Giọt nước mắt của vị chỉ huy “mặt trận” Cần Giờ

30/04/2020 - 08:19

PNO - Mười ngày qua, Bệnh viện Điều trị COVID-19 (huyện Cần Giờ, TPHCM) tạm bình yên khi các bệnh nhân điều trị tại đây đã khỏi bệnh, xuất viện; cũng không còn người cách ly. Nhưng, “sơ đồ tác chiến” vẫn luôn sẵn sàng, bởi cảnh giác trước “quân địch” vô hình là điều phải nằm lòng.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân

Thấp thoáng giữa những gương mặt thiếu ngủ của những “người lính” gìn giữ sự bình yên đó, là chân dung vị chỉ huy - bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM kiêm Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19. 

“Rèn binh, luyện sĩ” chờ… ra trận

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được vị chỉ huy này, bởi anh không có chút thời gian rảnh rỗi. Điện thoại cứ liên tục vang lên; kế hoạch, các bước chuẩn bị tiếp theo cho cuộc chiến phòng chống dịch này làm cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng. 

Anh kể, sau quyết định của Sở Y tế TPHCM phân công anh phụ trách Bệnh viện Điều trị COVID-19 tại huyện Cần Giờ, tính đến nay, anh đã sụt… 9kg.

Còn tôi hình dung ngày 12/3, anh cùng hơn 60 nhân viên của Bệnh viện Quận Thủ Đức phải thực hiện ngay cuộc “đổ quân” đầu tiên đến huyện Cần Giờ để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho công tác cách ly, điều trị càng sớm càng tốt. Nhưng đâu phải tới là khám chữa liền, khi bày ra đó là dọn dẹp, đóng bàn ghế, kê giường, kéo máy móc… Nhìn vào, không ai biết họ là nhân viên y tế của bệnh viện. Cứ liên tục như thế bốn ngày đêm, Bệnh viện Điều trị COVID-19 tại huyện Cần Giờ dần hoàn thiện, sẵn sàng đón bệnh nhân.

Anh và đồng nghiệp ở đó, phập phồng chuẩn bị… “trận đánh”. Giữa lúc căng thẳng, tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, các bác sĩ trẻ tràn đầy nhiệt huyết viết những lá đơn xin lên đường chống dịch. Danh sách ngày càng dài khiến anh cay mắt, với nỗi niềm trân quý đồng nghiệp. Anh và ê-kíp ở Cần Giờ đã có sự chi viện, sẵn sàng chia lửa từ đồng đội. Nhưng chuyện này không phải… nửa đêm sực tỉnh.

Từ lâu, phương pháp “luyện quân ba năm, dùng một giờ” đã được anh áp dụng triệt để mà không có trong quy định, giáo trình. Đó là: nhân viên y tế của bệnh viện sẵn sàng khám, chữa bệnh mỗi ngày; không có tư tưởng nghỉ lễ, tết; không ngày phép. Vị chỉ huy ấy đi đầu với quyết tâm phục vụ tốt nhất sức khỏe người dân, xây dựng niềm tin để nhân viên đồng lòng, đoàn kết, thống nhất… Vì thế, ngay khi dịch bệnh COVID-19 tấn công vào Việt Nam, bác sĩ Quân đã chuẩn bị tinh thần cho nhân viên rằng đây có thể là trận chiến lớn của ngành y tế nói chung và Bệnh viện Quận Thủ Đức nói riêng, chỉ cần có chỉ thị sẽ sẵn sàng “ra trận”.

Phương án chia ê-kíp tại “mặt trận” huyện Cần Giờ như sau: không nhân viên y tế nào được ở nhà, mỗi đợt “hành quân” sẽ xoay vòng với 10 bác sĩ về thì tiếp tục 10 bác sĩ khác sẽ đi, kể cả trưởng khoa, phó khoa…  

Sở dĩ lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chọn Bệnh viện Quận Thủ Đức là do bác sĩ ở đây có chuyên môn, nghiệp vụ khá tốt. “Ở các khâu sàng lọc, phát hiện bệnh, họ đều có thể hoàn thành. Về điều trị COVID-19, chúng tôi có thêm sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM nên rất yên tâm. Các bác sĩ trẻ cũng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Quan trọng nhất vẫn là sự đồng lòng, hỗ trợ của bác sĩ tại địa phương, nhờ đó công việc tại đây rất thuận lợi”, anh nói. 

Ngày 16/3, bệnh nhân đầu tiên được đưa đến Bệnh viện Điều trị COVID-19, sau đó số người cách ly, điều trị tại đây tăng dần. Nhận thấy các bác sĩ có biểu hiện bị áp lực, căng thẳng, bác sĩ Quân dùng ngay phác đồ điều trị tâm lý cho nhân viên: cải thiện lại khuôn viên bệnh viện, trồng cỏ, chăm cây… để họ có giây phút nghỉ ngơi; cần mẫn, kiên trì gắn kết bác sĩ của các bệnh viện, để trong khó khăn mọi người xem nhau như một gia đình.

Vinh quang thuộc về người lính

Hiện nay, bệnh nhân cuối cùng đã xuất viện, nhưng lực lượng phản ứng nhanh “mặt trận” Cần Giờ còn nguyên, bởi không ai biết được, ngày mai dịch sẽ thế nào. 

Bác sĩ Quân xúc động: “Thời gian này, hơn ai hết, tôi tin chắc tất cả các bác sĩ đều cảm nhận rất rõ mối liên hệ mật thiết, gắn bó giữa người dân và các nhân viên y tế. Nhiều chuyến xe nghĩa tình của người dân đã chở các thiết bị thiết yếu như đồ bảo hộ, khẩu trang, nước rửa tay… và cả thực phẩm đến cho chúng tôi. Những lời chúc của các học sinh được viết nắn nót trên những tờ giấy nhiều màu sắc “con chúc cô, chú khỏe mạnh để khám bệnh”, “cô, chú nhớ nghỉ ngơi”, “chúc cô, chú ăn ngon miệng”… được đặt vào từng gói bánh, hộp sữa khiến chúng tôi như được gặp người thân của mình”. 

Giọng anh rưng rưng: “Khi hỏi thăm, tôi được một chị trong đoàn đưa cho tờ giấy, đó là danh sách bà con ở một xóm nghèo của quận 6. Họ đóng góp mỗi người 5.000-20.000 đồng. Chị ấy nói khả năng chỉ đóng góp được 10.000 đồng, cũng được vài gói mì, các bác sĩ ăn để có sức chữa bệnh. Lần này chưa nhiều, chị ấy về sẽ đi vận động thêm…”.

Cuộc đời làm bác sĩ chưa bao giờ anh thấy ngành y tế được dân thương nhiều đến vậy, bác sĩ được động viên nhiều đến vậy. Đây là những chuyến “hành quân” không chỉ mang theo trách nhiệm, mà còn có tình thương, sự tin tưởng của người dân đồng hành.

Trận đánh nào cũng có những lúc cần ra quyết định, đặt ai đó trước những ngã ba, cả chỉ huy và lính. Làm sao trả lời cho hợp lý trước câu hỏi: “Anh có lạnh lùng quá không khi quyết định cho nhân viên mới lập gia đình, có con nhỏ “ra trận”?”. Với đôi mắt đỏ hoe, anh chậm rãi kể tiếp: “Có bạn mới đám cưới nhưng vẫn tìm gặp tôi nói chồng em động viên cứ đi đi, không sao đâu. Tôi nói thôi, để cử người khác, nhưng em ấy nhất định xung phong đi trước. Tôi vừa tự hào về nhân viên của mình, vừa biết ơn gia đình họ”.

Theo quy định, thời điểm đó, mỗi ê-kíp phải làm nhiệm vụ năm tuần ở huyện Cần Giờ. Về đến Thủ Đức lại phải cách ly thêm hai tuần ở các khu nhà do bệnh viện chuẩn bị để đảm bảo mình hoàn toàn khỏe mạnh mới được về nhà. 

“Tôi cảm ơn người thân của những nhân viên bệnh viện, đã không gây áp lực lên các điều dưỡng, bác sĩ của tôi, mà còn ủng hộ. Tôi rất trân trọng sự đồng hành, chia sẻ ấy. Với nhân viên, tôi muốn nói rằng ngoài mối quan hệ lãnh đạo - nhân viên, trên mặt trận này, chúng ta đều là những chiến sĩ áo trắng với tình đồng đội. Chúng ta hãy cùng nhau đánh một trận thật đẹp, đầy cảm hứng, rồi trở về với gia đình, trở về cuộc sống yên vui trước đây”, vị chỉ huy chia sẻ.

Cầu mong, ngày mai, họ sẽ trở về, đồng nghĩa sẽ không còn ai phải bước vào bệnh viện để nín thở trước lằn ranh sinh tử vì dịch bệnh quái ác này. 

Phạm An

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI