Giúp nhau chuyển tự ti sang tự trọng

15/04/2024 - 13:51

PNO - Kinh tế ổn định, chồng/vợ đẹp/giỏi, con ngoan… song không ít gia đình đang phải đối mặt với mâu thuẫn, bất hòa triền miên do tính tự ti, chấp niệm(*) của người bạn đời. Không chỉ mặc cảm về ngoại hình, mà xuất thân, thành công, năng lực kém chỉ một khía cạnh nào đó cũng có thể trở thành rào cản vô hình, bào mòn hạnh phúc và sự gắn kết trong quan hệ vợ chồng.

Sống với quá khứ

Cuối tuần, nhóm chị em tập yoga trong chung cư T.Đ.H., quận 8, TPHCM lại tụ tập dưới sân uống cà phê, “tám” đủ chuyện. Cuộc trò chuyện “nóng” lên khi Thảo Ngân(**) - 27 tuổi, hướng dẫn viên du lịch - bức xúc về sự tự ti của chồng. Ngân chia sẻ: “Sự tự ti của chồng em đeo bám ảnh dai dẳng, khiến ảnh trở nên nhạy cảm, không thông suốt, làm cuộc sống gia đình em quá nặng nề”.

Ngân kể: “chấp niệm” của chồng cô là “nghèo”. Từ “nghèo” như tử huyệt của anh. Hễ ai nói nhà chồng Ngân nghèo là anh tự ái. Cô từng “dính chưởng” khi khoe với bạn bè rằng: “Nhà anh Tú hồi xưa nghèo lắm”. Anh khó chịu cả ngày, bảo cô không ghi nhận cố gắng của chồng mà cứ soi vào quá khứ nghèo khổ của anh.

Ngân kể một mạch về quá khứ hôn nhân đầy sóng gió khi cô chưa “giác ngộ” về sự tự ti của chồng. Tú giỏi giang, là giám đốc một công ty về công nghệ thông tin. Chính vì tự hào về chồng nên Ngân hay khoe về xuất phát điểm cơ cực của anh. Đâu ngờ điều này như gáo nước lạnh với Tú. Anh không muốn mọi người biết về gia cảnh của mình. Suốt một thời gian dài, Ngân chỉ chăm chăm đấu tranh về sự “tự ti” vô lý của chồng. Cô cho rằng anh cần thoát khỏi sự tự ti này, vì anh giỏi, thành đạt, nên tự ti là quá vô lý.

Nghe đến đây, chị Ngọc Phương lên tiếng: “Bực làm gì, ca sĩ nổi tiếng như S.T. mà còn có chấp niệm, huống chi người thường”. Chị dẫn chứng, T. từng có nhiều scandal và điều tiếng, nhưng anh chưa từng đáp trả. Anh chỉ miệt mài làm việc và thành công vang dội. Mọi sự tấn công như không chạm được vào anh. Thế nhưng, chỉ cần “fan cứng” lỡ comment gọi anh (một cách trìu mến) là “T. lùn”, anh liền chặn thẳng tay. Cộng đồng fan biết thần tượng của mình “có chấp niệm” với chiều cao, với chữ “lùn” nên kỵ luôn.

Rồi mỗi người góp vào một câu chuyện, từ người bình thường, hay người nổi tiếng cũng có sự tự ti thầm kín. Ngân “triết lý”: “Tới ca sĩ T. còn có gót chân A-sin to đùng như vậy, nên chồng em có tự ti cũng bình thường ha. Tự dưng, em thương chồng em ghê”.

Ghen từ... chấp niệm

Chị Mai Hoa - 56 tuổi, kế toán một ngân hàng ở quận 3, TPHCM - thì mang nỗi khổ chồng ghen, mà nguồn cơn là do anh tự ti. Anh Minh Quý - chồng chị - là một cán bộ mẫn cán, được mọi người tôn trọng. Nhưng bản thân anh luôn tự ti về công việc, khi bạn bè hay bạn của vợ nhiều người là doanh nhân thành đạt.

Khi đi đám tiệc, trong bàn có doanh nhân - nhân sự cấp cao của một công ty đa quốc gia, là anh lại tự “dìm hàng”, rằng mình chỉ là công chức quèn. Nhưng anh không chỉ tự giễu mà điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến hôn nhân. Hễ chị Hoa có giao tiếp với bất kỳ người đàn ông nào có chức vụ hay thậm chí là trò chuyện với sếp, anh lại… hờn mát, nói lẫy, thậm chí nổi giận, ghen tuông.

Bạn đời tự ti ảnh hưởng rất lớn đến hôn nhân. Nhiều gia đình nhìn bề ngoài rất hạnh phúc, nhưng người trong cuộc chất chứa đầy những nỗi niềm mang tên chồng/vợ tự ti. Chị Thanh Thúy - 39 tuổi, là chuyên viên của một công ty truyền thông tại quận 3 - luôn được ngưỡng mộ vì hôn nhân hạnh phúc. Anh Đức Huy - chồng Thúy - điển trai, là trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn thực phẩm, ở nhà lại biết đóng ghế, xích đu, tự sửa điện nước… Trong mắt bạn bè Thúy, đây là anh chồng hoàn hảo. Vậy mà Huy vẫn tự ti.

Thúy kể, lần đầu cô nếm sự tự ti của chồng là khi Thúy có cuộc hẹn với người bạn học cũ ở nước ngoài về. 2 người thân nhau từ cấp III, khi học chung trong đội tuyển văn. Sau này, khi cậu bạn kia du học rồi định cư ở Mỹ, Thúy chủ yếu giữ liên lạc với bạn qua blog. Họ thường đọc blog của nhau, để lại bình luận như một tương tác tinh thần.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Huy luôn biết Thúy có một người bạn nam như vậy và biết họ trong sáng. Huy chưa bao giờ ghen với bất kỳ ai, nhưng khi Thúy đi gặp cậu bạn cũ kia, Huy nhắn tin liên tục. Cuộc gặp được hơn 1 giờ thì Huy gọi điện hối vợ về. Thấy chuyện bất thường nên Thúy về nhà sớm, thấy mặt chồng “xị một đống”. Dù đã cố gắng gợi chuyện, Thúy vẫn thấy Huy dấm dẳng, không vui vẻ như ngày thường.

Sự khó chịu của Huy kéo dài 2 ngày trời. Thúy vừa buồn, vừa ấm ức, hoang mang. Cô nghĩ sự thay đổi của chồng thật khó chấp nhận, khi anh vừa bất lịch sự, vừa kém văn minh. Chiến tranh lạnh 4 ngày, Huy như cũng… mệt nên quay sang làm lành với vợ. Anh trách vợ “đi gặp bạn quá lâu” và họ tranh luận.

Thúy bắt đầu nổi đóa vì sự vô lý lạ lùng của chồng thì Huy cười cầu hòa. Anh nói như dỗi: “Ai biểu em đi với đàn ông giỏi văn”. Thúy tròn mắt nhìn chồng, rồi cô cũng bật cười: “Bộ anh tính giỏi luôn môn văn để ăn thua đủ với cuộc đời này hả?”.

Sau sự việc đó, Thúy mới nhìn thật rõ vào tâm tư của chồng. Từ lúc quen nhau, Huy đã ngưỡng mộ tài văn chương của Thúy. Dù chưa từng làm thơ, viết văn, nhưng Huy đọc blog của Thúy không thiếu bài nào. Thế giới văn chương của Thúy là nơi Huy không bước vào được, dù Thúy chưa bao giờ đòi hỏi chồng phải biết viết lách, cũng chưa từng chê bai chồng về khía cạnh này. Vậy mà cuối cùng Huy… “đánh mất mình”, đi ngược với sự tự tin, sự văn minh đĩnh đạc chỉ vì… một người đàn ông giỏi văn.

Chấp nhận chấp niệm

Tâm lý học đã nghiên cứu sâu về vấn đề tự ti, coi đó là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm con người. Sự tự ti không chỉ là cảm giác thiếu tự tin trong một số tình huống nhất định mà còn là một phản ứng phức tạp, có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh. Ở mức độ trở thành một “gót chân A-sin”, một chấp niệm - tức là điều khiến ta cực kỳ nhạy cảm, có thể đánh mất bản thân và hành xử khác với chính ta ngày thường thì sự tự ti đó dễ mang đến những căng thẳng cho các mối quan hệ, đặc biệt là trong hôn nhân.

Chuyện của các chị Thúy, Ngân, hay Mai Hoa được hóa giải do họ đã bóc tách phản ứng bất thường của chồng và gọi tên đó là một chấp niệm, một điểm yếu để dần chấp nhận nó. Khi chạm đến điểm yếu đó, họ chấp nhận rằng chồng mình sẽ hành xử lệch chuẩn, không giống với ông chồng dễ thương, giỏi giang ngày thường và điều đó khiến họ vượt qua những phản ứng thái quá, vô lý của chồng.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi bạn đời tự ti, việc lờ đi chưa hẳn là cách giải quyết tốt nhất. Về lâu dài, vợ/chồng cần giúp bạn đời nhận biết điểm yếu của mình để đối diện và chuyển hóa chúng.

Ảnh mang tính minh họa - Wirestock Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Wirestock Freepik

Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, người phối ngẫu thường có xu hướng đấu tranh khá quyết liệt với điểm yếu của bạn đời. Khi biết bạn đời dễ phản ứng với điểm A và sự phản ứng đó là vô lý, họ sẽ càng đấu tranh, càng xoáy sâu để đẩy sự việc lên đỉnh điểm và kêu đòi sự công bằng, tỉnh táo của đối phương.

Trong khi đó, một khi đã là sự tự ti có tính chấp niệm, người ta thường không có khả năng suy xét một cách công bằng. Càng đòi hỏi, càng xoáy sâu vào điểm yếu sẽ càng làm khổ chủ quẫy đạp, phản ứng gay gắt, bất chấp lý lẽ. Cuộc chiến sẽ không có hồi kết.

Sự thật là không có ai hoàn hảo. Vậy nên, mỗi người cần bồi đắp một cái nhìn tích cực về bản thân, học cách không so sánh bản thân với người khác và xây dựng kỹ năng giao tiếp lẫn kỹ năng xã hội. Gặp chuyên gia tâm lý cũng có thể giúp nhiều người hiểu và vượt qua nguồn gốc sự tự ti của mình.

Là một người bạn đời, cần hiểu điểm yếu của chồng/vợ mình và tránh so sánh, chê bai, khiến họ khó khăn hơn với điểm yếu ấy. Chị Thúy, sau khi đã thông suốt và thấy nhẹ nhàng với sự tự ti của chồng, cho rằng: “Sự tự ti là một phần của tính cách. Quan trọng là phải nhận ra và đối mặt với nó một cách lành mạnh thay vì để nó cản trở sự phát triển cá nhân và xây dựng hạnh phúc”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI