Hà Nội khôi phục loa phường: Có là chuyện bình thường mới?

27/07/2022 - 10:49

PNO - Thông tin Hà Nội sẽ khôi phục loa phường đang gây ồn trên mạng xã hội ở khắp Việt Nam, xem chừng âm lượng sự kiện tạo ra cũng chẳng kém thứ tiếng loa “huyền thoại” ấy.

Những năm Hà Nội kháng chiến, tiếng loa phát âm thanh báo động khắp phường xã để báo hiệu có máy bay Mỹ ném bom, ắt hẳn cũng đã từng cứu sống biết bao sinh mạng quân dân Hà Nội. Thời bao cấp ở Hà Nội, tiếng loa phường chắc hẳn cũng luôn là “tiếng lòng” của nhiều gia đình, với nhiều loại thông tin góp phần cải thiện đời sống.

Và dường như “huyền thoại” ấy cũng đã phát huy tính huy hoàng đã từng, sau mấy mươi năm vẫn chạy tốt đến gần cuối thế kỷ 20, trong công tác kêu gọi phòng chống dịch COVID-19 bùng phát vào đầu thế kỷ 21 giữa thủ đô.

Nhiều người phản đối khi Hà Nội khôi phục loa phường
Nhiều người phản đối khi Hà Nội khôi phục loa phường

Thế nhưng, khôi phục loa phường trong bối cảnh "bình thường mới", như Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022- 2025 mới vừa được thành phố Hà Nội ban hành, lại là câu chuyện khác. 

Sự cần thiết của loa phường có không? Ở mức độ nào đó, vẫn có, như dưới góc nhìn thiết thực, sát sườn đời sống đương đại của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu, người từng có 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu về hạn hán, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và sinh kế - về loa phường ở Nhật Bản.

Đó là câu chuyện về một trận động đất lớn chưa từng có và sóng thần cao hơn 10m, ập vào vùng ven biển phía đông bắc của Nhật Bản (chiều ngày 11/3/2011). Khi ấy, toàn bộ hệ thống loa ở vùng ven biển nơi này đã được tự động phát đi thông báo mang tính cảnh báo khẩn cấp (về lý thuyết, chỉ cần khoảng 7 giây thì thông điệp cảnh báo thiên tai bằng loa kiểu này có thể truyền đến toàn bộ nước Nhật). Cơn thiên tai kép năm ấy đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người dân Nhật, nhưng chính phủ Nhật ước lượng số nạn nhân thiệt mạng sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu không có hệ thống loa cảnh báo thiên tai. Bởi, điện thoại thông minh có kết nối 3G, mạng liên lạc internet, tất cả đều thúc thủ khi hệ thống nghẽn mạng, tê liệt vì quá tải người dùng thông báo truyền tin cho nhau kiểu đơn lẻ, tự phát.

Hẳn nhiên, Hà Nội ít xảy ra động đất cấp độ cao như nước Nhật, lại càng không phải đối phó với sóng thần. Có chăng là vấn nạn vỡ đê bao ở khu vực ngoại thành Hà Nội, từ các sông lớn như sông Hồng và sông Thái Bình mùa bão lũ. 626,5km đê được phân cấp và 132,8km đê chưa phân cấp, trước giờ vẫn thường bị sạt lở nghiêm trọng, nơi này nơi kia. Hệ thống loa cảnh báo từ cấp phường cấp quận cho tới cấp toàn thành có thể phát huy tác dụng, với trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng về dân sinh này.

Thế nhưng, có vẻ như với mục tiêu của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022- 2025, về Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở lại không tiệm cận với nhịp sống thủ đô, nhất là trong thời đại kỹ thuật số, nói chi chuyện đáp ứng nguyện vọng này kia cho phù hợp khuynh hướng chuyển đổi số - ứng dụng vào cuộc sống thường ngày.

Dễ dàng nhận thấy, mọi phản ứng của người dân về tình trạng lợi bất cập hại từ hệ thống loa phường đặc thù của Việt Nam, không phải bây giờ mới có mà được lại đi lặp lại năm này tháng nọ, mỗi khi địa phương nào đó lại có ý định. Phản ứng đó xuất phát từ nội dung phát, thời gian phát, cường độ và mật độ phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân của hệ thống loa phường trước nay ở nhiều tỉnh thành, chứ không chỉ riêng tại thủ đô Hà Nội. Hiện tại, đó là một mối quan hệ lạt lẽo và hoàn toàn thiếu độ rung cảm thiết yếu với nhau, hoàn toàn khác rất nhiều so với vai trò mà từ đó loa phường trở thành "huyền thoại". 

Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn (noise pollution) dẫn đến các kiểu chấn thương âm thanh thứ phát - đối với thị dân Việt Nam, vẫn đang ngày ngày diễn ra. Những chiếc loa kẹo kéo vẫn đang "tra tấn" các khu dân cứ mỗi ngày; ở các nước tiên tiến, hệ thống chống âm trên các tuyến đường đi qua khu dân cư từ lâu không còn xa lạ, nhưng đến hiện tại vẫn rất lạ xa với người dân Việt Nam; quán xá vẫn vô tư xả hết âm thanh và xem đó như một điều không thể thiếu... Loa phường, một dạng âm thanh mà người dân phải dung nạp bị động và không thể từ chối, đã từng khiến không ít người bị  đánh thức khi cần ngủ sau 1 ngày tăng ca, bị "trấn áp" khi đang cần tĩnh lặng... ngay chính trong ngôi nhà mình. Phải chịu đựng đủ loại âm thanh quá ngưỡng là điều dường như đang diễn ra mỗi ngày tại nhiều khu dân cư, dù rằng những hệ luỵ của nó về sức khoẻ đã có rất nhiều nghiên cứu công bố.

Từ năm 2001, Việt Nam đã chính thức tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống tiếng ồn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động, là ngày 25/4 hằng năm. Đến hệ thống các sân bay cũng bỏ đi loa gọi tên hành khách, hà cớ gì lại đi khôi phục loa phường?

  

Phước Châu

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI