Giữa đại dịch, dân Philippines đổ xô đổi đồ đạc lấy thức ăn

04/09/2020 - 09:00

PNO - Với hàng triệu người mất việc và mắc kẹt ở nhà do giãn cách, người dân Philippines ùn ùn vào các nhóm Facebook để trao đổi tài sản.

Với hàng triệu người mất việc và mắc kẹt ở nhà do giãn cách, người dân Philippines ùn ùn vào các nhóm Facebook để trao đổi tài sản. Họ đổi thiết bị nhà bếp, đồ chơi trẻ em và túi xách hàng hiệu để lấy đồ ăn.

Phao cứu sinh trong cơn lũ đói nghèo

Giữa tình cảnh khó khăn, Lorraine Imperio đổi một đôi giày hiệu Nike để lấy một con gà trên trang web đổi hàng trực tuyến. Imperio - bà mẹ hai con, có chồng làm việc bán thời gian tại cửa hàng bánh rán ở Manila - cho biết: “Cuộc sống bây giờ thật khó khăn. Bạn không biết lấy đâu ra tiền để thanh toán các hóa đơn mua hàng tạp hóa”. Giờ làm việc của chồng cô bị cắt giảm do đại dịch COVID-19 và hiện anh chỉ kiếm được khoảng 9.000 peso (4,2 triệu đồng) mỗi tháng, một nửa trong số đó dùng để trả tiền thuê nhà.

Jocelle Batapa Sigue (thứ hai từ phải sang) cùng chồng Arnel (bìa phải) giúp Sheila Rapada (trái) đổi bưởi lấy thức ăn và thuốc cho bà Nenita (ngồi xe lăn) thông qua Cộng đồng đổi hàng Bacolod - Ảnh: AFP
Jocelle Batapa Sigue (thứ hai từ phải sang) cùng chồng Arnel (bìa phải) giúp Sheila Rapada (trái) đổi bưởi lấy thức ăn và thuốc cho bà Nenita (ngồi xe lăn) thông qua Cộng đồng đổi hàng Bacolod - Ảnh: AFP

Các nhóm hàng đổi hàng trực tuyến cung cấp chiếc phao cứu sinh cho Imperio và những người Philippines khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi biện pháp giãn cách xã hội kéo dài từ tháng Ba khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu. Có ít nhất 98 nhóm trao đổi - một số nhóm có hàng chục ngàn thành viên - đang hoạt động trên khắp quần đảo. Gần như tất cả chúng đều xuất hiện trong đại dịch, khi nhiều người Philippines sử dụng phương thức trao đổi hàng hóa cổ xưa để nuôi sống gia đình.

Theo một nghiên cứu gần đây của iPrice Group, lượng tìm kiếm từ khóa “đổi đồ lấy thực phẩm” trên Google ở Philippines đã tăng 300% trong tháng Năm, khi lệnh phong tỏa siết chặt ngân sách hộ gia đình và khiến việc đi lại trở nên khó khăn.

Theo phân tích của iPrice Group trên 85 nhóm đổi hàng phổ biến với tổng số hơn 2 triệu thành viên, thực phẩm và các mặt hàng tạp hóa khác được tìm kiếm nhiều nhất. Mọi người đăng ảnh và thông số kỹ thuật của hàng hóa mà họ muốn đổi, cho biết họ muốn đổi lại thứ gì và sau đó thương lượng qua phần bình luận.

Hàng đổi hàng

Bốn tháng trước, Jocelle Batapa Sigue - một luật sư ở trung tâm thành phố Bacolod - thành lập Cộng đồng đổi hàng Bacolod vì muốn giúp đỡ những người không thể đi mua sắm như cô. Chồng của Jocelle giữ thẻ đi lại duy nhất của gia đình, “vật bất ly thân” mà mọi người bắt buộc phải mang theo khi rời khỏi nhà trong thời gian phong tỏa. Jocelle nói: “Thật khó để tôi nhận được đúng thứ mình muốn khi bảo chồng mua hộ”. Nhóm của Jocelle hiện có hơn 230.000 thành viên và số lượng gia tăng mỗi ngày. Cô ước tính, có hàng ngàn mặt hàng - từ dầu gội đầu và bánh sinh nhật cho đến điện thoại di động và bút kẻ mắt - được trao đổi hằng ngày trên nhóm.

Trong Cộng đồng trao đổi hàng Iloilo, các thành viên giao dịch trực tuyến bằng cách đăng ảnh, video các mặt hàng họ muốn cho đi, cũng như sản phẩm họ muốn nhận về. Nếu thấy vừa ý, những người tham gia sau đó sẽ thảo luận về cách thức và địa điểm gặp trực tiếp để trao đổi. Charity Delmo - người tạo ra trang web này - nói với CNN Philippines rằng, đổi hàng là một trải nghiệm cộng đồng khác biệt nhưng vẫn tuân theo quy định kiểm dịch chung. Chẳng hạn, những người tham gia phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi trao đổi hàng hóa; họ cũng tránh trao đổi động vật sống hoặc bất cứ thứ gì yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt.

Charles Ramirez - người điều hành một trang web trao đổi hàng hóa khác với 14.000 thành viên ở thủ đô Manila - tiết lộ, “một tỷ lệ lớn” thành viên nhóm đang sống trong cảnh nghèo đói và chủ yếu quan tâm đến hàng tạp hóa.

Một cuộc khảo sát vào đầu tháng Bảy cho thấy, khoảng 5,2 triệu gia đình Philippines phải trải qua tình trạng “thiếu thức ăn” ít nhất một lần trong ba tháng đầu phong tỏa. Dù vậy, không chỉ những người thiếu tiền mới muốn trao đổi đồ đạc. Một số đang tận dụng cơ hội này để vứt bỏ những hàng hóa mà họ không còn cần.

Theo Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez, trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng vì các mục đích cá nhân - không phải để kinh doanh - là hoàn toàn hợp pháp. Dù vậy, theo ông, thương mại hàng đổi hàng chỉ được công nhận ở ba khu vực trong nước, thuộc hai tỉnh Sulu và Tawi-Tawi. Mặt khác, hoạt động buôn bán hàng, đổi hàng tại địa phương phải tuân theo quy định về đăng ký và chịu thuế nếu có tổng doanh thu hằng năm trên 3 triệu peso (1,5 tỷ đồng). 

Tấn Vĩ (theo CNN, Straist Times, PNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI