Hạn, mặn - điệp khúc đắng của đất chín rồng: Ngắc ngoải cầu mưa

23/02/2016 - 07:57

PNO - Ruộng vườn khô cháy. Dân sinh bị đảo lộn. Những cánh đồng trơ người, chỉ có đó cái nhìn trừng trừng bất lực. Tay trắng và lòng đắng.

Han, man - diep khuc dang cua dat chin rong: Ngac ngoai cau mua
Những người dân này giờ chỉ biết kêu trời

Sẽ không còn niềm vui mùa màng với những vựa lúa, rau trái tít tắp chân trời, khi nước mặn tấn công sớm và dữ dằn đẩy dân đồng bằng sông Cửu Long vào cảnh lao đao chưa từng có. Ruộng vườn khô cháy. Dân sinh bị đảo lộn. Những cánh đồng trơ người, chỉ có đó cái nhìn trừng trừng bất lực. Tay trắng và lòng đắng. Nước mặn hay nước mắt người dân đang chảy? Họ không dám nghĩ, chỉ biết cầu cho mưa đến sớm.

Lúa, rau chết cháy; nước uống phải dè xẻn; sinh hoạt đành dùng nước mặn… Đứng nhìn cánh đồng mình đã đổ bao mồ hôi và hy vọng từ từ chuyển màu xanh sang đen, không ít người đã buông câu: Kiểu này bỏ ruộng thôi. Nhưng bỏ ruộng thì làm gì đây…

Sợ hãi trong cơn khát

“Tôi vừa đi ăn giỗ dưới Ba Tri về, cháy đen te tua tanh banh hết trọi rồi, kiểu này bỏ ruộng thôi”. Như chực sẵn, khi tôi vừa tấp xe vào hỏi, thì anh Phạm Văn Thông ở ấp Tân Phước, xã Tân Thanh, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã trả lời như thế. “Đó anh coi, cứng như dừa mà mặn nó còn bứt được cổ trên, trái nhỏ hư hết, ra bông nhưng không đậu trái, thì lúa, rau sao có cửa! Giờ dừa trái bự mà ăn hết thì coi như xong. Chuối cũng khô cháy luôn”.

Mặn tấn công trước tết đã “chà” sạch 3,5 công lúa của anh. “Trắng tay rồi, giờ không dám làm gì hết. Tắm giặt nước mặn, nước mưa dự trữ thì để nấu ăn. Tụi tôi mua nước suối uống cả tháng nay rồi, 10.000đ/bình”.

Tôi hỏi: “Mỗi lần kêu chở nước, vợ nhăn không?”. Hàm răng xỉn vàng vì khói thuốc và nước phèn trên gương mặt ốm dài đen đúa nhe ra: “Bước ra ngõ thì thấy lúa mà rầu, vô nhà thấy vợ cứ im im, mình hổng dám ho”.

Mặn. Đi đâu cũng nghe mặn. Điệp khúc người miền Tây, nhất là vùng sát biển, đâu có lạ. Năm nào cũng mặn, nhưng năm nay bất ngờ vì quá sớm và vào sâu trong đất liền. Theo ký ức người già như ông Lê Văn Hữu (79 tuổi, xã Vĩnh Hòa, H.Ba Tri), thì rất lâu rồi mới có hiện tượng này. “Quá bất ngờ đó chú, bình thường tháng Hai âm lịch mới có. Lâu lắm không nhớ cụ thể, có một lần, nhưng vô là nó giật ra liền hà, sau đó là mưa. Kiểu này khiến dân tụi tôi chết đứng”.

Không đứng mà ngồi xổm giữa ruộng, mắt lúc trừng trừng, lúc mông lung nhìn khách như bóng nắng đổ sập giữa trưa, ông Thái Văn Phú, ấp Vĩnh Đức Đông, xã Vĩnh Hòa lặng im như dấu hỏi. Tôi nhìn bàn chân đen nhẻm bùn phèn của ông, ngón toe ra như muốn trồi lên mà lại bị một lực hút vô hình cố lôi xuống những đường đất nứt nẻ khô cứng gần lọt bàn chân con nít, nghĩ đến những người như ông đang bị “hố đen” nuốt dần. Đó là hố đen của bất lực và sợ hãi trong cơn khát.

Han, man - diep khuc dang cua dat chin rong: Ngac ngoai cau mua
Tuyến đê này vỡ đã gây tai họa cho dân cồn thanh long ở Quới Thiện (Vĩnh Long)

“Bốn công đất thuê coi như đổ biển. Bắp nghẹn không trổ cờ được. Đất mướn đó chú, hai triệu/công, giờ bỏ chứ ai dám làm nữa, mà kiểu này sang năm đố ai dám thuê đất. Lúa cháy, cắt cho bò nó cũng không thèm ăn vì mặn đắng. Thiệt đó chú, cắt lúa cho bò ăn mà lòng cay đắng. Xóm tôi có thằng Dũng, thuê hai công đất trồng rau muống, mọc hai tháng chỉ có cọng mà không có lá”.

“Không làm ruộng nữa, chú làm chi?”. “Làm gì hả, thì biết làm gì, mà nông dân không làm ruộng thì làm gì?”. Ông Phú bỗng bật cười, nụ cười như kẻ thua bạc, lộn túi ra về nhưng lần khần đứng ngó lại. Một nụ cười chua chát. Mồ hôi hay nước mặn ứa ra trên trán ông, rơi lã chã xuống nền ruộng trắng bạc. Hình như tôi nghe một tiếng “xèo” mặn chát…

Một chiếc xe chở nước chạy tới. Trả lời khách như chẳng đặng đừng, anh Đoàn Văn Cảnh, ấp 3, xã Ân Đức, H.Ba Tri, nhát gừng: “Bốn công lúa tiêu hết rồi, coi như mất 10 triệu đã bỏ vô đó, mà đây là vụ chính; nước mua mỗi khối 20.000đ để tắm giặt, nấu ăn, mà nước lợ nghen, không phải ngọt hết đâu; nước suối thì không tính hết được, tết giờ xài hết 15 bình rồi”. “Anh có nuôi bò không? Nó xài nước gì?”. “Thì tôi cũng cho nó uống nước mua này, đâu dám cho uống nước mặn, của cải giờ trông vô bò, có chuyện gì tiêu đời nó là chết mình luôn. Ai vui tết không biết chứ tôi nghẹn họng trước tết đến giờ. Cây kiểng lỡ tưới mà không biết, queo luôn”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI