Hàng triệu người Mỹ không thể nghỉ hưu

14/12/2021 - 12:36

PNO - Theo ước tính của Cục Thống kê lao động Mỹ, số người lao động từ 75 tuổi trở lên ở quốc gia này dự kiến sẽ tăng 96,5% trong thập kỷ tới. Thậm chí một số người Mỹ lớn tuổi còn nói rằng họ sẽ phải “làm việc cho đến khi chết”.

Bà Maria Rios, 75 tuổi, đã làm công việc chuẩn bị suất ăn cho nhà thầu HMS Host tại sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbour trong 17 năm. Công việc này đem lại cho bà thu nhập 14,50 USD/giờ.

Nhiều người cao tuổi ở Mỹ phải tiếp tục làm việc ở độ tuổi nghỉ hưu để nuôi thân
Nhiều người cao tuổi ở Mỹ phải tiếp tục làm việc ở độ tuổi nghỉ hưu để nuôi thân

Chồng bà đã nghỉ hưu và chỉ nhận được trợ cấp an sinh xã hội khoảng 400 USD mỗi tháng. Bà Rios cũng muốn nghỉ hưu, nhưng không thể làm điều này, ngay cả khi bà đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng.

Khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ, bà Rios là một trong số hàng ngàn lao động trong ngành dịch vụ thực phẩm bị sa thải, và bà chỉ mới được gọi trở lại làm việc cách đây vài tháng.

Trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, bà Rios và chồng phải dựa vào các “ngân hàng lương thực” để sinh sống. Vì mất cả bảo hiểm lẫn việc làm, bà đã phải bỏ qua các đợt điều trị ung thư cho đến khi nhận được bảo hiểm y tế Medicare, nhưng vẫn phải trả hàng trăm USD tiền túi để điều trị.

“Ở tuổi 75, tôi vẫn phải làm việc để kiếm sống qua ngày. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà công ty cung cấp quá đắt, và họ vẫn chưa cung cấp một gói bảo hiểm sức khỏe có chi phí vừa phải hơn. Điều quan trọng là những người như tôi phải có lương hưu, để có thể về hưu nhưng đảm bảo được một cuộc sống đàng hoàng”, bà Rios chia sẻ và cho biết hiện vẫn phải trả khoảng 200 USD mỗi tháng chi phí bảo hiểm sức khỏe.

Gần đây, bà và các đồng nghiệp đã đình công trong 10 ngày, đấu tranh đòi mức lương cao hơn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp lý hơn và tiền lương hưu.

Bà Rios là đại diện cho hàng triệu người Mỹ lớn tuổi vẫn phải làm việc trong những năm tháng cuối đời để nuôi thân.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, trong thập kỷ tới, số lượng người lao động từ 75 tuổi trở lên ở nước này dự kiến ​​sẽ tăng 96,5%, có nghĩa là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm này ​​sẽ tăng từ 8,9% vào năm 2020 lên 11,7% vào năm 2030. Và đến năm 2040, dân số Mỹ từ 65 tuổi trở lên dự kiến ​​sẽ tăng lên hơn 80 triệu người (năm 2019, con số này là hơn 54 triệu người).

Khi số người cao tuổi ở Mỹ ngày càng tăng, việc tham gia vào các chương trình hưu trí đã giảm kể từ năm 2000. Gần một nửa số gia đình ở Mỹ không có bất kỳ khoản tiết kiệm hưu trí nào, và chênh lệch về khoản tiết kiệm hưu trí giữa những người Mỹ hiện đã lớn hơn nhiều so với chênh lệnh về thu nhập chung của người dân nước này. Hơn 15 triệu người từ 65 tuổi trở lên đang bị bất ổn kinh tế, với thu nhập dưới 200% mức nghèo của liên bang, trong đó đa số là người da màu, người gốc Tây Ban Nha và phụ nữ.

“Tôi không có tiền tiết kiệm, không có tài sản, thậm chí tôi còn không mua nổi căn nhà mà tôi đã thuê trong 15 năm. Tôi sẽ không bao giờ có đủ khả năng để nghỉ hưu”, bà Lisa Natale, 65 tuổi, một bác sĩ chỉnh hình ở Hawaii, người đã từng đi học khi là một bà mẹ đơn thân, than thở.

Theo nhận định của tờ The Guardian, với mức trợ cấp hưu trí an sinh xã hội trung bình trong năm 2021 ước tính là 1.543 USD/tháng, khi chi phí sinh hoạt được điều chỉnh tăng 5,9% vào năm 2022, dự kiến hàng triệu người Mỹ đang phụ thuộc vào các khoản trợ cấp này buộc phải tiếp tục làm việc trong độ tuổi nghỉ hưu để kiếm sống.

Theo một số liệu thống kê khác, hiện có gần 9 triệu người Mỹ trên 50 tuổi vẫn chưa thể trả hết các khoản vay thời sinh viên, và tổng số tiền nợ của nhóm này đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Trong năm 2015, đã có 40.000 người Mỹ dùng các khoản trợ cấp hưu trí an sinh xã hội để trả bớt các khoản vay sinh viên.

Bà Jane Switchenko, 63 tuổi, ở bang Massachusetts, và người chồng 68 tuổi của bà không đủ khả năng để nghỉ hưu, một phần là do cả hai vẫn chưa trả hết các khoản nợ vay của chính bản thân khi còn là sinh viên, và cả khoản vay để cho các con học đại học.

“Tôi và chồng có thể phải làm việc cho đến khi chết. Chúng tôi không những không thể nghỉ hưu, mà còn không có khả năng sửa chữa ngôi nhà cũ của mình. Chúng tôi có 5 đứa cháu và không biết mình sẽ mua được gì cho chúng vào dịp Giáng sinh sắp tới”, bà Switchenko lo lắng.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI