Giữ rau củ tươi không cần tủ lạnh

29/08/2021 - 07:54

PNO - Không ít gia đình bị hư tủ lạnh giữa mùa dịch hoặc không có tủ lạnh nên việc bảo quản rau củ, trái cây gặp khó khăn. Theo các chuyên gia, nếu biết một số mẹo nhỏ, không cần tủ lạnh vẫn bảo quản rau củ được 3 - 7 ngày.

Mỗi loại rau có cách bảo quản khác nhau

Theo tài liệu kỹ thuật cho rau quả và hoa cây cảnh của Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin công nghệ sau thu hoạch (Đại học California), mỗi sản phẩm có tuổi thọ khác nhau. Ví dụ, một số loại rau củ như dâu tây, đào, việt quất, mâm xôi, măng tây, giá, súp lơ, hành, diếp cá, nấm, đậu Hà Lan, rau bina, cà chua chín… thường có tuổi thọ dưới hai ngày.

Những loại có tuổi thọ từ 2 - 4 ngày gồm lê, chuối, nho (với điều kiện chưa qua xử lý SO2), ổi, quýt, xoài, các loại dưa, đu đủ, mận, atiso, đậu xanh, bắp cải, cần bảtây, mướp, ớt, bí, cà chua vừa chín....

Các loại rau muống, rau lang, xà lách, rau thơm… cắm trong bình nước sẽ tươi lâu hơn so với khi để bên ngoài
Các loại rau muống, rau lang, xà lách, rau thơm… cắm trong bình nước sẽ tươi lâu hơn so với khi để bên ngoài

Loại có tuổi thọ trung bình (từ 4 - 8 ngày) là một số loại táo, lê, nho đã xử lý SO2, cam, bưởi, quýt, kiwi, hồng, lựu, củ cải đường, cà rốt, khoai tây bi... Loại có khả năng hư hỏng thấp, tuổi thọ cao (từ 8 - 16 ngày) gồm lê, táo, chanh, khoai tây đại, hành khô, tỏi, bí ngô, khoai lang, khoai môn…

Những gia đình không có tủ lạnh có thể tham khảo tuổi thọ của một số loại rau củ quả kể trên để canh thời gian bảo quản, chế biến cho phù hợp.

Nhiều người cho rằng hễ là rau củ, trái cây thì phải bảo quản trong tủ lạnh mới tươi ngon, giữ được lâu. Tuy nhiên, thực tế có nhiều loại rau củ lại ưa nhiệt độ phòng thoáng mát bình thường. Ở môi trường đó, không những rau củ lâu hư mà còn ngon hơn so với để trong tủ lạnh. 

Cũng theo tài liệu kỹ thuật cho rau quả và hoa cây cảnh nêu trên, có một số sản phẩm khi để ở nhiệt độ lạnh sẽ bị nhạy cảm và thương tổn lạnh. Ổi, táo, măng tây, đậu trắng, việt quất khi để ở nhiệt độ lạnh từ 2 - 4,5 độ C sẽ xuất hiện dấu hiệu hư hỏng: đầu mềm nhũn, cùi biến màu, có các vết đốm nâu (trên đậu).

Riêng các loại chuối, dù để ở nhiệt độ từ 11 - 13 độ C cũng sẽ bị thâm khi chín.

Một số loại đậu xanh, dưa leo, cà tím, quýt khi để ở nhiệt độ từ 7 độ C cũng xuất hiện các vết lõm, sũng nước, sẹo bề mặt, thâm hạt, vỏ biến màu.

Các loại trái cây như xoài, chanh, bưởi để ở nhiệt độ từ 10 - 13 độ C sẽ xuất hiện vết sẹo, chín không đều. Hay như cà chua chín, khoai lang, bí, khoai tây, lựu, dứa, ớt, đu đủ, dưa hấu, dưa gang… cũng không hợp với nhiệt độ lạnh từ 7 - 10 độ C. Do đó, với những loại này, tốt nhất nên bảo quản ở nhiệt độ phòng rồi sử dụng từ từ. 

Kéo dài tuổi thọ rau củ

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới - cho biết: "Với một số loại rau củ có thời hạn ngắn, để kéo dài tuổi thọ, có thể áp dụng một số biện pháp dân gian".

Với các loại rau ăn lá như rau muống; rau thơm có cành và rễ như tía tô, quế, kinh giới, hành lá, cần, sả, xà lách; các loại măng tây, súp lơ… chúng ta có thể cắm chúng trong bình nước như cắm hoa. Nhờ phương pháp này, có thể kéo dài thời hạn sử dụng đến 4 - 5 ngày.

Một số loại hành, sả, cần, xà lách thủy canh (còn rễ)… cắm vào nước có thể tươi ngon từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo cho rau tươi lâu, mỗi ngày nên thay nước một lần, cắt bỏ phần cọng rau đã hư. Tất cả rau đều để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng, tránh quạt để rau không bị héo, mất nước. Thậm chí rau lang, rau muống, hành lá… khi cắm vào nước sẽ liên tục ra lá non, giống như phương pháp trồng thủy canh. 

Cà chua, dưa leo muốn bảo quản lâu nên tránh đem rửa vì sẽ làm trôi mất lớp phấn bảo vệ. Cà chua tránh xếp chồng lên nhau. Nếu có xếp nhiều lớp, giữa các lớp nên đặt một tờ giấy ăn hoặc giấy báo. Muốn giữ gừng tươi lâu có thể cho đầy cát, đất vào một chiếc bình rồi vùi gừng trong đó. Nếu để chỗ thoáng mát, gừng có thể tươi trong vài tháng.

Với các loại chuối, khi chúng bắt đầu chín, vỏ chuyển sang màu vàng, nên dùng màng bọc thực phẩm hoặc giấy bạc quấn phần đầu nải chuối lại để ngăn khí ethylene sản sinh (khí này kích thích khiến chuối chín nhanh hơn). Nên cắt chuối ra rồi bọc riêng từng trái thay vì bọc phần đầu cả nải chuối. Sau đó, cứ để chuối ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo thoáng mát. Cách này có thể giữ chuối tươi thêm khoảng 3 - 7 ngày nữa.

Với bắp cải, không cần tước bỏ những bẹ sâu vì chính những bẹ này sẽ bảo vệ những bẹ cải bên trong lâu hư. Khi mua về, dùng cọng dây xỏ ngang cùi bắp cải rồi treo lên cao, lúc ăn cứ tách lớp dần từ bên ngoài vào trong thay vì chẻ đôi, chẻ ba.

Với hành tím, ta cũng xâu thành chùm rồi treo gần bếp. Nhờ cách này, hành được bảo quản khá lâu, ít bị mọc mầm và úng. Với hành tây, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, củ dền, bí xanh, bầu… ta có thể bảo quản từ 5 - 10 ngày bằng cách trải một lớp giấy dưới đất rồi đặt lên. Muốn bảo quản khoai lang lâu, khi mua về nên phơi ngoài nắng.

Không nên tiếc đậu phộng, khoai tây mọc mầm

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, có một số loại rau củ khi mọc mầm sẽ có giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với khi chưa mọc. Nhưng một số loại lại sinh ra độc tố có thể gây ung thư. Như khoai tây, khi mọc mầm sẽ sinh ra độc tố solanin (nằm trong mầm khoai tây).

Triệu chứng ngộ độc do ăn khoai tây mọc mầm có biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn là giãn đồng tử và liệt nhẹ hai chân. Tuy nhiên, do lượng solanin chỉ tập trung ở mầm khoai tây, trong củ khoai thì không đáng kể nên chỉ khi ăn nhiều và ăn cả mầm khoai tây thì mới ngộ độc.

Các loại đậu mọc mầm  (trừ đậu phộng) đều có nhiều chất dinh dưỡng
Các loại đậu mọc mầm (trừ đậu phộng) đều có nhiều chất dinh dưỡng

Một loại mọc mầm khi ăn vào nguy hiểm không kém là đậu phộng. Nếu bắt gặp đậu này mọc mầm thì nên bỏ ngay. Thậm chí với đậu cũ, đã mua và trữ trong suốt 2 - 3 tháng cũng không nên ăn.

“Không ai biết được trước đó đậu phộng đã được bảo quản trong bao lâu rồi mới đến tay người tiêu dùng. Tốt nhất khi mua về nên ăn ngay hoặc tìm mua các loại đậu mới thu hoạch. Nếu trong bếp có đậu phộng đã dự trữ khoảng 2 - 3 tháng thì không nên tiếc mà hãy đem bỏ. Có thể bên ngoài đậu không bị hư nhưng với khí hậu ẩm như nước ta, phôi đậu để quá lâu sẽ sản sinh ra chất độc aflatoxin - một loại độc tố gây bệnh ung thư gan” - tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa nói.

Các loại khoai lang, gừng, cà rốt khi mọc mầm không sinh độc tố như khoai tây nhưng sẽ không còn nhiều chất dinh dưỡng như ban đầu. Có thể gọt bỏ phần mọc mầm rồi ngâm với nước muối pha loãng trước khi chế biến như thông thường. Riêng với khoai lang, nếu phát hiện có những đốm nâu hoặc đen thì nên loại bỏ (còn gọi là khoai bị sùng) vì khi ăn sẽ bị đắng.

Một số loại như tỏi, hành, các loại đậu Đà Lạt, đậu nành… khi mọc mầm có giá trị dinh dưỡng tăng gấp đôi. “Một số nghiên cứu đã chỉ ra tỏi mọc mầm có chất chống oxy hóa cao hơn tỏi tươi, giúp chống lão hóa. Các loại đậu Hà Lan, đậu nành khi mọc mầm có hàm lượng carotene cao hơn so với lúc chưa mọc mầm…” - tiến sĩ Nghĩa xác nhận. 

Thanh Hoa

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe