Hàng triệu phụ nữ có thai ngoài ý muốn vì đại dịch COVID-19

20/08/2020 - 15:38

PNO - Vài tháng sau đại dịch, nhiều phụ nữ đã phải mang thai ngoài ý muốn do không nhận được biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu đứng trước nguy cơ không thể tiếp cận các dịch vụ ngừa, phá thai. Những số liệu đầu tiên công bố về hậu quả của tình trạng cách ly xã hội kéo dài nhiều tháng ngoài dự kiến ở Ấn Độ cho thấy quốc gia này đang gánh chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Trong báo cáo mới của tổ chức Marie Stopes International, trên khắp 37 quốc gia, chưa có đến 2 triệu phụ nữ (trong đó 1,3 triệu người riêng ở Ấn Độ), nhận được dịch vụ ngừa, phá thai  so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức này dự kiến ​​sẽ có 900.000 ca mang thai ngoài ý muốn trên toàn thế giới, cùng với 1,5 triệu ca phá thai không an toàn và hơn 3.000 ca sản phụ tử vong.

Bà Kathryn Church thuộc tổ chức Marie Stopes International cho biết, nếu các dịch vụ này cũng bị chững lại ở các khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, con số này “có thể sẽ lớn hơn rất nhiều lần”.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới trên 2/3 trong số 103 quốc gia cho thấy, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và tránh thai từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, đang có sự gián đoạn. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (U.N. Population Fund, viết tắt là UNFPA) cảnh báo có tới 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn toàn cầu.

Tình trạng cách ly xã hội, hạn chế đi lại, gián đoạn chuỗi cung ứng, sự thay đổi ồ ạt các nguồn lực y tế sang hỗ trợ chống COVID-19 và nỗi lo lây nhiễm tiếp tục đang khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái không thể tiếp cận với các biện pháp cần thiết.

Tình trạng mang thai ở lứa tuổi vị thành niên ở Kenya cũng tăng vọt . Bà Diana Kihima thuộc Trung tâm Xúc tiến Phụ nữ cho biết, một số phụ nữ trẻ ở khu ổ chuột Kibera tại thành phố Nairobi đã tìm đến các biện pháp phá thai nguy hiểm bằng kính vỡ, gậy và bút. Hậu quả là, hai người tử vong và một số phụ nữ mất khả năng thụ thai.

Hình ảnh các áp-phích phòng khám phá thai được dán khắp con phố Johannesburg, Nam Phi - Ảnh: AP
Hình ảnh các áp-phích phòng khám phá thai được dán khắp con phố Johannesburg, Nam Phi - Ảnh: AP

Theo Hiệp Hội Kế hoạch hóa gia đình Quốc tế (International Planned Parenthood Federation, viết tắt là IPPF), ở một số khu vực của Tây Phi, tỷ lệ cung cấp biện pháp ngừa thai đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trong giai đoạn cách ly xã hội, một số quốc gia đã xem các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục là không cần thiết và từ chối cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái. Tại một bệnh viện công ở siêu đô thị Mumbai, Ấn Độ, bác sĩ Shewetangi Shinde hiện đang chăm sóc một sản phụ không thể chấm dứt thai kỳ do thai nhi đã quá lớn. Nguyên nhân là, người phụ nữ này không thể tìm thấy dụng cụ thử thai do lệnh cách ly xã hội từ tháng 3, và cũng không có phương tiện để đến cơ sở dịch vụ kịp thời.

Vào tháng 1 vừa qua, Ấn Độ đã bắt đầu thông qua một đề xuất sửa đổi Đạo luật chấm dứt thai kỳ y tế, qua đó, cho phép phụ nữ được chấm dứt thai kỳ lên đến 24 tuần thay vì 20 tuần. Tuy nhiên, đại dịch đã làm gián đoạn việc sửa đổi luật.

Theo bác sĩ Shewetangi Shinde, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lệnh cách ly xã hội kéo dài ngoài dự kiến. Hiện nay, nhiều phụ nữ phải đối mặt với việc phá thai ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai (tuần 13 - tuần 28 của thai kỳ), tốn kém hơn và phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, một số biện pháp ngừa thai vẫn đang bị trì hoãn do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Theo ông Chris Purdy, Giám đốc điều hành của tổ chức tiếp thị xã hội DKT International cho các sản phẩm kế hoạch hóa gia đình cho biết, mặc dù dây chuyền sản xuất đã trở lại hoạt động, nhưng các tuyến đường vận chuyển đông đúc và các cảng tắc nghẽn với các đơn đặt hàng từ trước chưa chuyển đi được.

Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ đang chật vật tìm ra giải pháp như điều trị từ xa, giao thuốc ngừa thai tận nhà và hỗ trợ chấm dứt thai kỳ tại gia.

Các chuyên gia nói rằng tác động thực sự của việc cách ly xã hội lên toàn cầu sẽ trở nên rõ ràng khi nhận được báo cáo hàng năm từ các bộ y tế. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, thống kê này có thể vẫn không chính xác. Bộ Y tế Haiti báo cáo rằng tỷ lệ sinh trong tháng 5 tại các cơ sở y tế đã giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều phụ nữ đang chọn giải pháp sinh tại nhà, nhưng những ca tử vong lại không được ghi nhận.

Phương Dung

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI