Sống vui, sống khỏe trong mùa dịch nhờ vườn rau trên cao

12/07/2021 - 07:17

PNO - Cứ vài ngày, hàng xóm lại nhận được bó rau xanh và một ít trứng gà từ vườn nhà anh Huynh. Trong những ngày TPHCM giãn cách xã hội, nhờ “vườn rau trên cao”, nhiều người không cần đi chợ hay siêu thị mà vẫn đủ rau xanh phục vụ cho gia đình và tặng bà con lối xóm.

Những vườn rau giữa lòng thành phố

17g30, chị Nguyệt Anh (Q.Bình Thạnh) vẫn miệt mài tưới nước, làm đất, bón phân cho vườn rau xanh trên sân thượng. Từ khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chị Nguyệt Anh chỉ ở nhà nên có nhiều thời gian để chăm sóc cho vườn rau của mình: “Mùa dịch, nếu chỉ ở nhà không thôi thì buồn lắm. Mình có vườn rau để lên xuống chăm bón nên tinh thần rất thoải mái. Ngày nào mình cũng lên xuống thăm vườn mấy lần, xem như tập thể dục”.

 

Vườn rau rộng 300m2 của anh Huynh
Vườn rau rộng 300m2 của anh Huynh

Sáu năm trước, chị Nguyệt Anh xây căn nhà trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, thiết kế sân thượng 80m2 để tạo vườn. Việc trồng rau trên sân thượng mất công sức gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trồng ở sân. Ngoài việc phải vận chuyển đất, phân bón lên cao, chị còn phải làm hệ thống lưới che và đi đường nước để đảm bảo rau phát triển: “Trồng rau trên sân thượng rất cực. Ngày nắng thì mình tưới mỗi ngày hai lần, mưa thì tưới một lần hoặc không tưới. Phải theo dõi rất sát tình hình thời tiết để đảm bảo rau không ngập úng và cũng không thiếu nước”. Khu vườn của chị Nguyệt Anh hiện có hàng chục loại rau nên chị không cần đi chợ mà vẫn đủ rau xanh ăn hằng ngày và còn có dư để tặng người thân, bạn bè. 

Mấy ngày qua, nhiều người tất tả chạy đi chợ, siêu thị mua rau xanh để ăn trong những ngày giãn cách xã hội nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Huynh thì ngược lại. Với vườn rau rộng hơn 300m2 trên sân thượng, anh Huynh luôn có đủ rau sạch và trái cây ăn quanh năm.

Sau một thời gian dài đi học và làm việc ở nước ngoài, năm 2010, vợ chồng anh Huynh về Việt Nam sinh sống. Từ rất lâu, anh Huynh đã có ý định xây một căn nhà đủ rộng, có sân thượng làm mảng xanh và nơi giải trí cho gia đình. Anh Huynh đã xây dựng căn nhà có tầng thượng rộng 300m2. Ban đầu, do chưa hiểu rõ thời tiết ở TPHCM nên anh Huynh bị thất bại. Sau đó, anh tìm hiểu kỹ và đã thành công.

Vườn rau rộng 300m2 của anh Huynh

Khu vườn trên sân thượng của chị Nguyệt Anh ở đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TPHCM

Anh Huynh chia sẻ: “Nhìn vườn rau của tôi đơn giản nhưng mọi thứ đều được tính toán rất công phu. Tôi tính từng vị trí cụ thể trong vườn, nơi nào có ánh nắng cả ngày, nơi nào chỉ nắng vài giờ để trồng loại cây phù hợp. Mỗi loại cây có một đặc tính riêng nên tôi tận dụng tất cả không gian trống. Ví dụ, ở những khe tường hẹp chỉ 20cm, ở vị trí thiếu nắng, tôi vẫn trồng được rau”.

Tuy vườn rau có diện tích khá lớn nhưng mỗi ngày, vợ chồng anh Huynh chỉ cần bỏ ra khoảng 30 phút buổi sáng và 30 phút buổi chiều để chăm sóc. Anh Huynh cho biết, ngoài cung cấp thực phẩm, khu vườn còn là nơi để gia đình anh thư giãn, giải trí, giảm bớt áp lực của công việc kinh doanh, không thấy nhàm chán trong thời gian giãn cách xã hội: “Những ngày “gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố” này, nếu ở không thì rất buồn chán. Có vườn rau, tôi lên bón phân, tỉa cành nên cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm”.

Cho mình và giúp người

Anh Huynh cho biết, khi mới bắt đầu thử nghiệm trồng rau trên sân thượng, gia đình anh chủ yếu trồng mồng tơi, bí và mướp. Khi rau phát triển đồng loạt, gia đình ăn không hết nên anh phải “nhờ hàng xóm ăn giùm”. 

Những ngày dịch bệnh bùng phát, biết nhiều người phải chạy vạy lùng mua rau xanh, thực phẩm tươi nên anh Huynh thường san sẻ rau xanh ở vườn nhà mình cho mọi người. Cứ vài ngày, anh Huynh lại tặng rau xanh và trứng gà cho hàng xóm. “Rau do tôi trồng, gà cũng do tôi nuôi được. Mình tận dụng rau thừa, rau hư để làm thức ăn cho gà và lấy phân gà ủ, bón rau. Đồ mình trồng được, có dư thì san sẻ cho bà con lối xóm, bạn bè. Đó là điều nên làm, để mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch này” - anh Huynh tâm sự.

Ở P.Phước Long B, TP. Thủ Đức (Q.9 cũ), thỉnh thoảng, người ta lại thấy ông Lê Văn Được đặt một bao rau xanh trước nhà để “ai cần thì lấy mà dùng”. Đây là số rau mà ông Được thu hoạch từ vườn nhà. Nhiều năm trước, ông Được đã chia khoảng đất trống trong vườn thành khoảng 80 ô nhỏ, mỗi ô khoảng 1m2 để trồng rau. Ông trồng được khoảng 20 loại cây, rau trong khu vườn rộng khoảng 100m2.

Số rau trồng ra đủ để gia đình ông Được ăn quanh năm. Thường ngày, hàng xóm cần rau thì đến nhà ông Được. Khi dịch bệnh bùng phát, mỗi lần thu hoạch, ông Được thường cho rau vào bao, đặt trước cửa nhà để ai cần thì mang về nấu. “Mình trồng rau chủ yếu vì đam mê, hơn nữa lại có nguồn rau sạch cho gia đình dùng quanh năm. Khi rau quá nhiều, mình cắt cho hàng xóm. Tôi thấy tự trồng rau tại nhà vừa vui, vừa khỏe, vừa chủ động được thứ rau mình thích, không lo về giá cả” - ông Được đúc kết.

Từ đầu tháng Sáu đến nay, cứ vài ngày, người dân ở khu phong tỏa của P.An Lạc, Q.Bình Tân lại nhận được rau quả sạch của chị Đài Trang (H.Bình Chánh). Có người thân đang sống trong khu phong tỏa, biết người dân ở đây đang rất cần rau xanh và thực phẩm, chị Đài Trang liền cắt rau ở sân thượng nhà mình và vận động bạn bè góp rau để gửi tặng. Chị Trang cho hay: “Khu vườn nhà tôi chỉ có vài chục mét vuông, có năm bảy loại rau trồng để nhà ăn. Nghe người thân nói ở khu cách ly cần rau, tôi kêu gọi bạn bè gom góp mỗi đợt được vài chục ký gửi vô để bà con chia nhau ăn. Số lượng không nhiều nhưng đây là rau do chính tay mình trồng ra nên rất có ý nghĩa”.

Những ngày giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thị Bình (P.Thới An, Q.12) cũng thường xuyên mang rau đi cho người thân và bạn bè. Sáu năm nay, chị Bình chăm vườn rau rộng 200m2 trên sân thượng nhà mình, đủ rau xanh cho gia đình dùng quanh năm. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nghe người quen, bạn bè đi mua rau xanh khó khăn, chị Bình thường xuyên cắt rau trong nhà gửi cho họ. 

Yêu cây và lan tỏa những điều tốt đẹp
Những năm gần đây, nhóm Thích Trồng Cây trên Facebook là nơi lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau trên sân thượng. Nhóm được thành lập năm 2014, hiện có trên 417.000 thành viên, là nơi để các thành viên chia sẻ hình ảnh, niềm vui trồng trọt, trao tặng hạt giống, cây giống và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện. Trong đợt bão lũ ở miền Trung cuối năm 2020, nhóm đã quyên góp được 20 triệu đồng gửi đến chương trình “Hướng về miền Trung” của Báo Phụ Nữ TPHCM. Ngày 4/7 vừa qua, một số thành viên của nhóm đã cùng nhau nấu 300 phần xôi để phát miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Nhiều thành viên của nhóm cũng đứng ra kêu gọi hỗ trợ rau, củ, quả cho người dân ở khu phong tỏa đang gặp khó khăn.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI