" Hà Thị Cầu

03/03/2013 - 17:04

PNO - PNO - Lúc 12g30 trưa nay (3/3), cụ Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 đã từ trần sau một thời gian đau ốm.

Vinh biet
Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu - Ảnh tư liệu

Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh năm 1917 trong một gia đình ba đời hát xẩm. Đến tuổi lấy chồng, bà nhận làm lẽ (thứ 8) cho ông "trùm Xẩm" Nguyễn Văn Mậu. Từ đó, bà theo gánh Xẩm của chồng đi hát rong khắp nơi. Thời kỳ đất nước chiến tranh, cũng như nhiều loại hình diễn xướng âm nhạc truyền thống khác, hát Xẩm phải “bặt giọng” đến hàng thập kỷ. Cho đến khi cụ Hà Thị Cầu đã cao tuổi, người ta mới kịp tìm đến cụ, để phục dựng Xẩm.

Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam sau mấy năm đi điền dã, sưu tầm, cử nghệ sĩ về nghe và học từng ngón đàn, câu hát của lão nghệ nhân già - đã tìm và giữ được khoảng 100 bài Xẩm của các làn điệu. Từ người hát Xẩm duy nhất còn lại là cụ Hà Thị Cầu giờ đã có thêm “đệ tử chân truyền” là các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Văn Ty, Thúy Ngần, Thanh Bình, Xuân Hoạch…

Năm 2004, cụ Hà Thị Cầu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Hội Văn nghệ dân gian VN trao trặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. 28/1/2008, lần đầu tiên hát Xẩm được trình diễn trong không gian trang trọng của NHà hát Lớn (Hà Nội). Đêm đó, cũng là lần cuối cùng công chúng Hà Nội còn được chứng kiến “báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu biểu diễn “live”. Khi ấy, cụ đã lẩy bẩy như nến trước gió.

Cũng trong buổi biểu diễn đó, cụ Cầu được nhận giải thưởng Đào Tấn tưởng thưởng cho những đóng góp vào việc giữ gìn vốn quý nghệ thuật dân tộc (công cứu Xẩm). Cùng thời điểm đó, hồ sơ tiến cử hát Xẩm vào danh sách di sản phi vật thể của thế giới cũng được tích cực hoàn thành.

Có điều, những người chủ thực sự của các loại hình nghệ thuật dân gian hầu hết đều phải sống khốn khó và túng đói trong những ngày còn lại của tuổi già. NSƯT Thanh Ngoan nghẹn ngào kể: “Cụ Cầu sống cùng con gái trong một túp nhà dột nát. Mùa đông của miền Bắc buốt giá với sương muối, cụ Cầu thường ngồi co ro giữa khung cửa trống, đến một tấm đệm nằm để chống đỡ cái rét, con cái cụ cũng không đủ tiền để mua cho mẹ. Mẹ Cầu nói với tôi: "Con ơi, cả đời đi hát mẹ chỉ ước có mụn vàng đeo ở tai thôi. Rồi mẹ vạch cho tôi xem, gia sản tích cóp đời mẹ chỉ là một mẩu bạc bằng hạt đỗ lắt lẻo trên vành tai. Ước ao bé mọn của cụ nghệ nhân khiến tất cả chúng tôi hôm ấy đều ứa nước mắt”.".

Cho đến ngày nghệ nhân Hà Thị Cầu từ giã cõi đời, cuộc sống của cụ vẫn chưa một ngày thoát khỏi cảnh túng khổ, gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo khó nhất của xã Yên Phong (Yên Mô - Ninh Bình). Có lẽ, đó sẽ là điều day dứt không yên với những người yêu Xẩm và ngưỡng mộ tài năng của “thần Xẩm” Hà Thị Cầu.

Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu sẽ diễn ra từ 7g, ngày 4/3, an táng sáng 5/3 tại nghĩa trang Đàm Thuần - Yên Mô, Ninh Bình.

QUỲNH LAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI