Giúp phụ nữ an toàn khi đi xe buýt, tàu điện

23/11/2023 - 17:31

PNO - Phụ nữ là đối tượng của những kẻ có hành vi khiếm nhã như nhìn chằm chằm, trêu chọc, đụng chạm, chèn ép, chụp lén… trên đường phố hoặc khi tham gia giao thông công cộng. Điều này tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của họ. Nhiều quốc gia đã có chính sách giải quyết vấn đề này.

Nguy cơ rình rập

Theo một cuộc khảo sát mới do cảnh sát giao thông Anh (BTP) thực hiện, hơn 1/3 phụ nữ tại xứ sở sương mù từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục khi đi làm bằng tàu hỏa hoặc tàu điện ngầm. Trong đó, 51% nạn nhân nhận được sự giúp đỡ từ các hành khách khác xung quanh, nhưng chỉ có 18% người chứng kiến trình báo vụ việc cho cảnh sát.

Một toa tàu dành riêng cho hành khách nữ ở Nhật Bản - Nguồn ảnh: Reuters
Một toa tàu dành riêng cho hành khách nữ ở Nhật Bản - Nguồn ảnh: Reuters

Dữ liệu về tội phạm tại Anh, xứ Wales và Scotland cũng cho thấy: hầu hết các vụ tấn công, quấy rối tình dục nhắm vào phụ nữ xảy ra trong giờ cao điểm buổi tối từ 17-19 giờ trên các toa tàu đông đúc. Giám đốc bộ phận điều tra của BTP - Paul Furnell - cho biết: “Chúng ta đều nói với người thân hoặc bạn bè là nữ giới rằng họ cần cẩn thận trên đường về nhà, khi di chuyển một mình vào đêm khuya; nhắc nhở họ chia sẻ hành trình và tránh nơi tối đèn. Thế nhưng dữ liệu chỉ ra rằng, quấy rối và xúc phạm tình dục có thể xảy ra vào bất kỳ giờ nào trong ngày, đặc biệt là vào những giờ cao điểm, khi các toa tàu chật kín". 

Theo một nghiên cứu khác của tổ chức Plan International (trụ sở chính tại Anh) vào năm 2023, có 83% trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 15-25 ở Hà Lan từng bị quấy rối tình dục trên đường phố. 30% trong số họ bị tấn công tình dục, 26% bị rượt đuổi và 46% bị trêu ghẹo khi đi bộ trên đường hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vì sợ bị quấy rối, gần 2/3 số nạn nhân phải giả vờ sử dụng điện thoại, 1/3 phải nắm chặt chìa khóa để có thể chống trả khi cần, 1/3 phải thay đổi cách ăn mặc khi ra đường.

Nhìn chung, 2/3 nạn nhân cảm thấy kiểu quấy rối tình dục này làm hạn chế quyền tự do cá nhân, khiến họ tránh né các phương tiện giao thông công cộng, ngại tham gia câu lạc bộ thể thao, thậm chí là di chuyển đến trường học hoặc nơi làm việc.

Garance Reus-Deulder - Giám đốc Plan International tại Hà Lan - cho biết, quấy rối tình dục trên đường phố có thể dẫn đến nỗi sợ hãi, tổn thương và những thay đổi sâu sắc trong nhận diện hình ảnh bản thân của phụ nữ. Bà Reus Deulder nói thêm: "Tình trạng đó phải dừng lại. Các cô gái và phụ nữ trẻ cần được phát triển toàn diện, không bị quấy rối".

Toa tàu dành riêng cho phụ nữ 

Năm 2000, TP Mexico (Mexico) đã có các toa tàu dành riêng cho phụ nữ vào hệ thống tàu điện ngầm của mình. Sáng kiến này nhanh chóng lan rộng tới Tokyo (Nhật Bản), Lahore (Pakistan) và Rio de Janeiro (Brazil). Các toa tàu điện ngầm dành riêng cho hành khách nữ đã giúp phụ nữ ở Nhật Bản thoát khỏi nỗi sợ bị quấy rối tình dục trong quá trình đi lại hằng ngày.   

Giờ đây, việc thiết kế giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu của hành khách nữ là trọng tâm cho những thay đổi trong thiết kế đô thị. Tiến sĩ Kalpana Viswanath - một nhà quy hoạch đô thị tại bang Haryana (Ấn Độ) - cho rằng, giao thông công cộng được thiết kế có chủ ý dành cho phụ nữ là điều cần thiết để xây dựng cộng đồng bền vững. Tiến sĩ Viswanath cho biết: “Nếu bạn đặt lợi ích của phụ nữ vào thiết kế đô thị, bạn sẽ giúp nam giới trở thành người chăm sóc tốt hơn. Chúng ta nên nêu bật điều đó trong mọi thiết kế cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích, không gian công cộng và quy hoạch thành phố”. 

Lợi ích từ việc biến phương tiện giao thông công cộng trở nên thân thiện với phụ nữ có thể đo lường được. Tỉ lệ biết chữ trung bình của phụ nữ ở Trung Đông và Bắc Phi là 88%. Tuy nhiên phụ nữ chỉ chiếm 19% lực lượng lao động và đóng góp vào 17% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính, nếu sự tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ ngang bằng với nam giới thì giá trị của nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng thêm 28.000 tỉ USD. Ở Ấn Độ, bang Karnataka gần đây đã miễn phí vé xe buýt cho hành khách nữ để thúc đẩy họ đi làm và đi học.

Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB) về cải cách giao thông vận tải dựa trên giới tính ở Cairo (Ai Cập), Beirut (Lebanon) và Amman (Jordan) cho thấy, những biện pháp tương tự có thể có tác động mạnh mẽ đến sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế. Đồng thời chúng cũng đem lại một lợi ích xã hội đa dạng hơn.  

Linh La (theo Yahoo, The Guardian, NL Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI