Người cao tuổi bất an trong đại dịch COVID-19

19/09/2021 - 06:53

PNO - Không chỉ dễ gặp biến chứng khi mắc COVID-19, giữa đại dịch này, người cao tuổi còn đối mặt với nhiều thách thức về tinh thần cũng như những căn bệnh khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Loạn thần vì lo sợ COVID-19

Gần đây, do ảnh hưởng của COVID-19, cụ N.T.M. (88 tuổi, Hà Nội) thường xuyên lo lắng khi công việc làm ăn của con cháu bị ngưng trệ, ảnh hưởng tới thu nhập. Bên cạnh đó, vì e ngại dịch bệnh có thể tấn công trong khi bản thân có nhiều bệnh nền (tim mạch, tiểu đường…), cụ căng thẳng đến mất ngủ.

Khi Hà Nội giãn cách, cả nhà phải ở nhà tránh dịch… tình trạng của cụ ngày càng trầm trọng.

Người cao tuổi là đối tượng chịu nhiều tác động, đặc biệt về mặt tinh thần trong đại dịch COVID-19
Người cao tuổi là đối tượng chịu nhiều tác động, đặc biệt về mặt tinh thần trong đại dịch COVID-19

Ngoài trạng thái âu lo, ở cụ còn có nhiều dấu hiệu xấu khác về sức khỏe tâm thần.

Phó giáo sư - tiến sĩ Tô Thanh Phương - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - chia sẻ: “Gia đình cụ M. vô cùng lo lắng bởi hằng đêm cụ không ngủ được, luôn ám ảnh có trộm vào nhà để lấy đồ. Cứ 5 - 10 phút, cụ lại đi kiểm tra hết các chốt cửa từ trên xuống dưới; thậm chí nghe tiếng chuột chạy, cụ cũng nghĩ kẻ trộm vào nhà”.

Do cụ M. cứ lục đục “tìm trộm” mỗi đêm nên các thành viên trong gia đình cũng mệt mỏi và bị mất ngủ theo.

Tương tự cụ M., bà P.H.T. (75 tuổi, Hà Nam) rơi vào tình trạng trầm cảm do tác động của COVID-19. Vốn tuổi cao lại thêm bệnh huyết áp, tim mạch, bà luôn lo âu, sợ tiếp xúc với người ngoài. Tuy nhiên, do ở trong nhà quá nhiều, không vận động, ít luyện tập thể thao như trước nên bà hay đau mỏi cơ thể kèm theo mất ngủ kéo dài.

Khi thấy mẹ ngày càng ít nói, buồn bã, ăn uống suy giảm, các con bà đã nhờ bác sĩ thăm khám để giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của bà.

Bác sĩ Tô Thanh Phương cho hay, các trường hợp trên chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân cao tuổi cần hỗ trợ tâm lý trong mùa dịch vừa qua.

“COVID-19 có thể xem như cú sốc tâm lý lớn với người cao tuổi. Sự căng thẳng của bệnh dịch, những khó khăn về kinh tế tác động tới tư tưởng của người già một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, trong thời gian qua, thông tin về các ca tử vong chủ yếu là người có tuổi và bệnh nền càng khiến các cụ lo lắng bởi ở nước ta, độ tuổi khoảng 65 trở lên mắc bệnh nền khá phổ biến”, bác sĩ Tô Thanh Phương phân tích.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều người vẫn đi làm trong khi con cái nghỉ học nên phải gửi con về quê để ông bà trông nom, chăm sóc hay nhiều trường hợp cha mẹ mắc COVID-19 hoặc trở thành F1 phải đi cách ly, ông bà phải làm chỗ dựa cho các cháu trong điều kiện kinh tế khó khăn và nhiều mối lo về nguy cơ lây nhiễm.

“Ở người trẻ, giới hạn chịu đựng thường tốt hơn trong khi với người cao tuổi, sức chịu đựng lại có hạn. Với các gia đình có kinh tế eo hẹp, gánh nặng này càng đè nặng trên vai các cụ và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần”, bác sĩ Tô Thanh Phương nhấn mạnh. 

Để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi trong đại dịch, mối quan hệ trong gia đình đóng vai trò quan trọng. Thay vì để người cao tuổi xem ti vi quá nhiều, nên tạo cho họ những thú vui nhỏ như chăm cây, nuôi cá, tích cực tập thể dục tại nhà… “Người già thường dễ suy nghĩ trước mọi vấn đề. Vì vậy, con cái nên hạn chế kể những khó khăn về cuộc sống, kinh tế…  Bên cạnh đó, nên hạn chế để người già xem, nghe quá nhiều thông tin tiêu cực liên quan tới bệnh dịch để tránh tình trạng lo sợ quá mức.

Đặc biệt, khi thấy ở các cụ xuất hiện những biểu hiện khác thường, thay đổi tâm lý, đặc biệt là các dấu hiệu mất ngủ, chán nản, kém ăn… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị kịp thời, tránh kéo dài khiến bệnh tình tăng nặng, khó điều trị”, bác sĩ Tô Thanh Phương khuyến cáo. 

Nguy cơ nhập viện vì tai nạn sinh hoạt

Ngoài các ảnh hưởng về tinh thần, người cao tuổi còn có nguy cơ gặp tai nạn do sinh hoạt trong dịch COVID-19. Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM) ghi nhận số trường hợp bệnh nhân lớn tuổi té ngã gia tăng.

Người cao tuổi nên duy trì luyện tập thể dục tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo sức khỏe và giúp tinh thần thư thái
Người cao tuổi nên duy trì luyện tập thể dục tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo sức khỏe và giúp tinh thần thư thái

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.K.H. (81 tuổi, TPHCM). Trước khi nhập viện bốn ngày, cụ H. bị vấp ngã nhưng vẫn đi lại được dù khó khăn. Vì lo sợ dịch bệnh, gia đình không đưa cụ đi bệnh viện khám.

Hai ngày sau đó, vết thương chưa kịp hồi phục, bệnh nhân lại tiếp tục ngã trong nhà vệ sinh. Lần này, bà không thể đi lại được vì đau đớn. Các bác sĩ cho hay, do bệnh nhân bị gãy kín cổ xương đùi trái, di lệch nhiều mà không thể nắn chỉnh được như người trẻ nên phải thay khớp háng. 

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - cảnh báo việc trì hoãn điều trị chấn thương té ngã ở người già có thể làm mất đi "thời gian vàng" chẩn đoán và điều trị, làm tăng nguy cơ tàn phế và giảm tuổi thọ. Do đó, các gia đình nên cố gắng đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho hay tâm lý lo sợ bị lây nhiễm COVID-19 khiến người dân e ngại đến bệnh viện, ngay cả trong nhiều tình huống phải cấp cứu.

Đơn vị này từng ghi nhận một bệnh nhân nam (85 tuổi, TP. Hà Nội) tử vong vì đến muộn khi trải qua đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi đưa tới bệnh viện, cụ ông đã ngưng tuần hoàn khoảng 20 phút. Sau nỗ lực cấp cứu hơn 15 phút, tuần hoàn của bệnh nhân được tái lập và tiếp tục hồi sức tích cực. Tuy nhiên, một ngày sau, bệnh nhân tử vong vì suy đa tạng.

Rất nhiều trường hợp khác do nhập viện muộn dẫn đến việc để lại những di chứng nặng nề. Đặc biệt ở người cao tuổi, việc phục hồi các chức năng rất khó khăn, chậm hơn so với thông thường. Do đó, phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo các gia đình cần liên hệ thường xuyên với bác sĩ, đưa người cao tuổi tới bệnh viện kịp thời, tránh để lại những hậu quả đau lòng. 

Duy trì tập luyện thể thao trong mùa dịch như thế nào?

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), người cao tuổi thường suy giảm dần về sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng của cơ xương, cơ tim. Lối sống tĩnh tại, ít vận động càng làm cho sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bệnh tật. Do đó, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhóm đối tượng này vẫn cần luyện tập thể lực đều đặn, giúp tăng cường sức khỏe.

Người cao tuổi nên rèn luyện sức khỏe đều đặn từ 3 - 5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 20 - 60 phút, mức độ vừa phải. Ngoài ra, do người cao tuổi thường có các bệnh mạch vành, cao huyết áp, bệnh thoái hóa xương khớp... người thân nên hướng dẫn người cao tuổi cách tự theo dõi và phát hiện triệu chứng của các căn bệnh trên để ngừng luyện tập ngay nếu các triệu chứng này xuất hiện.

Theo tài liệu Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Bộ Y tế có rất nhiều bài tập dễ thực hiện, thuận tiện và không tốn kém cho người cao tuổi như: nâng tạ với các động tác gập/duỗi khuỷu tay, dạng vai (từ 7 - 15 lần cho mỗi động tác, lặp lại ba hiệp), đứng lên ngồi xuống (7 - 15 lần tùy tình trạng sức khỏe), các bài tập thăng bằng...

Trong đó, các bài tập thăng bằng, tập khỏe cơ nên tập ba buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút. Có thể chia ngắn thành các buổi tập 10 - 15 phút đối với người cao tuổi có sức khỏe yếu. 

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI